(HNM) - Xác định rời quê ra phố mưu sinh, “ráo mồ hôi là hết tiền” nên số đông lao động ngoại tỉnh đều trăn trở những dự tính, kế hoạch riêng và quyết liệt thực hiện cho được điều đó. Có người đi vài tuần là
Nhọc nhằn gánh ước mơ cho con
Bây giờ, mỗi khi nhớ lại hoàn cảnh gia đình vào thời kỳ mấy anh em đang ăn học, Đỗ Duy Hiếu, cậu con trai thứ ba của bà Trần Thị Nhì (quê Thiệu Tân, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vẫn xót xa: “Mẹ em cực khổ không kể xiết. Việc gì mẹ cũng làm: Dọn hàng thuê, phụ bưng bê, rửa bát, bán rong… Thế mà, nhiều khi đến bữa, hai mẹ con chỉ đủ tiền mua một suất cơm rồi chia nhau, vừa ăn, vừa ứa nước mắt…”.
Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai những người lao động ngoại tỉnh. Ảnh: Khánh Huy |
Thiệu Tân là một xã nghèo. Gia đình bà Nhì sống trong một ngôi làng thuần nông đất đai cằn cỗi. Thế nên dù vợ chồng bà tay năm, tay mười, quanh năm cái ăn, cái mặc vẫn thiếu. Bù lại, những đứa con của bà đều rất ham học. Mỗi khi nhìn vào chúng, bà lại tự nhủ: “No, đói thế nào cũng phải lo cho con cái ăn học nên người”.
Bất hạnh ập đến khi Đỗ Duy Hiếu bị tai nạn giao thông khiến đôi chân của em vĩnh viễn không còn đi lại được nữa. Xót cho số phận hẩm hiu, bà xót cả ước mơ học hành của con có nguy cơ đứt gãy vì sức khỏe sụt giảm mà gia cảnh đã túng bấn lại càng túng bấn hơn kể từ sau tai nạn. Không sợ nghèo, chỉ sợ dốt, nhất là thấy được khát khao của con, bà quyết định cùng Hiếu lên Thủ đô, nhận đủ thứ việc kiếm tiền để con có thể tiếp tục giấc mơ học tập. Không phụ lòng mẹ, bằng ấy năm bà Nhì nhọc nhằn bươn bả nơi phố thị là từng đó thời gian Hiếu nỗ lực vượt lên số phận. Không chỉ giành được học bổng hằng năm của trường, Hiếu còn rất nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên nhờ các thành tựu nghiên cứu đáng nể, trong đó phải kể đến chương trình hỗ trợ học toán qua mạng do em sáng lập mang tên “Học toán cùng thủ khoa”; chương trình giúp em phát triển sự nghiệp riêng hiện nay, cũng như cho Hiếu cơ hội làm việc tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Hiếu nói: “Vài năm trước, với hoàn cảnh bản thân như thế này, em không thể nghĩ được sẽ có ngày mình có nhà, có xe, có công ty ở ngay Hà Nội. Nhờ mẹ chịu đựng mọi gian khổ, khó nhọc nuôi mấy anh em ăn học mà chúng em mới có được ngày hôm nay”.
Bây giờ, bà Nhì không còn phải lam lũ, vất vả như trước nữa. Hằng ngày, bà ở nhà chăm cháu nội cho các con yên tâm công tác, nhưng câu chuyện của bà vẫn tiếp tục được họ hàng, người quen kể mãi như một ví dụ điển hình cho nỗ lực chèo chống vì tương lai con cái. Ở một góc độ khác, câu chuyện của bà Nhì còn lấp lánh những giá trị không dễ gì nhận thấy phía sau những gánh hàng rong; những tấm lưng đẫm mồ hôi; những gương mặt hằn sâu khắc khổ… của người lao động nhập cư trên phố thị. Chỉ đến khi vô tình bắt gặp những dòng thông tin đầy xúc động như: “Con trai thủ khoa của người quét chợ”; “10 năm ngủ cống ngầm nuôi con đại học”… hay “Người bố phụ hồ của huy chương vàng toán quốc tế”…, ta mới phần nào thông cảm và thấu hiểu hơn cho những cảnh đời, số phận cùng nỗi niềm của người lao động tha hương trong hành trình "gánh số phận, nhặt tương lai" đầy khó nhọc.
