(HNM) - Cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua chỉ số giao thông, giảm áp lực cho giao thông khu vực nội đô và tăng khả năng kết nối, đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng, tạo động lực để phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây Hà Nội, khai thác hiệu quả quỹ đất hơn 6.500ha… là những giá trị lớn từ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Các chuyên gia cho rằng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là động lực phát triển cho thành phố Hà Nội, các tỉnh trong Vùng Thủ đô và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Và đây cũng là mục tiêu để Hà Nội cùng các địa phương quyết tâm hoàn thành dự án này.
Ý nghĩa từ trục kết nối liên vùng
Hệ thống giao thông là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Đặc biệt, hệ thống đường vành đai của các thành phố lớn luôn được đầu tư xây dựng sớm để giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội đô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Minh Tâm, Hội Cầu đường Hà Nội đánh giá, giao thông đường bộ là một trong những thế mạnh của Hà Nội với 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn thành phố. Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được hình thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm.
Theo chuyên gia đô thị Phan Trường Thành, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tính chất kết nối liên vùng và được khép kín theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Với thành phố Hà Nội, tuyến đường này được kết nối với tất cả 7 tuyến cao tốc hướng tâm, phân bổ giao thông theo các hướng, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đô thị trung tâm Hà Nội.
“Khi tuyến đường Vành đai 3 cơ bản hoàn thành, ùn tắc giao thông trong nội đô Hà Nội giảm đáng kể. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển, mật độ giao thông tăng mạnh, tuyến đường Vành đai 3 hiện đang đảm nhiệm chức năng kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, đã rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ giảm tải cho đường Vành đai 3, giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng và tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong khu vực”, Tiến sĩ Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải phân tích.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Đỗ Mười, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô mà còn tăng cường kết nối giao thương giữa các tỉnh phía Nam với phía Bắc. Có thể nói, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trục giao thông mang tính chiến lược, tạo ra những không gian tăng trưởng mới cho Hà Nội và các địa phương, đưa Hà Nội - Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục là động lực dẫn dắt nền kinh tế cả nước.
Khơi thông những động lực phát triển mới
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh, trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô giúp định hình lại cấu trúc đô thị, tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn), tạo sức hút giãn mật độ dân cư ra ngoài khu vực trung tâm thành phố, từ đó giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường vành đai hiện có, giảm nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, khi tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ hình thành không gian phát triển mới và khai thác hiệu quả khoảng 6.500ha quỹ đất phía Tây đường Vành đai 4 đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Tuyến đường này cũng là động lực phát triển đô thị trung tâm, các khu đô thị: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức đã được quy hoạch và các khu đô thị, công nghiệp 2 bên tuyến trên địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh…
Tương tự, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mở ra cơ hội phát triển không gian đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thu hút nhiều dự án đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh. Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho biết, cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh rất phấn khởi khi Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được triển khai.
“Bắc Ninh có nền công nghiệp tăng trưởng vượt bậc, dẫn đến tăng cơ học về dân số. Lưu lượng phương tiện và hàng hóa cũng tăng, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu có dấu hiệu quá tải về hạ tầng xã hội. Vì vậy, khi hoàn thành, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ giải quyết hiệu quả những áp lực trên, mở rộng không gian phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô”, bà Trần Thị Vân nêu.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, địa phương đang có các khu đô thị lớn cận kề với Thủ đô Hà Nội nên việc xây dựng, kết nối Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua tỉnh mang ý nghĩa kết nối hết sức cần thiết. Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên và Bắc Ninh về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, diễn ra ngày 5-8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn đã đề xuất xây dựng nút giao kết nối đường Vành đai 4 với đường di sản của tỉnh nhằm tăng khả năng kết nối, phát triển các khu đô thị vệ tinh, hỗ trợ việc giãn dân số trong tương lai của cả tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội.
Như vậy, không chỉ tăng khả năng kết nối giao thông, giao thương giữa các địa phương, giữa các khu vực, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn góp phần mở rộng, tạo ra không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.