(HNM) - Việc tổ chức bộ máy quản lý cư dân tại cơ sở, công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự tại đây cũng còn nhiều vướng mắc.
Bất cập trong xây dựng bộ máy quản lý
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 600 tòa nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng, bao gồm cả tòa nhà thương mại và tái định cư. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư đang đặt ra nhiều thách thức. Ở hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri tại khu vực nội thành của đại biểu HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, các cử tri đều đề cập đến lĩnh vực này, nêu những bức xúc trong việc chủ đầu tư không hợp tác với cư dân.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu chung cư thuộc Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông). Ảnh: Tiến Thành |
Đơn cử như quận Hà Đông có 54 tòa nhà chung cư, trong đó đã có 48 tòa thành lập ban quản trị. Thế nhưng, bất cập lớn nhất trong xây dựng bộ máy quản trị các tòa chung cư là chỉ có "bộ khung" mà không có kinh phí hoạt động, do việc bàn giao quỹ bảo trì chưa khi nào "thuận buồm xuôi gió". Nhân sự ban quản trị do người dân bầu ra nhưng kinh phí hoạt động vẫn do chủ đầu tư nắm giữ, tạo ra mâu thuẫn dai dẳng giữa chủ đầu tư và cư dân. Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn quận Hà Đông có hàng chục chung cư đã thành lập ban quản trị, kiến nghị nhiều lần, UBND quận Hà Đông cũng đã thành lập các tổ công tác đôn đốc, nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ, chậm bàn giao quỹ bảo trì.
Quá bức xúc, cư dân nhiều chung cư như chung cư 16B Nguyễn Thái Học, chung cư Hồ Gươm Plaza, CT12 - Khu đô thị Văn Phú… đã treo băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ các quy định. UBND các phường sở tại đã nhiều lần có văn bản gửi các chủ đầu tư yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì cho người dân, song không có chuyển biến. Trả lời các kiến nghị của cử tri, Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Cường cho biết, Quận ủy, UBND quận thường xuyên chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan, kiểm tra công tác quản lý vận hành nhà chung cư đối với các tòa nhà trên địa bàn. Đồng thời đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng quyền và trách nhiệm theo quy định như bàn giao phí bảo trì 2%, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, công tác hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy… Trường hợp chủ đầu tư cố tình không thực hiện, UBND quận báo cáo Sở Xây dựng, UBND thành phố xử lý theo thẩm quyền. Năm 2017, UBND quận Hà Đông đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng báo cáo thành phố yêu cầu chủ đầu tư chung cư BMM (phường Phúc La) bàn giao quỹ bảo trì 2% theo quy định, hoặc có biện pháp cưỡng chế khi cần thiết.
Không chỉ tại Hà Đông, cư dân của nhiều nhà chung cư thuộc địa bàn các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân… cũng chung nỗi bức xúc trên.
Chưa bảo đảm an ninh trật tự...
Gần đây, vụ án mạng xảy ra ngày 1-11-2017 tại một khu chung cư cao cấp trên địa bàn quận Thanh Xuân khiến dư luận dấy lên tâm lý lo ngại về công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các chung cư. Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, một số chung cư trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng phức tạp về an ninh trật tự. Nguyên nhân do nhiều chung cư chưa thuộc tổ dân phố nào, chưa có ban quản trị nên công tác quản lý đối tượng, địa bàn gặp không ít khó khăn. Đơn vị quản lý và người dân ở các khu chung cư lại có nhiều mâu thuẫn về các loại phí dịch vụ sinh hoạt, tạo nên sự phức tạp về an ninh trật tự. Đáng chú ý, một số chung cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng nên việc thông tin tuyên truyền cho người dân chưa kịp thời. Ngoài ra, công tác quản lý nhân hộ khẩu, nắm người, nắm hộ tại các tòa nhà chung cư gặp khó khăn do nhiều hộ chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn. Công tác quản lý, kiểm tra người nước ngoài đến thuê chung cư cũng còn hạn chế vì thời gian lưu trú ngắn, bất đồng về ngôn ngữ...
Chưa kể, theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, hiện thành phố còn 46/79 công trình chung cư vẫn chưa khắc phục xong những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Trong đó, có 26 chung cư khó có khả năng khắc phục tồn tại. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ cháy chung cư như vụ cháy chung cư CT1B (Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) ngày 10-11-2017 hay cháy chung cư cao cấp Golden Westlake (quận Tây Hồ) ngày 25-12-2017. Tuy không gây thiệt hại lớn nhưng đó thực sự là hồi chuông cảnh báo đối với việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư trên địa bàn thành phố.
Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến việc 46 chung cư chưa được bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy là do các chủ đầu tư chây ỳ trong công tác khắc phục những vi phạm. Một số chủ đầu tư cũng muốn xử lý các tồn tại về an toàn phòng cháy nhưng lại thiếu vốn để thi công khiến cho tiến độ khắc phục chậm trễ. Ngoài ra, tại 4/46 chung cư do mâu thuẫn trong quá trình quản lý, người dân không đồng thuận để thi công các hạng mục khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, nhiều tòa chung cư tái định cư do đã được xây dựng lâu, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy bị hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, dẫn tới nguy cơ có thể bị thiệt hại nặng nề khi xảy ra cháy...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.