(HNM) - Không ít người lo lắng, khi bệnh viện phát triển theo hướng “lời ăn, lỗ chịu
Vừa được hưởng lợi, vừa lo bị “tận thu”
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tăng số lượng trang thiết bị, dịch vụ y tế, phát triển các kỹ thuật cao là biện pháp được các bệnh viện của ngành Y tế Thủ đô tập trung khi được giao quyền tự chủ tài chính. Dễ nhận thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, tại nhiều bệnh viện tự chủ đã có bước chuyển mình, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, giúp họ không phải vất vả lên tuyến trên.
Người dân chờ làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Bà Nguyễn Thị Đường (ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) phải lọc máu chạy thận nhân tạo được 7 năm. Trước đây, dù quãng đường từ nhà đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông rất gần, nhưng vì Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu của bệnh viện thiếu máy, nên bà Đường phải vất vả lên bệnh viện tuyến trung ương.
Để chuẩn bị cho việc tự chủ tài chính, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) đã được đầu tư thêm 31 máy lọc máu HD. Với tần suất 3 ca/ngày, khoa đáp ứng nhu cầu lọc của gần 200 bệnh nhân khu vực Hà Đông và vùng lân cận. Nhờ đó, nỗi cực nhọc của bà Đường cũng như những người bệnh khác đã vơi đi phần nào.
Khi tự chủ, bệnh viện sẽ ý thức cạnh tranh để tăng chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, khi lợi nhuận được đặt lên, các bệnh viện đẩy mạnh dịch vụ để tăng thu, liệu còn bảo đảm được tính nhân văn của ngành Y? Thêm vào đó, từ ngày 15-7-2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Theo Thông tư 15, có 70 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm trung bình từ 5% đến 24%, thậm chí có những dịch vụ giảm đến 50%. Việc điều chỉnh viện phí theo hướng giảm giá này, khiến người bệnh lo bị “tận thu” và chất lượng khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng khi nguồn thu của bệnh viện giảm.
Lo lắng trên không phải không có cơ sở, bởi theo ông Lê Văn Phúc, Phụ trách Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), hiện tượng cơ sở y tế thu thêm của người bệnh ngoài khoản được bảo hiểm y tế chi trả vẫn xảy ra khá nhiều, nhất là tại các bệnh viện phía Bắc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra, thì chỉ số chi từ tiền túi cho khám, chữa bệnh sẽ tăng lên, chứ không giảm.
“Bản thân tôi từng đưa người nhà đi khám bệnh và phải nộp thêm khá nhiều chi phí, trong đó có nhiều khoản mà tôi biết là bảo hiểm y tế đã chi trả. Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến thắc mắc của người dân về vấn đề này. Có hai lý do, có thể là bệnh viện không giải thích với người bệnh hoặc nói thẳng là lạm thu, khoản này lẽ ra người bệnh không phải đóng” - ông Lê Văn Phúc cho hay.
Theo khảo sát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhiều bệnh viện kê thêm gấp từ 2 đến 3 lần số giường kế hoạch, có nơi tận dụng hành lang, gầm cầu thang làm phòng bệnh... chỉ để “tận thu” tiền giường. |
Xử lý nghiêm việc thu thêm của người bệnh
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngành Bảo hiểm xã hội đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng từ các cơ sở y tế chi sai, chi vô lý do lạm dụng các kỹ thuật, dịch vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, số tiền đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lên tới 47.309 tỷ đồng với tỷ lệ sử dụng quỹ khoảng 122,57%, trong đó có 60/63 tỉnh, thành phố chi vượt Quỹ Bảo hiểm y tế. Hà Nội là một trong 13 địa phương bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế hơn 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của Hà Nội nửa đầu năm nay đã tăng hơn 10%. Một mặt là do số người tham gia bảo hiểm y tế và số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng lên; mặt khác tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế còn phổ biến.
Qua kiểm tra, có những bệnh viện cho bệnh nhân nằm điều trị ở khoa hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu dù bệnh tình chưa đến mức như vậy. Có trường hợp bệnh nhân chỉ mắc cảm cúm thông thường, viêm họng, sổ mũi… cũng cho nhập viện điều trị nội trú.
“Quỹ Bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội bội chi, trong đó tỷ trọng chi cho tiền giường điều trị tăng rất mạnh. Tại các bệnh viện tuyến huyện, chi phí tiền giường chiếm 56% trong tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (gấp 2,8 lần chi phí tiền thuốc điều trị nội trú)” - ông Nguyễn Đức Hòa thông tin thêm.
Theo ông Lê Văn Phúc, các bệnh viện “tận thu” dịch vụ, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nhân lực, khiến chất lượng khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng. Đơn cử, tại một bệnh viện hạng hai chỉ có 150 giường kế hoạch, nhưng thực kê lên tới 450 giường. Trung bình một ngày, bệnh viện có từ 600 đến 650 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nội trú khoảng 300 - 350 người, nhưng chỉ có 37 bác sĩ. Hay tại khoa khám bệnh theo yêu cầu của một bệnh viện hạng đặc biệt tiếp nhận đến 2.000 bệnh nhân/ngày, nhưng cũng chỉ có 79 bác sĩ, điều dưỡng… Lượng bệnh nhân đông, nguồn nhân lực ít, trước mắt có thể mang lại cho bệnh viện nguồn thu tốt hơn, song về lâu dài sẽ không thể bảo đảm chất lượng.
Ông Lê Văn Phúc kiến nghị, Bộ Y tế cần ban hành và công khai định mức kỹ thuật để cơ sở y tế biết và người bệnh có thể giám sát. Không thể cùng thanh toán giá giường bệnh như nhau giữa một bệnh viện có định mức nhân lực 0,4-0,5 nhân viên y tế/giường bệnh và một bệnh viện đầu tư 1-1,2 nhân viên y tế/giường bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế cần phải mạnh tay xử lý đối với trường hợp thu thêm của bệnh nhân những chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế.
Tự chủ tài chính là chủ trương đúng, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh một cách chủ động, không còn ỷ lại, trông chờ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khi mô hình công - tư không được kiểm soát tốt, không được giám sát một cách độc lập, sẽ dễ dẫn đến lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc… để trục lợi. Điều này làm mất đi niềm tin của người dân vào bác sĩ, bệnh viện.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.