(HNM) - Việc UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án phát triển RAT đã mở ra hy vọng lớn cho người trồng rau, cũng như người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, để đề án thực sự mang lại hiệu quả cao, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân.
Chăm sóc rau an toàn tại huyện Mê Linh. Ảnh: Nhật Nam |
Vấn đề "nóng": Giải quyết "đầu ra"
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 11.650ha rau trồng tập trung, trong đó chỉ có 2.105ha sản xuất theo quy trình RAT chiếm 18%. Dù nhu cầu về RAT thật sự cấp thiết đối với hầu hết cư dân đô thị, thế nhưng chỉ có 26% bán trong các cửa hàng, siêu thị, còn gần 74% lượng rau sản xuất theo quy trình an toàn phải bán trôi nổi trên thị trường với giá bán như các loại rau khác. Do vậy, người sản xuất không mặn mà với RAT bởi chi phí đầu tư cho trồng RAT gấp 2-3 lần so với trồng rau thông thường.
Bà Bùi Thị Uyên, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, giải pháp để phát triển các vùng RAT là phải làm chuyển biến đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ theo một hệ thống mang tính chuyên nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần đầu tư về xây dựng hạ tầng, có cơ chế hỗ trợ sản xuất RAT cụ thể, đặc biệt là hỗ trợ đầu ra trong lưu thông sản phẩm, đồng thời ban hành quy trình sản xuất RAT cho từng loại cụ thể, phù hợp với điều kiện từng địa phương và hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, cần chủ động hình thành mối liên kết ổn định giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với các HTX sản xuất RAT. Bên cạnh đó là việc phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ, gắn chứng nhận RAT với thương hiệu của nhà sản xuất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV, để tạo ra vùng RAT, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón đúng cách cho người trồng rau thông qua các hoạt động khuyến nông. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, kích thích tăng trưởng, phân bón, kiên quyết xử lý các vi phạm.
Theo ý kiến của các nhà kinh tế, đề án trên muốn phát huy hiệu quả cần phải được tiến hành đồng loạt ở các địa phương cung cấp rau cho Hà Nội. Bởi lẽ trên thực tế, 60% lượng rau cung cấp cho Hà Nội được trồng ở các địa phương lân cận. Ngoài việc thiết lập thêm các điểm bán rau quả sạch cố định, các nhà sản xuất RAT nên mở rộng đối tượng cung ứng tới các nhà máy chế biến, nhà ăn tập thể cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; củng cố mạng lưới bán rau sạch qua siêu thị, cửa hàng… Các cơ quan chức năng, các địa phương cũng cần xúc tiến nhanh việc thiết lập và đăng ký thương hiệu rau sạch. Thực tế cho thấy việc xây dựng các thương hiệu sản xuất sạch không khó. Ðể tăng cường hiệu lực của quản lý nhà nước đối với việc bảo đảm thương hiệu rau sạch, các cơ quan khoa học và cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu tìm ra các phương pháp xác định chất lượng rau quả nhanh với chi phí thấp…
Lựa chọn rau sạch trong Siêu thị Fivimart. Ảnh: Linh Tâm |
Quy trình mang lại lòng tin
Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Khó lớn nhất trong việc sản xuất và tiêu thụ RAT của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là ở mối quan hệ trong sản xuất. Người sản xuất RAT không tìm được "đầu ra", trong khi người tiêu dùng không phải lúc nào cũng tìm được sản phẩm. Do đó, để gỡ khó cho bài toán RAT phải bắt đầu sự phối hợp liên kết chặt chẽ "4 nhà", trong đó Nhà nước là người hỗ trợ, đầu tư thích đáng cho vùng RAT. Trong quá trình quy hoạch vùng RAT (chọn đất, nguồn nước tưới sạch, hộ trồng rau có kinh nghiệm...) cần có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Để việc triển khai đồng bộ, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ thành lập một trung tâm chuyên trách thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng dự án RAT để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện một cách bài bản. Đây chính là bộ phận giúp Sở NN&PTNT hoàn thành chức năng "nhạc trưởng" của mình trong sản xuất RAT.
Theo kế hoạch, đến năm 2015 tất cả những vùng sản xuất RAT tập trung phải được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt). Để đạt được mục tiêu theo đúng lộ trình, từ nay đến năm 2015, cần giải quyết đồng bộ các giải pháp về khoa học công nghệ, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành mô hình tổ chức sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ và hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về sản xuất RAT; đồng thời xây dựng, ban hành quy trình sản xuất RAT cho từng loại cụ thể, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, tránh tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó", các cơ quan chức năng cần quản lý, kiểm soát quy trình sạch trong trồng RAT một cách thường xuyên và ngay từ khâu "đầu vào" đã phải gắn tên các hộ sản xuất, để họ có trách nhiệm với từng luống rau cụ thể. Cùng với đó, phải đưa mã số, mã vạch vào trong từng bao bì RAT, nhất quyết không để tình trạng hở túi ni lông để bất cứ ai cũng có thể nhét rau thường vào để làm RAT. Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là công khai danh sách đơn vị sản xuất, cung cấp đến từng siêu thị, chủ tiểu thương bán "rau sạch"... Tất cả các khâu phải theo một quy trình khép kín theo một chuỗi quản lý bằng chứng từ, có như vậy mới mang lại lòng tin cho người tiêu dùng.
Bên cạnh sự đầu tư đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng đến tập huấn cho người sản xuất và phát triển mạng lưới kinh doanh, thì ý thức của người tiêu dùng trong tiêu thụ RAT có ý nghĩa không nhỏ. Do vậy, muốn được sử dụng RAT, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen, tư duy khi tiêu dùng rau xanh. Sản xuất RAT cần có cơ chế, chính sách ưu tiên của Nhà nước, nếu không sẽ khó thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.