Phải thích nghi để mà bước tiếp
Chị Triệu Thị Lê, người xã Nguyễn Trãi (Ân Thi, Hưng Yên), cho biết: “Chị em cùng quê dắt díu nhau lên đây làm ăn, mỗi người một cảnh: Người chồng mất, con ốm, người đất canh tác không còn, người theo nuôi con ăn học… nhưng điểm chung giữa chúng tôi là nghèo, hết kế sinh nhai nên phải rời quê nhà về thành phố mưu sinh, những mong tìm được tương lai sáng hơn cho gia đình, dẫu biết ở nơi lạ nước, lạ cái thế này sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại”.
“Ở quê ra thành phố, nhìn cái đèn xanh, đèn đỏ còn lớ ngớ, mỗi khi qua đường còn tim đập, chân run… nữa là vô vàn những khác biệt trong lối sống, sinh hoạt, ứng xử…, khó thể một chốc, một lát mà theo kịp được. Thế nên, bên cạnh những khó nhọc, mỗi người còn phải chịu không ít những ấm ức, tức tưởi từ công việc bán sức mưu sinh này. Gặp được người chủ tử tế, thương người còn được nhờ đôi chút, phải người nóng tính, thích quát mắng, văng tục…, nhận đồng tiền công, người làm thuê chúng tôi cũng cay xè mắt vì tủi nhục”.
Anh Dương Tùng (quê Nam Minh, Nam Trực, Nam Định), lái xe chở hàng tại chợ đầu mối Long Biên cho rằng: “Việc bị phân biệt đối xử không phải là không có, nhưng cũng xuất phát từ cách ứng xử của mỗi người lao động. Điều cốt yếu là khi về phố làm ăn sinh sống, mỗi người cần hiểu đây không chỉ là một nơi để kiếm sống mà sinh hoạt bừa bãi, làm ăn chụp giật, xả rác lung tung… Ấy là chưa kể đến nhiều cái khó khác, bắt nguồn từ chính điều kiện, đặc thù công việc của mỗi người. Ngay như những người gánh hàng thuê tại chợ này, chỉ có vài giờ đồng hồ để kiếm ăn, chậm chân là mất việc mà tranh giành, chen lấn lại gây ùn tắc đường đi, nguy cơ đổ vỡ, giập nát hàng hóa nên khó tránh khỏi những lúc bị chủ xe, thương lái la mắng, xô đẩy”.
Tìm hiểu về đời sống người lao động di cư về đô thị, tôi nhận thấy thêm nhiều khó khăn, bất cập khác đã và đang tác động lên lực lượng lao động không chính thức này. Đó là những ấm ức từ việc "ma cũ bắt nạt ma mới", bị côn đồ hành hung, trấn lột, thu phí địa bàn, bến bãi... hay bị mất đi những quyền lợi cơ bản về an sinh xã hội, cũng như cơ hội được bảo vệ do tính chất công việc, thói quen dịch chuyển chỗ ở... Những xung đột văn hóa, quan điểm nhìn nhận giữa "người quê - người phố" cũng khiến không ít người vấp phải sự phân biệt đối xử, kỳ thị vùng miền từ một bộ phận cư dân nội đô, những người không phải không nhận thấy những giá trị tích cực từ lực lượng lao động này đối với đời sống đô thị… Không ít người quy trách nhiệm cho lực lượng lao động ngoại tỉnh du nhập về thành phố, mang theo lối sinh hoạt giàu tính làng xã làm xói mòn, mai một nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội xưa… Thực trạng này không chỉ khiến người lao động nhập cư về thành phố gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi không đáng có mà còn vô tình tạo nên những mặc cảm, hố sâu ngăn cách, tiềm ẩn những mâu thuẫn ảnh hưởng tới quá trình phát triển đô thị. Thế nhưng cũng có một thực tế khác, trên con đường mưu sinh, người lao động ngoại tỉnh sẽ phải gắng gỏi thích nghi với đời sống phố phường để mà bước tiếp...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.