Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Một khi fan phát cuồng…

Yên Nga| 08/05/2012 06:36

(HNM) - Cái hay, cái được mà fan làm cho thần tượng hoặc thần tượng dành cho fan là có thật, song những hiện tượng quá khích, scandal xảy ra gần đây trong mối quan hệ này khiến người ta phải giật mình. Thực tế đặt ra yêu cầu tìm cách hóa giải phần nào những hành động, việc làm "lạc" văn hóa trong mối quan hệ fan - "sao", trước khi sự sa đà, thái quá vượt hẳn tầm kiểm soát.

"Cuồng" từ trong nước, "cuồng" ra nước ngoài

Còn nhớ, khoảng năm 1994-1995, chàng tài tử điển trai Lê Công Tuấn Anh có chuyến lưu diễn ra Bắc trong một show ca hát, học sinh các trường chầu chực mua bằng được vé ở mỗi điểm đến của anh, chỉ để được chiêm ngưỡng thần tượng điện ảnh dù ai cũng biết anh đóng phim thì hay nhưng hát thì… chẳng thể tả nổi. Thế rồi, ít lâu sau, Lê Công Tuấn Anh tự tử. Biết tin, giới trẻ khắp nơi tỏ lòng thương tiếc, nhiều người khóc lóc, vật vã như thể chính nhà mình có đám.

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà (bên phải) nhận giải “Nữ ca sĩ được yêu thích nhất” HTV Awards 2012.


Ngày trước, hiện tượng nói trên là hy hữu, nay thì ngày càng xuất hiện nhiều hành động hâm mộ quá trớn, ngoài tầm kiểm soát, thường được gọi là "fan cuồng". Khi các chàng trai SUJU - Hàn Quốc sắp vào Việt Nam lần đầu trong chương trình MTV Exit, cuộc chiến săn lùng một trong số gần 40 nghìn vé vào SVĐ Mỹ Đình khiến giới trẻ phát sốt cả tháng. Một đồng nghiệp ở Báo Hoa học trò - một kênh phân phối vé chính thức kể rằng chị đã phải tắt máy điện thoại, lánh sang nhà bố mẹ đẻ để tránh bị "người quen" truy xin vé. Cả gia đình chị hoảng loạn bởi những lời năn nỉ lẫn đe dọa xin vé tới tấp trong nhiều ngày. Và khi ban nhạc tới, tiếng gào thét, hành động giằng xé quần áo thần tượng từ sân bay đến khi họ lên sân khấu khiến người chứng kiến choáng váng. Nhưng, có lẽ đỉnh điểm của sự cuồng nhiệt là khi hàng chục bạn trẻ thi nhau hôn cái ghế mà chàng Bi (Rain) đã ngồi trong lần sang biểu diễn ở Việt Nam.

Hiện tượng "fan cuồng" lan rộng ra nhiều địa phương. Có cô gái hâm mộ ban nhạc Big Bang đến mức hễ thấy ai ôm hôn thần tượng của mình (dù trên kênh MTV) là chửi mắng thậm tệ, ném cả điện thoại, đập cả tivi… Cô tuyên bố nếu Big Bang sang Việt Nam, giá nào cô cũng phải gặp. Thế là trong chuyến lưu diễn vừa rồi của Big Bang, cô này bỏ học, bay vào TP Hồ Chí Minh, hòa cùng hàng ngàn bạn trẻ gào thét đến kiệt sức.

Với fan của "sao" nội, hành động quá khích có lúc khó lường. Mới đây, tại lễ trao Giải HTV Award 2012, FC của Mỹ Tâm đã la ó phản đối khi Hồ Ngọc Hà nhận giải "Nữ ca sĩ được yêu thích nhất". Có người ném chai nước, xô đẩy, dọa dẫm, khiến Mỹ Tâm phải rầu lòng viết hai bức tâm thư gửi FC của mình. Chuyện các FC công kích lẫn nhau xảy ra như cơm bữa. FC của Hồ Quỳnh Hương và Mỹ Tâm thường xuyên đấu đá nhau qua diễn đàn. FC của Mr. Đàm và Đan Trường thì nói xấu để hạ bệ thần tượng của đối phương. Trường hợp hy hữu, từng có người tự nhận là fan, lợi dụng FC và trang mạng xã hội làm từ thiện của ca sĩ Thái Thùy Linh để lừa đảo…

Những hành động thái quá của một bộ phận người hâm mộ báo động tình trạng không lành mạnh trong hoạt động giải trí.

"Tai nạn" của văn nghệ

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã gọi hiện tượng "fan cuồng" là một "tai nạn" của văn nghệ nước nhà. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao các bạn trẻ lại mất tự chủ đến thế?

