Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2:HDI - Trái tim chỉ số

ANHTHU| 19/09/2006 08:41

Nói thế vì ví như IQ (chỉ số thông minh) của một đứa trẻ dù chưa đủ khẳng định sự thành đạt sau này nhưng vẫn “lay động” nhiều bậc phụ huynh. HDI (chỉ số phát triển con người) của một quốc gia cũng vậy, dù có ý kiến cho là “không đủ đại diện và không phải là chỉ báo quan trọng duy nhất để đánh giá chất lượng dân số” song vẫn được người dân mỗi quốc gia chờ đợi. Bởi lẽ nội dung của nó là những vấn đề cơ bản nhất của con người.

Giáo dục thế hệ trẻ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm tăng chỉ số HDI tại Việt Nam Ảnh: Thu GiangNói thế vì ví như IQ (chỉ số thông minh) của một đứa trẻ dù chưa đủ khẳng định sự thành đạt sau này nhưng vẫn “lay động” nhiều bậc phụ huynh. HDI (chỉ số phát triển con người) của một quốc gia cũng vậy, dù có ý kiến cho là “không đủ đại diện và không phải là chỉ báo quan trọng duy nhất để đánh giá chất lượng dân số” song vẫn được người dân mỗi quốc gia chờ đợi. Bởi lẽ nội dung của nó là những vấn đề cơ bản nhất của con người. Từ năm 1990, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã dùng chỉ số này để so sánh mức độ phát triển con người giữa các quốc gia. HDI, gọi là trái tim chỉ số còn bởi vị trí quan trọng của nó trong hệ thống chỉ báo chất lượng dân số.

Đi đầu trong hệ thống chỉ báo

Chiến lược dân số Việt Nam 2001-2010 đã lựa chọn HDI như là một chỉ số quan trọng hàng đầu thể hiện chất lượng dân số, thể hiện qua nội dung: “Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Phấn đấu đạt chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình tiên tiến của thế giới”. HDI- 3 chữ viết tắt nhặt từ cụm từ Human Development index có ý nghĩa là thước đo tổng hợp về sự phát triển của con người trên 3 phương diện sức khỏe, tri thức và thu nhập. Cụ thể là tuổi thọ trung bình từ khi sinh; tỉ lệ người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học ở các bậc giáo dục; mức thu nhập bình quân đầu người (GDP/đầu người/năm).

Tuy nhiên tại cuộc hội thảo quốc gia về chất lượng dân số, các chuyên gia đặt ra vấn đề “Dân số liệu có thể gọi là “chất lượng cao” nếu chỉ có các chỉ báo như Giáo dục, sức khỏe, tay nghề ở mức lý tưởng... ?” Hiện nay vẫn chưa có một quy định thống nhất về các chỉ số đánh giá điều này. Liên hợp quốc hiện đang sử dụng các chỉ số sau để đánh giá chất lượng dân số: HDI (như trên đã nói); BMI (chỉ số khối lượng cơ thể-phản ánh chất lượng con người về mặt hình thể); GDI (chỉ số phát triển giới tính-gồm các nội dung như HDI nhưng so sánh giữa nam và nữ); GEM (mức độ vị thế giới tính-vị thế của nữ và nam trong các hoạt động chính trị và kinh tế); HPI-I (chỉ số nghèo khổ con người cho các nước đang phát triển, cũng gồm 3 yếu tố như HDI); HPI-2 (chỉ số nghèo khổ về con người cho các nước công nghiệp hóa); TAI -Chỉ số thành tựu công nghệ. 7 chỉ số nhưng xem ra bóng dáng của 3 yếu tố trong HDI là rất rõ nét và HDI vẫn được đặt lên hàng đầu như một chỉ số cơ bản, quan trọng bậc nhất.

