(HNM) - Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 2-3 chợ bán buôn thủy sản (kể cả được cấp phép và không phép). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở các chợ đều xuống cấp nên chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) khó bảo đảm. Trong khi một thời gian dài, nguồn gốc thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) an toàn chưa được
Kiểm tra chỉ bằng... cảm quan
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh cho biết, khó khăn nhất trong kiểm soát thủy, hải sản ở các chợ là do không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, trong khi việc xây dựng vùng NTTS an toàn chưa được các địa phương quan tâm. Thực tế, nắm bắt tâm lý một số người dân ham rẻ nên nhiều thương lái đã thu gom sản phẩm kém chất lượng mang về chợ bán nên vào những ngày chợ ế, giá thủy sản chỉ bằng 1/3 so với giá ngoài thị trường.
Chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai). Ảnh: Hà An |
Dù trên địa bàn thành phố chỉ có duy nhất chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) có chốt kiểm dịch động vật liên ngành kiểm tra, kiểm soát hằng ngày, nhưng phần lớn các chốt này đều thiếu trang thiết bị hỗ trợ. Việc kiểm tra thủy sản chỉ được thực hiện bằng phương pháp cảm quan nên khó có thể đánh giá chính xác được chất lượng có bảo đảm hay không. Đối với các chợ không có chốt kiểm dịch, việc kiểm soát vệ sinh ATTP cơ bản bỏ ngỏ theo kiểu "đến hẹn lại... kiểm tra" một năm chỉ vài ba lần.
Tại chợ La Khê (quận Hà Đông), dù là chợ tự phát và thương lái kinh doanh tự do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nhưng theo ông Nguyễn Trường Giang, đại diện Ban quản lý chợ, với 80 hộ chuyên kinh doanh thủy sản tại chợ, trung bình mỗi ngày ở đây tiêu thụ khoảng 40 tấn cá, đồng nghĩa với 40 tấn cá không được kiểm soát ATTP đến với người dùng. “Theo quy định, phân cấp chợ "cóc", chợ tạm do chính quyền địa phương quản lý nên các ngành chức năng không vào kiểm tra, giám sát chất lượng. Chỉ có Ban quản lý chợ thu tiền và điều tiết các hộ kinh doanh, còn chính quyền địa phương không có điều kiện kiểm tra, giám sát nên chất lượng bỏ ngỏ” - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Trần Mạnh Giang cho biết.
9 tháng qua, qua kiểm tra tại các chợ, lực lượng chức năng của thành phố đã tịch thu, tiêu hủy 1.347kg nội tạng động vật, thủy sản các loại; niêm phong chờ xử lý 21 hộp cá kìm nguyên con đông lạnh (10kg/hộp) đã hết hạn sử dụng. Đồng thời, kiểm tra 44 mẫu cá, vẫn phát hiện một số mẫu vượt dư lượng kháng sinh cho phép như: 2 mẫu cá chép có phát hiện dư lượng chất cấm Luecomalachitgreen; 1 mẫu thủy sản phát hiện tồn dư hàm lượng thủy ngân vượt giới hạn tối đa cho phép; 1 mẫu thủy sản phát hiện vi sinh Salmonella. |
Theo Phó Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Thị Hằng, sở dĩ việc kiểm tra, giám sát các chợ đầu mối gặp khó khăn là do chợ ở khu vực trung tâm, nhiều cửa ngõ đi vào, trong khi lực lượng chức năng không thể trực liên tục đêm này qua đêm khác. Lợi dụng sơ hở này, thương lái đã đưa sản phẩm chưa qua kiểm dịch với giá thấp trà trộn với các mặt hàng đã được kiểm dịch. Vì vậy cứ kiểm tra là ra vi phạm.
Bất cập từ văn bản quản lý
Trong khi sản phẩm thủy sản được tiêu thụ với số lượng lớn trên thị trường và xuất khẩu sang các nước thì các ngành chức năng vẫn đang loay hoay với công tác kiểm tra, giám sát. Ông Nguyễn Văn Phúc - cán bộ Chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành tại chợ Yên Sở cho biết, mặc dù lực lượng chức năng hướng dẫn các tiểu thương ghi chép sổ sách nhật ký, giữ lại hóa đơn, chứng từ mua bán hàng làm căn cứ để lấy mẫu xác định tồn dư kháng sinh, song họ chỉ ghi số lượng khiến việc truy xuất lại nguồn gốc càng phức tạp.
Ông Trần Mạnh Giang cho biết thêm, các văn bản trong kiểm soát sản phẩm thủy sản còn nhiều bất cập và không thống nhất. Đến nay, Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể về xác định nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản. Ngay cả mẫu “giấy chứng nhận” hoặc “giấy xác nhận” trong quá trình kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thủy sản cũng chưa đồng nhất nên việc kiểm tra, giám sát, xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 28, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12-9-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản không có xác nhận hoặc chứng nhận nguồn gốc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Giang, mức xử phạt như trên chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm vì lợi nhuận kinh doanh quá lớn.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo quy định các cơ sở sơ chế, bảo quản kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản phải cấp 2 giấy chứng nhận: Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y và ATTP, trong khi tiêu chí đánh giá tương đối giống nhau gây khó khăn cho hộ kinh doanh trong quá trình chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, mặc dù Nhà nước đã phân cấp quản lý rất cụ thể nhưng chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm tại các chợ kinh doanh thủy sản, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh báo với các vi phạm. Vì vậy hầu hết cửa hàng kinh doanh cũng như thương lái chưa thực hiện đúng quy định về ATTP.
Không chỉ vậy, kinh phí đầu tư phát triển sản xuất cho các vùng nuôi thủy sản an toàn còn rất khiêm tốn, dẫn tới triển khai mô hình xong nông dân quay trở lại nuôi theo phương pháp truyền thống, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.