(HNM) - Ở Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ đều tự hào với khẩu hiệu "Đảo là nhà, biển cả là quê hương". Đó không chỉ là khẩu hiệu mà là lẽ sống của các anh. Đảo là nhà của các chiến sĩ, đảo là chỗ dựa vững chắc của ngư dân giữa trùng khơi. Mỗi khi bất ngờ gặp bão tố, hay lúc bị tai nạn... đảo luôn là nơi được nghĩ đến đầu tiên và thực sự đó luôn là chỗ dựa tin cậy của ngư dân... Tình quân dân Trường Sa là một bản hùng ca trên biển.
Bác sĩ quân y tiêm phòng cho trẻ em ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: Lê Hoàn |
Thắm tình quân dân
Giữa đảo Đá Tây có một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo Thiếu úy Đậu Bá Quý, trung tâm này được thành lập năm 2005 nhằm cung ứng nhu yếu phẩm, nhiên liệu cho ngư dân mỗi khi có nhu cầu; cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa tàu thuyền ngư dân bị hư hỏng trên biển, cung cấp nước ngọt, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho ngư dân mỗi khi đau ốm bệnh tật... Ngoài ra, trung tâm còn đảm trách việc thu mua hải sản của ngư dân. Thiếu úy Đậu Bá Quý cho biết, việc thu mua hải sản ngay trên biển giúp ngư dân giảm chi phí vận chuyển, vừa có điều kiện kéo dài chuyến đi biển, đánh bắt được nhiều hải sản hơn. Vì vậy, từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của ngư dân. Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến tháng 5-2012, trung tâm kết hợp với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây tiếp hàng nghìn lượt thuyền của ngư dân vào bán cá và mua nhu yếu phẩm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi ngư dân cần sự trợ giúp, bộ đội hải quân phải đáp ứng ngay. Đúng dịp đoàn nhà báo đến thăm đảo Song Tử Tây cũng là lúc một số ngư dân đánh cá đến đảo xin được hỗ trợ dầu và nước ngọt. Thượng tá Vũ Văn Cường, Đảo trưởng ra lệnh cho chiến sĩ cấp dưới đáp ứng mọi yêu cầu của ngư dân. Anh cho biết, giữa biển khơi mênh mông, bão táp… hiểm nguy có thể ập đến bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân. Những người lính đảo phải có trách nhiệm giúp ngư dân vượt qua khó khăn, bám biển thật tốt, cũng đồng nghĩa giúp ngư dân đánh được nhiều cá. Gần như ngày nào cũng có ngư dân ghé thăm, từ đầu năm đến nay đơn vị đã chỉ dẫn cho hơn 210 lượt tàu ra vào an toàn, ít nhất đã có 12 tàu cá hư hỏng được các chiến sĩ sửa chữa, 5 tàu cá khác gặp nạn được cứu giúp kịp thời. Lâm nạn giữa biển khơi, trong cảnh hết dầu, hết lương thực thì những bát gạo, mớ rau, hộp thịt của bộ đội tặng có giá trị không thể tính bằng tiền. Năm qua, trung tâm đã cấp cho dân 2.500 lít nước ngọt, 490.000 lít dầu, 26 tấn lương thực, thực phẩm… Có lẽ vì thế, đối với ngư dân, quần đảo Trường Sa chính là quê hương ấm áp nghĩa tình, là ngôi nhà yêu thương chở che họ trong cơn hoạn nạn, giúp họ có thêm nghị lực bám biển.
Những chuyện cứu người
Trong chuyến hành trình đến nơi đầu sóng, chúng tôi liên tục được nhân viên con tàu Trường Sa 571 nhắc nhở phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định lên, xuống, ra vào tàu, thuyền. Nếu không nghe lời, những con sóng bạc đầu và những cơn bão bất thình lình có thể gây tai nạn cho bất cứ thành viên nào. Quả thật, giữa biển khơi, con người sao mà mong manh nhỏ bé. Chúng tôi đã được nghe kể những câu chuyện cứu người trong cơn hoạn nạn giữa biển khơi đầy xúc động.
Đối với Thượng tá quân y Nguyễn Văn Nam, Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết, một năm công tác trên đảo là quãng thời gian không thể nào quên. Mỗi ca bệnh dù là chiến sĩ hay ngư dân đều để lại trong anh những ấn tượng sâu sắc. Mới nhất là một ca ngư dân bị viêm tụy mãn. Bệnh này rất dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh dạ dày. Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, sau hai ngày thận trọng theo dõi, anh và đồng nghiệp đã chẩn đoán chính xác và điều trị tạm thời giữ an toàn cho người bệnh trước khi đưa về đất liền điều trị tiếp. Ca thứ hai cũng là một ngư dân bị giảm áp đột ngột do lặn sâu. Khi đưa lên đảo, bệnh nhân ở tình trạng bại liệt các chi, bí tiểu tiện và đau bụng. Đây là trường hợp cực kỳ nguy hiểm vì nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong hoặc tật nguyền suốt đời. Thật may mắn là người bệnh được kịp thời đưa lên đảo. Sau hàng giờ cấp cứu và hai ngày điều trị rồi phải về đất liền tiếp tục điều trị, bệnh nhân đã có thể đi lại bình thường. Thượng tá Nguyễn Văn Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh xá đảo Nam Yết đã khám chữa bệnh được 250 lượt cán bộ, chiến sĩ và người dân. Với trang thiết bị hiện có, các anh có thể thực hiện các ca mổ trung phẫu như viêm ruột thừa cấp, thoát vị bẹn và điều trị chuyên khoa một phần trước khi chuyển vào đất liền.
Trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Văn Nam dưới tán cây bàng vuông trên đảo ngay trước bệnh xá, chúng tôi cứ ấn tượng mãi về người lính quân y có giọng nói rất ấm áp, truyền cảm và một tình cảm chân thành với ngư dân toát lên trong anh. Với anh, giữa mênh mông trùng khơi, phận người thật mong manh, nhưng đây cũng chính là nơi để mỗi người hiểu sâu sắc hơn về tình yêu thương, sự sẻ chia cùng nhau. Tình yêu thương là nguyên nhân khiến phận người mong manh trước biển, nhưng sức sống lại cực kỳ bền chắc.
Ở đảo Trường Sa Đông, Thiếu tá Đỗ Ngọc Dũng - Đảo trưởng nói với chúng tôi, trong đời lính hải quân của anh, kỷ niệm khó quên chính là cái đêm tiếp nhận và cứu sống anh Hồ Văn Quý ở Bình Đông (Quảng Ngãi) chẳng may bị ngã trên sườn tàu câu mực, bị đứt ngón chân áp út. Lúc đó đã 1 giờ đêm, anh Quý được đưa đến đảo trong trạng thái bất tỉnh, vết thương có nguy cơ bị hoại tử. Cả Ban chỉ huy đảo và bệnh xá tập trung, dùng mọi biện pháp nghiệp vụ, gây mê, tháo khớp xương chỗ bị hoại tử. Sau hàng giờ phẫu thuật thần kinh căng như dây đàn; ca mổ thành công, anh em lính đảo thở phào nhẹ nhõm.
Đảo Trường Sa Lớn, vào ngày cuối tháng 5-2012, quân và dân trên đảo đang nô nức chuẩn bị đón đoàn cán bộ của TƯ Đoàn ra thăm thì bỗng nghe tiếng nhiều người hớt hải bê theo một ngư dân đánh cá trong tình trạng nguy kịch. Nạn nhân là anh Lê Trí Hoàng, quê ở tỉnh Phú Yên. Theo lời kể của các ngư dân cùng đi, khi đang đánh bắt cá gần đảo Trường Sa, anh Hoàng bị một con cá lê rất to đâm vào chân phải, vết thương có nguy cơ nhiễm trùng. Bác sĩ, Trưởng bệnh xá đảo Trường Sa Lớn Phan Đình Vui cho biết, khi tiếp nhận, nạn nhân có biểu hiện nhiễm độc, vết thương bị phù nề, dị vật dài tới 20cm. Kíp mổ đã nhanh chóng tiến hành gây mê và phẫu thuật lấy bỏ dị vật, xử lý sạch vết thương. Sau hai ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Được biết, Bệnh xá Trường Sa Lớn được coi là "bệnh viện" tuyến đầu của huyện đảo Trường Sa. Với tấm lòng "lương y như từ mẫu", các y, bác sĩ ở đây đã làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe quân, dân trên đảo và các ngư dân. Nhiều ca bệnh trọng đã được chữa trị thành công. Mới đây, bệnh xá tiếp nhận thêm nhiều thiết bị y tế hiện đại như máy chụp X quang, máy xét nghiệm sinh hóa, bộ giao đốt phẫu thuật… Với thiết bị mới, hiện đại, chắc chắn năng lực điều trị nâng lên, sẽ có nhiều bệnh nhân được chữa trị kịp thời, bảo đảm sức khỏe và giảm số bệnh nhân phải về đất liền chữa trị như trước đây.
Còn biết bao câu chuyện cứu người đầy xúc động. Trong điều kiện khó khăn, phương tiện thiếu thốn nhưng bằng tinh thần, trách nhiệm và hơn hết là tấm lòng cao cả của người thầy thuốc, họ đã chữa lành những vết thương về thể xác, đồng thời tiếp thêm sức mạnh, sự can trường cho ngư dân đất Việt. Tôi đã hiểu nguyên nhân vì sao, làm việc trong một điều kiện nhiều khó khăn, thiếu thốn, thu nhập thấp hơn rất nhiều so với đất liền mà chàng Trung úy quân y của đảo Cô Lin vẫn một mực xin cấp trên cho ở lại công tác trên đảo, dù anh quá đủ điều kiện trở về đất liền. Bởi lẽ triết lý sống của người lính trẻ này thật giản đơn: Nguyện thề phục vụ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nguyện góp sức mình thành những trụ vững giữa biển khơi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.