Trong bài trước (Chất và lượng trên số báo 12-9) chúng tôi đã nêu: không nên nhầm lẫn giữa khái niệm chất lượng dân số của xã hội và nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số của ngành DS-GĐ và TE. Cũng như vậy, hệ thống chỉ báo có thể rất phong phú đối với Liên hợp quốc và nhiều nước, song trên nền phát triển chung của đất nước, ta nên xác định hệ thống chỉ báo khiêm tốn, vừa sức, khả thi. Một chuyên gia trong ngành cũng khẳng định rằng: nên dừng ở HDI và thực hiện cho tốt mục tiêu đã đề ra trong chiến lược, làm được thế cũng là bước một bước lớn trên nấc thang phát triển rồi. Muốn thế lại phải xem...

Ta đang ở nấc nào ?

Nấc không còn quá thấp nhưng chưa đủ cao để thấy gió giời. Nghĩa là HDI của ta có liên tục tăng, khoảng 12,2% (từ 0,649 điểm lên 0,728 điểm) trong thời gian 1999-2005. Các chuyên gia khẳng định: như thế là tăng từ mức trung bình lên mức khá cao và dường như có thể sớm đạt mục tiêu Chiến lược đề ra (đạt 0,70 đến 0,75 điểm năm 2010). Thêm một điều đáng mừng nữa là HDI tăng ở cả 3 yếu tố, trong đó tuổi thọ và mức độ giáo dục có đóng góp đáng kể nhất khoảng 32%-40%. GDP chỉ góp 28% cho kết quả này-cũng dễ hiểu vì mỗi năm chúng ta không chỉ cật lực làm mà còn cật lực đẻ, trung bình khoảng 1,1 triệu người. Với sức đẻ như vậy, kéo được HDI lên không phải là chuyện dễ (theo cách tính của quốc tế hiện nay để tăng được 1% HDI thì hoặc phải tăng GDP ở mức 18% hoặc nâng tuổi thọ trung bình thêm 1,8 năm, hoặc tăng tỷ lệ nhập học tổng hợp lên 3%-toàn việc khó !).

Như vậy, với HDI, chúng ta đã có đà phát triển, cũng là có cơ hội ghi dấu ấn trên trường quốc tế (với câu chuyện của một nước có GDP/đầu người thấp nhưng HDI cao hơn đáng kể nhiều nước thu nhập cao hơn). Tuy nhiên, phát triển HDI của nước ta chưa thực sự bền vững... Trong thời kỳ 1990-1995 Việt Nam đứng hàng thứ 15 trong bảng xếp hạng các nước tính theo mức độ cải thiện chỉ số này thì giai đoạn 1995-2003, lại tụt hạng - đứng thứ 37. Đến đây thì xin bạn đọc chia sẻ với chúng tôi rằng chỉ riêng nâng cao chất lượng dân số với chỉ số HDI đã là một chuyện rất chật vật rồi. Nhưng nói thế không có nghĩa là không chú trọng đến những chỉ số khác, ngược lại khi nhìn các yếu tố của HDI như một thực thể có linh hồn, có trái tim ta còn thấy bao điều đáng nói...

Lắng nghe từ HDI

Nâng cao tuổi thọ không đơn giản chỉ là mỗi ngày một ly sữa cho người già. ở tầm chiến lược, công việc này bắt đầu từ khi người ta sắp được sinh ra, nghĩa là phải tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc tốt bà mẹ mang thai; sàng lọc sơ sinh; giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng; tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS; dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi... Một tin vui mới đến là Trung tâm chẩn đoán sớm thai nhi (Bệnh viện Phụ sản TƯ) vừa mới ra đời (13-9) sẽ góp phần rất lớn cho mục tiêu này. Với mục tiêu giáo dục cũng vậy, trẻ con nhập học sẽ nhiều hơn, học sinh những vùng xa đỡ bỏ học, rời làng ra phố lang thang... khi kế hoạch hóa gia đình thực hiện tốt, kinh tế phát triển. Và cuối cùng để GDP/đầu người tăng, ngoài việc tăng tỉ số GDP, cái mẫu số “số dân” phải giảm ngay từ bây giờ.

Chừng ấy việc có ít không ? Ngành dân số đang đứng trước những thách thức nào và giải pháp để tháo gỡ ra sao, xin được chia sẻ trong bài viết tiếp theo...

Hà Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2:HDI - Trái tim chỉ số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.