Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Khai thác giá trị sẵn có

Tiến Thành| 07/06/2023 06:33

(HNM) - Tiếp tục xây dựng các tuyến phố đi bộ, một số địa phương như quận Ba Đình, quận Đống Đa đã và đang nghiên cứu phương án để phát huy hạ tầng, giá trị sẵn có thông qua việc liên kết tuyến phố với những tiện ích hiện hữu. Qua đó, bảo đảm hiệu quả hoạt động của phố đi bộ, cũng như giải quyết những vấn đề giao thông, vệ sinh môi trường...

Quận Đống Đa sẽ lập đề án mở tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ hồ Hoàng Cầu, Ga Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Quang 

Ưu tiên hỗ trợ kinh doanh dịch vụ sẵn có

Sau khi đưa vào hoạt động khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, nhằm tiếp tục hỗ trợ việc kinh doanh ẩm thực, phát huy giá trị các danh thắng, di tích, tạo nên không gian văn hóa hấp dẫn, UBND quận Ba Đình đã nghiên cứu, xây dựng, báo cáo UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh). Trước đó, kết quả lấy ý kiến cho thấy, 92,2% số hộ gia đình trong khu vực đồng tình với việc triển khai đề án.

Theo đề án chi tiết, dự kiến khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh sẽ bao gồm toàn bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, phố Phạm Huy Thông, 8 ngõ đi chung kết nối hồ Ngọc Khánh với các tuyến phố: Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, La Thành và các công trình tiếp giáp. Diện tích nghiên cứu dự kiến khoảng 11,8ha. Trong thời gian thí điểm, sẽ tổ chức đi bộ từ 9h đến 22h các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật.

Sẽ có 118 đơn vị, cơ sở kinh doanh mới nhờ tổ chức không gian phố kinh doanh dịch vụ kết hợp phố đi bộ. Đồng thời, các cơ sở hiện có sẽ tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh (do có tăng thêm diện tích kinh doanh dịch vụ). Theo Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh Viên Hải Tuệ, qua điều tra, số lượng lao động tăng thêm trong khu vực là khoảng 436 người; dự kiến thu ngân sách khoảng hơn 6 tỷ đồng/năm (gấp hơn 6 lần so với năm 2020).

Để giải quyết vấn đề trông giữ phương tiện, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Lê Thanh Hải cho biết, quận Ba Đình dự kiến thiết lập 4 điểm giao thông tĩnh gắn trực tiếp với khu phố, với sức chứa gần 800 xe máy, ô tô. Ngoài ra, đề án còn đưa ra giải pháp cho phép người dân tự chủ hoặc phối hợp với chính quyền khai thác các điểm gửi xe khác... Sau khi hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1, quận sẽ bố trí diện tích hè đường có chiều rộng đạt khoảng 8m để phục vụ trông giữ xe máy.

Với phương án lắp đặt các biển báo từ xa, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho rằng, giao thông khu vực sẽ không chịu nhiều áp lực. Bên cạnh đó, quận cũng thiết lập phương án phân luồng giao thông đối với các phương tiện qua khu vực nhưng không vào phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh.

Việc xử lý chất thải rắn từ hoạt động kinh doanh dịch vụ sẽ được thực hiện tại các quầy, sau đó phân loại và đưa về nơi tập kết rác của khu vực tại phía Nam hồ Ngọc Khánh. Quận sẽ thuê đơn vị chuyên thực hiện thu gom rác thải tại khu phố.

Khai thác tối đa tiện ích giao thông

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, năm 2023 quận Đống Đa sẽ lập đề án triển khai tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết; xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 2024, quận mở tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông. Các tuyến phố đi bộ, ẩm thực trên liên quan đến địa giới hành chính của 7 phường: Văn Miếu, Văn Chương, Quốc Tử Giám, Trung Liệt, Ô Chợ Dừa, Cát Linh và Ngã Tư Sở.

Có thể thấy, các tuyến phố đi bộ quận Đống Đa dự kiến mở đều nằm trên trục đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, có thể khai thác tối đa tiện ích giao thông công cộng trên địa bàn quận. Đồng thời, những tuyến phố đi bộ sẽ phát huy được các giá trị di tích - văn hóa (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám), kinh doanh ẩm thực (phố Nguyễn Văn Tuyết) và danh thắng (hồ Hoàng Cầu). Việc tổ chức các tuyến phố đi bộ sẽ gắn liền với công tác tổ chức giao thông để thuận tiện nhất cho người dân, tạo điều kiện phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân.

Ủng hộ quận Đống Đa tổ chức các không gian phố đi bộ để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, tuy nhiên, anh Nguyễn Quang Vinh (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho rằng cần phải tiếp tục cải tạo đường phố, vỉa hè, cơ sở vật chất về bãi đỗ xe, vệ sinh công cộng… trên hạ tầng sẵn có. Đặc biệt, cần có giải pháp, có cái “chất riêng” để thu hút du khách đến với tuyến phố.

Phát triển các tuyến phố đi bộ nói riêng và không gian công cộng nói chung là điều cần thiết tại một đô thị lớn như Hà Nội vốn thiếu điểm vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, việc kết nối không gian và tạo ra các giá trị văn hóa - nghệ thuật như thế nào là bài toán mà các địa phương cần tìm lời giải. Thực tế, tại đa số phố đi bộ đã đi vào hoạt động và các phố dự kiến mở, các loại hình công trình thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng bố cục rất lộn xộn và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị. Việc tổ chức không gian tuyến phố không theo thiết kế đô thị mà chủ yếu xác định theo từng dự án, ý tưởng và mong muốn của chủ đầu tư.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, việc mở rộng không gian đi bộ và sinh hoạt công cộng là tín hiệu đáng mừng với Thủ đô sau một thời gian dài tập trung phát triển các dự án bất động sản, dân số gia tăng gây thiếu hụt điểm vui chơi. Đây cũng là xu hướng chung của các thành phố trên thế giới.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận định, bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu của xã hội thì những tuyến phố đi bộ còn mở ra những kênh đầu tư mới, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thêm thu nhập cho người dân và ngân sách nhà nước. Mỗi địa phương có một đặc thù khác nhau, từ lịch sử - địa lý, kinh tế - xã hội đến khả năng quản lý. Điều này cần được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ trước khi triển khai thực hiện.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Khai thác giá trị sẵn có

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.