(HNM) - Đại đoàn kết là một trong những nội dung nổi bật, xuyên suốt của Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm vào suy nghĩ, tình cảm của đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chuyển hóa thành sức mạnh, vượt qua mọi phong ba bão táp, làm nên những thắng lợi vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!". Hôm nay, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc theo Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đang được phát huy trong công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam - "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"; quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và việc tổng kết những kinh nghiệm thành công và thất bại của các phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới. Là người từng trải, đi nhiều, học nhiều, biết nhiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc về sức mạnh đại đoàn kết. Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh bao hàm đoàn kết nhiều lực lượng xã hội với nhiều tầng nấc, nhiều cấp độ; nhưng quan trọng và nổi bật nhất là đoàn kết trong Đảng và đoàn kết toàn dân tộc. Theo một số liệu thống kê, khi tìm hiểu 1.921 bài viết, bài nói của Người thì có tới 839 bài đề cập vấn đề đại đoàn kết và đã sử dụng từ "đoàn kết", "đại đoàn kết" tới 1.809 lần. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", vấn đề đoàn kết được Bác nhắc đến 16 lần, trong Di chúc, Bác nhấn mạnh đến đoàn kết 7 lần.
Củng cố và giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng là quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, trong tác phẩm "Đường cách mệnh", Người chỉ rõ: Nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mệnh là đoàn kết lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mệnh; Đảng có đoàn kết thống nhất mới có thể lãnh đạo được nhân dân. Tại hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi những người cộng sản "bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương; định tên là Đảng Cộng sản Việt Nam". Việc hợp nhất ba đảng Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chính là thực hiện sự đoàn kết của những người cộng sản Việt Nam. Từ đó, Người luôn nhắc nhở vấn đề đoàn kết trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết, nhất trí". Người chỉ rõ: "Đảng ta là một đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết, nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho". Nếu nội bộ Đảng mất đoàn kết, đảng viên thiếu hợp tác, so kè, đùn đẩy, né tránh, không hỗ trợ nhau trong công việc, thậm chí chống phá nhau thì nhiệm vụ chung sẽ không thể hoàn thành. Ngược lại, nếu các đảng viên của Đảng cùng đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ nhau thực hiện mục tiêu chung thì mọi công việc của Đảng dù khó khăn mấy cũng sẽ thành công. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, lời căn dặn đầu tiên của Người là về Đảng, về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Thực tế trong quá trình lãnh đạo của Đảng, từ việc tăng cường mối đoàn kết, thống nhất Đảng vượt qua những khó khăn, thách thức tiếp tục giành được nhiều thắng lợi, giữ vững sứ mệnh là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam…
Đảng ta là một bộ phận hữu cơ của khối đại đoàn kết dân tộc, sự đoàn kết trong Đảng chính là hạt nhân để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là vấn đề chiến lược, bảo đảm thành công của cách mạng. Muốn xây dựng sự đoàn kết trong nhân dân, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Ðảng. Đảng muốn lãnh đạo nhân dân, phải mẫu mực trước dân. Không chỉ tin vào Ðảng có đường lối đúng đắn, sáng tạo, nhân dân còn tin tưởng vào sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng. Từ đó, đoàn kết có sức sống, bền vững, tất cả vì mục tiêu "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" như mong muốn của Người trước lúc đi xa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải huy động được sức mạnh của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đầu năm 1946, trong thư chúc Tết kiều bào Lào và Xiêm, Người khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế".
Không chỉ kêu gọi, vận động toàn Đảng, toàn dân phải đoàn kết, mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là linh hồn của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Bằng chính tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân; bằng chính cuộc đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và đạo đức, nhân cách lớn của Người đã quy tụ mọi lực lượng trong xã hội, trở thành động lực, sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng, là trung tâm của đại đoàn kết toàn dân tộc. Cố Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, trước Cách mạng Tháng Tám là Khâm sai đại thần của nhà Nguyễn ở Bắc Bộ, sau tham gia kháng chiến, làm Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đã từng nói: "Hồ Chí Minh như trái núi nam châm có sức hút rất mãnh liệt. Người cũng lại có sức tỏa sáng rộng lớn".
Tư tưởng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức sống mãnh liệt trong thực tế, tạo nên sức mạnh vô địch. Đảng đã sáng suốt khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới đúng quy luật, hợp lòng dân, đưa nước ta vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu to lớn. Đất nước Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; sức mạnh tổng hợp của dân tộc được tăng lên gấp nhiều lần, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn như nạn tham nhũng, tệ quan liêu cũng như sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây cản trở việc thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Các thế lực phản động không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Mặt khác, các thế lực thù địch ra sức phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lợi dụng các vấn đề "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo" nhằm ly gián, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta… Do vậy, yêu cầu củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng phải được quan tâm, chú trọng. Đại đoàn kết là nguồn lực quan trọng, yếu tố quyết định cho sự phát triển đất nước hôm nay. Đảng phải tiếp tục nêu cao ngọn cờ tiên phong trong việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh việc thực hành dân chủ trong Đảng, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, phát triển nguồn lực con người… Trong đó, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" sẽ là cơ sở để tăng cường xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (HNM) - Ngày 12-5, Thành đoàn Hà Nội họp báo giới thiệu các hoạt động của tuổi trẻ Thủ đô nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015). Cụ thể, trong hai ngày 14 và 15-5, Thành đoàn tổ chức Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long" lần thứ XIII với chủ đề "Nghìn hoa việc tốt dâng Bác kính yêu"; ngày 17-5, diễn ra lễ tuyên dương 125 thanh niên công nhân tiên tiến làm theo lời Bác, tôn vinh những tấm gương có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sản xuất và lễ phát động chiến dịch Mùa hè Thanh niên tình nguyện năm 2015. Chiến dịch Mùa hè Thanh niên tình nguyện năm nay của tuổi trẻ Thủ đô có chủ đề "Giữ gìn trật tự, văn minh đô thị - Xây dựng nông thôn mới" diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9 tại địa bàn trọng điểm là Hà Nội, địa bàn phối hợp là các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Trị trở ra), địa bàn quốc tế là nước CHDCND Lào... Linh Nhi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.