(HNM) - Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội làm nảy sinh nhiều việc “nóng”, việc khó, thậm chí chưa có tiền lệ. Cùng với việc đổi mới, sáng tạo trong hoạt động tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đã thực hiện phương châm gần dân, lắng nghe dân để từ đó kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Lắng nghe để không phát sinh “điểm nóng”
Là địa bàn xa trung tâm Thủ đô Hà Nội, 5 năm qua, tại huyện Ba Vì đã nổi lên 2 vụ việc bức xúc xảy ra tại xã Tản Lĩnh và xã Khánh Thượng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Vì Phùng Tân Nhị chia sẻ, vụ việc thứ nhất liên quan đến dự án mở rộng bãi rác ở xã Tản Lĩnh với 145 hộ dân có diện tích đất liên quan. Trong quá trình triển khai, một số hộ dân thôn Hiệu Lực (xã Tản Lĩnh) đã ngăn cản không cho xe chở rác vào khu xử lý. Nắm bắt tình hình, huyện Ba Vì đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại với người dân để tiếp thu những ý kiến, kiến nghị và kịp thời báo cáo, đề xuất với thành phố. Qua đó, đã giải quyết thỏa đáng những bức xúc của nhân dân, không để phát sinh “điểm nóng”, giữ vững an ninh trật tự tại cơ sở.
“Việc khó” thứ hai xảy ra tại xã Khánh Thượng cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi nhân dân thôn Hương Canh tập trung đông người, ngăn hoạt động của trại nuôi lợn do đã xả chất thải ra môi trường. Sau khi nắm bắt sự việc, 2 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với người dân đã được tổ chức và có chỉ đạo giải quyết kịp thời. Kết quả đối thoại đã được đông đảo nhân dân đồng thuận, nhất trí cao.
Là một trong những quận lõi của Thủ đô, Hoàn Kiếm cũng có nhiều “việc khó” được giải quyết thông qua hoạt động tiếp xúc đối thoại. Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, từ đề nghị của các đại biểu tại hội nghị đối thoại cấp quận có phương án quản lý bờ sông Hồng thuộc địa bàn 2 phường Chương Dương và Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo UBND 2 phường rà soát, kiểm tra việc lấn chiếm trái phép khu vực bờ sông và tổ chức tháo dỡ.
Không chỉ vậy, những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng đã được hóa giải nhờ hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Tiêu biểu là công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao tại 48A Lý Thường Kiệt. Tùy theo diện tích và vị trí đất thu hồi, hộ dân được nhận số tiền bồi thường nhiều nhất là hơn 21,4 tỷ đồng và ít nhất là hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, 10/38 hộ dân có nhà, đất bị thu hồi ban đầu không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ. Để tạo sự đồng thuận, cấp ủy, chính quyền phường Trần Hưng Đạo và quận Hoàn Kiếm đã tổ chức đối thoại, tiếp thu ý kiến nhân dân. Nhiều hộ từ chỗ từ chối tiếp Tổ công tác, sau này đã hợp tác trong đo đạc, kiểm đếm diện tích và nhận tiền hỗ trợ, bồi thường để sớm ổn định cuộc sống.
Để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng
Nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân”, có thể nhận thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các địa phương đã duy trì tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến đến từng cơ sở, được người dân nhiệt tình tham gia. Công tác tổ chức đối thoại đột xuất ngày càng được quan tâm, chủ động thực hiện.
Trong quá trình tổ chức đối thoại định kỳ, nhiều địa phương đã áp dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo. Nếu như huyện Mê Linh mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội nghị đối thoại để cùng tháo gỡ những việc “nóng”, việc khó tại địa phương thì quận Ba Đình tổ chức hội nghị đối thoại giữa ban giám hiệu các trường học với phụ huynh học sinh và lãnh đạo quận nhằm chung tay phát triển lĩnh vực giáo dục. Trong khi đó, huyện Quốc Oai lại tăng cường đối thoại chuyên đề về những nội dung, lĩnh vực nhân dân quan tâm. Các quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ… lại mở rộng đối tượng chủ trì và tham gia đối thoại, giúp giải quyết nhiều vướng mắc, tạo đồng thuận trong nhân dân.
Đánh giá cao việc cấp ủy, chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) Vũ Thị Chi cho biết, việc giải phóng mặt bằng trong các dự án lớn luôn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này chỉ có thể được tháo gỡ khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gần dân, lắng nghe dân, từ đó kịp thời đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Bà Lê Thị Thúy (khu dân cư số 6, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) lại đánh giá cao việc các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nghiêm túc tiếp thu kiến nghị của nhân dân nêu tại hội nghị đối thoại nhằm cải tạo bãi đất trống ngập nước và rác thải thành điểm sinh hoạt cộng đồng. Người dân rất phấn khởi vì được thụ hưởng lợi ích, nhưng quan trọng hơn là ý kiến của người dân đã được coi trọng, lắng nghe.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, thực tế 5 năm triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội đã khẳng định, việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân tại các buổi đối thoại góp phần phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân Thủ đô; đặc biệt, đã góp phần đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế đòi hỏi các địa phương, đơn vị phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo để hoạt động tiếp xúc, đối thoại ngày càng đi vào thực chất.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.