Theo dõi Báo Hànộimới trên

BÀI 2: Giải pháp cụ thể, thực hiện kiên quyết, bền bỉ

Dục Tú| 09/03/2010 06:34

(HNM) - Dẹp loạn quảng cáo, rao vặt (QCRV) là một việc khó, thành công trong việc thực hiện Kế hoạch 167/KH-UBND ngày 15-12-2009 của UBND TP Hà Nội trong 2 tháng qua cho thấy: một khi có sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, chính quyền cơ sở vào cuộc bền bỉ, lại có sự ủng hộ của nhân dân thì việc khó đến đâu cũng có thể hoàn thành.


Kinh nghiệm có thể rút ra từ việc thực hiện Kế hoạch 167 là gì?

>Bài1: Bước chuyển căn bản

Mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể

Quận Hà Đông đã làm tốt công tác vệ sinh “rác tường”. Ảnh: Bá Hoạt


Đến giờ, khi những người thực hiện QCRV sai quy định đã không thể hoành hành ngang nhiên như trước nữa, một câu hỏi được đặt ra là: tại sao một việc tưởng chừng "bất khả thi", đã bao lần thành phố đặt mục tiêu "dọn dẹp" mà không làm được, nay bỗng được thực hiện gọn gàng?

Cách nay gần chục năm, Hà Nội từng mở chiến dịch tấn công nạn QCRV trái phép. Lúc ấy, vừa tổ chức, vận động nhân dân tham gia xóa xé QCRV, nhà quản lý văn hóa còn thực hiện một dự án xây dựng điểm QCRV cho người có nhu cầu. Nhiều điểm QCRV được dựng lên, ngay tại những nơi mà người có nhu cầu QCRV thường bôi bẩn phố phường. Thế nhưng, chẳng rõ vì sao mà dân QCRV không chọn những điểm QCRV hợp pháp ấy. Phường phố, sau những chiến dịch ra quân của các tổ liên ngành, của Đoàn Thanh niên, tổ dân phố, lại lem nhem với những dòng "khoan cắt bê tông" có ở mọi nơi.

Sau lần thử nghiệm mô hình QCRV tập trung ấy, mỗi khi "có việc lớn" là Hà Nội lại ra quân tẩy trừ QCRV trái phép - thường được thực hiện trong một khoảng thời gian hữu hạn, được lồng ghép với phần việc chỉnh trang phố phường, với những nội dung trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Nhưng rồi kết quả thu được chẳng đáng là bao. QCRV như "đầu Nghiêm Nhan" vậy, tường nhà trắng còn thơm mùi vôi đã bị kẻ xấu kẻ, vẽ, bôi, dán QCRV nhằng nhịt.

Kế hoạch 167 có sự khác biệt so với những lần ra quân trước đó. Đó là một văn bản cùng lúc đặt ra ba yêu cầu đối với các cấp chính quyền và ngành, đoàn thể: tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, đặc biệt là với những người tham gia hoạt động QCRV; quy hoạch hệ thống điểm QCRV miễn phí tại các phường, xã, thị trấn; tiến hành bóc xóa QCRV trái quy định, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hành vi QCRV trái phép. Ba yêu cầu lớn được thành phố cụ thể hóa cách thức thực hiện bằng những nội dung triển khai cụ thể, như phải tuyên truyền ra sao, ngành văn hóa làm gì và các cơ quan truyền thông của Thủ đô vào cuộc thế nào. Yêu cầu xây dựng các điểm QCRV miễn phí cũng được cụ thể hóa bằng cách giao nhiệm vụ cụ thể, lộ trình thực hiện: việc thí điểm xây dựng điểm QCRV miễn phí được thực hiện tại Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Long Biên; mỗi quận phải tiến hành khảo sát địa điểm QCRV miễn phí dựa trên nhu cầu, thực trạng, dựng điểm QCRV theo quy cách chung rồi lại phải tổ chức lực lượng quản lý, bảo dưỡng điểm QCRV. Từng ấy quận được giao làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm sao để trong năm 2010 này, mô hình điểm QCRV miễn phí có thể được nhân rộng ra toàn thành một cách hiệu quả.

Kế hoạch 167 còn nêu vấn đề khen thưởng - kỷ luật đối với cán bộ chính quyền địa phương và nhân dân, định thời gian sơ kết rút kinh nghiệm.