Trước hết nên đề cập đến truyền thông, thứ phương tiện kéo tinh hoa thế giới về gần với người Việt và giúp họ mở rộng tầm giao lưu văn hóa. Mặt khác, vô tình hay hữu ý, chính phương tiện truyền thông đã và đang tạo thế thúc đẩy các fan đã "cuồng" lại càng "cuồng" hơn. Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn điện tử Trần Đức Thọ cho rằng: "Các bạn trẻ hiện giờ bị lệ thuộc quá vào thông tin truyền thông. Cứ thấy trên báo đài thông tin gì là ồ ạt đọc, xem. Quá nhiều tin về các "sao" Hàn, "sao" Việt thì ắt các bạn trẻ sẽ nhiễm, sẽ học đòi theo". Hơn nữa, khi có báo mạng chạy theo page view thì đương nhiên, nhiều tin tức sẽ được "giật" sao cho gây "sốc", gây "sốt". Tấm vé cho Đêm nhạc hội Việt Nam - Hàn Quốc hồi tháng 3-2012, chương trình có ban nhạc SUJU biểu diễn được nhất loạt đưa là "không thấy tung tích" dù chỉ một ngày nữa là diễn ra chương trình. Thế là các fan đua nhau lùng sục trong tuyệt vọng, chạy vạy để săn vé. Rồi các báo lại đưa tin ầm ầm về cái sự "sốt" ấy ở fan. Nào là có cô gái đăng đàn sẵn sàng "ngủ" với người có thể cho mình tấm vé xem SUJU, nào là có người mua được cặp vé với giá 6 triệu đồng… Cái sự "sốt" bị đẩy lên đỉnh điểm, theo mức độ tăng dần khiến cả Hà Nội những ngày ấy nháo nhào cả lên. Người ta chợt nhận ra lượng fan của "sao" Hàn Quốc ở Việt Nam nhiều cỡ nào, sức ảnh hưởng của họ đến những người xung quanh lớn tới đâu.

Giải thích thêm về hiện tượng "fan cuồng", TS Nguyễn Thị Minh Thái dẫn nhận xét của cố GS Hoàng Ngọc Hiến về thực trạng phát triển và lối ứng xử của người Việt để đưa ra lời cảnh báo về những hiểm họa văn hóa trong giai đoạn mở cửa. Ngay từ năm 1938, trong một cuốn sách, học giả Đào Duy Anh có viết, đại ý: Nông nghiệp về mặt bản chất là "tĩnh", còn công nghiệp là "động". Những nước phát triển theo cách "tĩnh" học những nước phát triển theo cách "động" sẽ có một bi kịch tất yếu phải chịu đựng. Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái, bi kịch ta đang phải chịu đựng là do một bộ phận người hâm mộ không tư duy lý tính mà nghĩ và hành động dựa trên chỉ dẫn cảm tính. Hồ Ngọc Hà được giải thưởng, đáng nhẽ thay vì la ó, chửi bới, các fan của Mỹ Tâm phải suy xét rõ ràng, minh bạch rằng BTC giải có lý do, chứ họ đâu có là fan, thiên vị Hồ Ngọc Hà?

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lý văn hóa thì tình trạng "fan cuồng" xảy ra ngày một nhiều và trầm trọng hơn bởi những lỗ hổng trong giáo dục nghệ thuật cho lớp trẻ. "Trong nhà trường, việc giáo dục về thẩm mỹ, thanh nhạc, hội họa… còn bị coi nhẹ. Ở các gia đình, dường như nhiều bậc phụ huynh quá bận bịu công việc, đến mức không có thời gian để cùng con cái thưởng thức nghệ thuật, để bình phẩm, định hướng cho chúng", nhà báo Trần Đức Thọ nhận định. Đồng tình với quan điểm ấy, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, giáo dục chưa hoàn thành nhiệm vụ của nó. Khi các thang bậc giá trị bị đảo lộn, việc hình thành tâm lý con trẻ bị hạn chế, chúng lớn lên mà không có được cái "nền" vững thì rất dễ dẫn đến sự a dua, hành động quá khích mà tưởng hay, tưởng thế mới là người trẻ thời hiện đại.

Cái "tai nạn" ấy của văn nghệ sẽ trầm trọng hơn nếu chúng ta còn đứng ngoài, thờ ơ trước cái quyền được yêu, được bày tỏ tình yêu của giới trẻ đối với thần tượng. Nhưng vào cuộc ở mức độ như thế nào để cảnh tỉnh cơn cuồng của fan mà vẫn tôn trọng họ, đó là việc đáng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Một khi fan phát cuồng…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.