(HNM) - Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, không tổ chức cưới phô trương, xa hoa, lãng phí… là định hướng cơ bản khi triển khai cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần Chỉ thị 27. Tinh thần ấy đã được nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể...
Những mô hình đặc biệt
Một tháng chỉ có hai ngày dành cho việc tổ chức cưới, gia đình có cô dâu mặc váy cưới bị cắt điện 1 tuần - quy định “không tưởng” này là điều có thật ở thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Điều gây bất ngờ là điều này đã được duy trì gần 20 năm qua, được nhân dân đồng thuận. Không chỉ có vậy, rất nhiều quy định khác về việc cưới ở Yên Lạc đã hình thành từ lâu, như không tổ chức sân khấu, không nhạc “sống”, đèn nhảy; cỗ cưới không thuốc lá…
Cưới tập thể vừa tươi vui, lành mạnh lại tiết kiệm được nhiều chi phí. Ảnh: Nhật Nam |
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc Phạm Văn Luận nói: Trước năm 2000, việc cưới ở Yên Lạc còn nặng nề bởi hủ tục. Khi Chỉ thị 27 “về” địa phương, với quyết tâm thay đổi nhận thức, loại bỏ lề thói không phù hợp, chính quyền và nhân dân Yên Lạc nhất trí áp dụng nhiều quy định: Việc cưới chỉ tổ chức trong ngày mùng 2 và 16 hằng tháng nhằm tránh sự sa đà ăn uống, lãng phí thời gian lao động, giúp các gia đình “nhìn nhau” để tổ chức cưới vui mà tiết kiệm. Trong ngày đặc biệt của đời mình, các cô dâu ở Yên Lạc không mặc váy cưới mà vận trang phục truyền thống.
Tháng 9-2017, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên - công nhân (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) kỷ niệm 10 năm hoạt động bằng sự kiện đầy ý nghĩa: Tổ chức lễ cưới tập thể cho 100 đôi uyên ương. Đây cũng là hoạt động xuyên suốt của Trung tâm kể từ khi thành lập với mục tiêu hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, xây dựng mô hình cưới tiết kiệm, văn minh theo tinh thần Chỉ thị 27. Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Để duy trì mô hình này, Trung tâm gặp không ít khó khăn trong việc tìm địa điểm tổ chức, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ, đặc biệt là tháo bỏ rào cản tâm lý để vận động, thuyết phục. Đến nay, mô hình lễ cưới tập thể đã được 722 đôi tham gia và tất cả đều bày tỏ niềm vui với hôn lễ đặc biệt này, nhất là khi gánh nặng cưới hỏi được trút bỏ. Ý nghĩa hơn, sau nhiều năm, mô hình cưới văn minh của Trung tâm đã được nhân rộng tới nhiều tỉnh, thành phố khác.
Không ngừng bồi đắp
Câu chuyện ở Yên Lạc và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên - công nhân chỉ là hai trong số những ví dụ tiêu biểu về việc tổ chức cưới văn minh, cho thấy những nỗ lực đưa Chỉ thị 27 vào cuộc sống của các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã tạo kết quả tốt, làm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần cuộc vận động, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Có thể kể đến phong trào cưới văn minh, tiết kiệm, không thuốc lá ở Tam Nông (Phú Thọ), Khoái Châu (Hưng Yên), Phú Xuyên (Hà Nội); cuộc vận động đẩy lùi hủ tục, nạn ăn uống tràn lan trong lễ cưới của đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Mẫu Sơn, Ái Quốc (Lộc Bình, Lạng Sơn); Kiên Lao, Trù Hựu, Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang)…; cô dâu, chú rể thực hiện nghi thức đền ơn, đáp nghĩa trong ngày cưới như dâng hương, trồng cây lưu niệm tại nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, tặng quà cho trẻ mẫu giáo… ở xã Hương Vân - huyện Hương Trà, xã Phú Mậu - huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế)…
Nhiều địa phương trên cả nước đã lồng ghép nội dung Chỉ thị 27 vào hương ước, quy ước làng, xã; triển khai thành công mô hình “Đám cưới 5 triệu đồng”, “Đám cưới điểm”, “Đám cưới ba tiết kiệm”, “Cưới tiệc ngọt, tiệc trà”, “Báo hỷ thay tiệc cưới”… Tiêu biểu như huyện Đan Phượng (Hà Nội), sau nhiều năm bền bỉ vận động, từ 10 “Đám cưới điểm” đầu tiên, đến nay, mô hình này đã được 1.000 đôi áp dụng. Tại huyện Mê Linh, sau 5 năm áp dụng mô hình “Tiết kiệm trong việc cưới” với gần 600 đám cưới đăng ký thực hiện, số tiền lớn tiết kiệm được từ việc tổ chức cưới văn minh giúp các gia đình trẻ không lâm vào cảnh nợ nần, có vốn để phát triển sản xuất… Cuộc vận động tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm tại Hà Nội đã mang lại kết quả tích cực. Trong 5 năm trở lại đây, toàn thành phố có hơn 90% đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới, các nghi thức rườm rà, lạc hậu cơ bản đã không còn.
Dù đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc triển khai phong trào, tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức trong xã hội, việc cưới vẫn còn điểm hạn chế: Một số cán bộ, đảng viên không nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 27, “xé rào”, “lách” quy định. Ở nhiều nơi, mô hình cưới văn minh còn được hiểu chung chung; sức lan tỏa mô hình cưới tiệc ngọt, tiệc trà, cưới tập thể tuy đã rõ nhưng chưa đạt kết quả như kỳ vọng; vẫn còn không ít đám cưới tổ chức xa hoa, kéo dài nhiều ngày, gây dư luận không tốt… Đó là những điều cần khắc phục.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm là xu hướng tiến bộ, đem lại lợi ích nhiều mặt cho cả gia đình và cộng đồng. Để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần Chỉ thị 27, không ngừng bồi đắp nếp sống đẹp, điều quan trọng là phải nhận thức rõ bài học kinh nghiệm, bổ sung giải pháp khả thi. Bài học kinh nghiệm đó, như Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) Ninh Thị Thu Hương nhận xét là: Từ những mô hình thành công, có thể thấy sự kiên trì vận động và khả năng sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 27 sẽ mang lại kết quả tốt. Tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên cần được phát huy hơn nữa nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.