Không thể có chuyện "đánh trống bỏ dùi"

Đoàn viên thanh niên Trường Đại học Văn hóa dọn rác trên tường. Ảnh: Đàm Duy


Xóa nạn QCRV trái phép là loại việc lâu dài, đòi hỏi thái độ hành động kiên quyết, liên tục, bền bỉ. Hơn hai tháng qua, việc thực hiện Kế hoạch 167 đã tạo bước chuyển căn bản trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động QCRV nhưng nhìn tổng thể, nạn QCRV trái phép vẫn chưa được dẹp một cách triệt để.

Cần phải nhắc lại rằng báo cáo nhanh của các quận, huyện trong tuần qua cho thấy mới chỉ có Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Long Biên, Đống Đa, huyện Thường Tín và thị xã Sơn Tây đạt kết quả khá tốt - bóc xóa khoảng 80-90% số QCRV trái phép trên địa bàn. Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai... chỉ đạt kết quả trung bình trong khi Phú Xuyên, Hoài Đức, Gia Lâm, Thạch Thất, Mê Linh bị đánh giá là "đạt kết quả yếu". Những nơi "yếu" còn để QCRV hiện diện trên các trục đường chính, chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc.

QCRV trái phép vẫn còn ở đường lớn, tại nhiều khu tập thể, trong ngõ sâu thì chúng ta chưa thể vui mừng quá sớm. Cả một quãng thời gian dài cho thấy nhu cầu QCRV ở Hà Nội là rất lớn và người tham gia hoạt động QCRV chưa có ý thức thực hiện QCRV tại những điểm QCRV miễn phí. Trong hai tháng vừa qua, đã có những lần lực lượng kiểm tra phát hiện người QCRV mang theo cả vạn tờ quảng cáo; hàng trăm số điện thoại "có vấn đề" vẫn chưa được xử lý triệt để. Chưa sạch QCRV nghĩa là chưa thể lơi lỏng kiểm tra, kiểm soát.

Từ rác trên tường đến rác trên đường

Rác trên tường đã gần hết, rác trên đường cũng có thể bớt nhiều hơn nữa nếu các cấp chính quyền vào cuộc với tinh thần giống như khi thực hiện Kế hoạch 167 - một bài học kinh nghiệm tốt, tạo tiền đề cho việc thực hiện Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 3-3-2010 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về chỉnh trang đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Kinh nghiệm từ việc xóa QCRV trái phép cho thấy việc giải quyết rác thải trên đường cũng cần có "điểm" và "diện". Trong những ngày đầu tháng ba này, người Hà Nội vẫn đang băn khoăn về cách thức xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác bừa bãi, mức phạt có rồi mà còn áy náy chuyện "ai phạt, phạt ai", hiệu quả thế nào.

Nói "điểm" và "diện" là bên phong trào chung, quan tâm xử lý trên diện rộng thì còn phải lập phương án xử lý "điểm đen" về rác thải. Những năm trước, qua báo cáo nhanh về tình hình tổng vệ sinh toàn thành phố vào sáng thứ bảy hằng tuần, giới truyền thông đã nhận ra những nơi thường xuyên ngập ngụa rác - khi ấy là ở từng đoạn trên đường Minh Khai, Mai Động, Lò Đúc, Kim Ngưu, Núi Trúc, Thanh Xuân, Trần Quang Khải, là hàng loạt chợ như Long Biên, Mơ, Thành Công, là bến xe phía Nam... Giờ thì cần phải khoanh "điểm đen" lại, rải người chờ trực phát hiện, xử lý thật nghiêm để làm gương cho kẻ khác.

Kế hoạch 167 cho bài học về tổ chức lực lượng, phân nhiệm, khen thưởng, kỷ luật. Các đội liên ngành của thành phố đã đành, quận, huyện, phường, xã cũng phải có người đứng ra nhận trách nhiệm trước thành phố về tình hình rác thải - xả rác trên địa bàn, để tránh lúc bị phê bình ai cũng "ngó lơ" như mình vô can. Nhà quản lý bị "sờ gáy", thể nào mà chẳng sát sao hơn. Rồi lại phải có sự khen thưởng kịp thời những nơi không để đường phố bẩn, nêu gương người phát hiện sự xấu...

Kiên quyết, thường xuyên, bền bỉ, trách nhiệm, có giải pháp cụ thể cho từng nơi là bài học kinh nghiệm từ công tác tổ chức thực hiện Kế hoạch 167, giờ có thể áp dụng cho giải quyết vấn đề rác thải, cho việc thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 3-3-2010 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về chỉnh trang đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BÀI 2: Giải pháp cụ thể, thực hiện kiên quyết, bền bỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.