Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Cường điệu “xây dựng” nhân vật điển hình?

Mai Thi| 09/06/2010 06:57

(HNM) - Hình ảnh thầy giáo Đỗ Việt Khoa với những ưu điểm, hạn chế tự nhiên và biện chứng, bỗng trong một thời điểm nhạy cảm, đã vụt trở thành


Cái nhìn biện chứng
Trao đổi với Hànộimới về vấn đề báo chí phản ánh về thầy giáo Đỗ Việt Khoa, nhà báo Hữu Thọ khẳng định: "Sự tích cực của thầy là đúng, việc chống tiêu cực trong giáo dục của thầy là đúng, nhưng chúng mình (báo chí) cường điệu thì dẫn đến chỗ thầy ảo tưởng, chúng mình có một phần lỗi đấy".

Nhận xét của một nhà báo lão thành khiến ta không thể không suy nghĩ. Trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin, truyền thông, thì sự tác động của một bài báo (ở cả hai hướng tích cực và tiêu cực) đều được nhân lên mạnh mẽ. Nếu gõ tên "thầy giáo Đỗ Việt Khoa" trên công cụ tìm kiếm Google, mạng sẽ cho khoảng hơn 800 nghìn kết quả. Có lúc nào chúng ta - những người viết tự vấn mình về sự vội vàng khi khắc họa hình ảnh một con người một cách cường điệu? Vội vàng khi thông tin dồn dập, vội vàng trong cả nhận định? Bởi, từ một việc làm tốt cho đến một nhân vật điển hình đôi khi là một khoảng cách xa.

Phải chăng, ở một giai đoạn nào đó và trên một số phương tiện truyền thông nào đó, chúng ta đã quá "nhiệt tình" mà thiếu sự tỉnh táo để có cái nhìn biện chứng. Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTX Việt Nam, cho rằng: "Cần phải có cái nhìn động, có những việc hôm nay sai nhưng ngày mai đúng hoặc ngược lại và cũng có trường hợp hôm nay đúng, ngày mai lại đúng hơn. Nhìn động và cân nhắc việc đưa thông tin phù hợp với nhiệm vụ, hoàn cảnh, đồng thời cũng phải tính đến tôn chỉ, mục đích của tờ báo mới góp phần khắc họa nhân vật thuyết phục".

Kỹ năng là quan trọng
Không nghi ngờ gì về vai trò và sự cần thiết của báo chí trong việc phản ánh các điển hình tiên tiến. Báo chí đã đồng hành cùng nhiều số phận, mang đến cho xã hội những động lực tinh thần lớn từ gương sáng của cá nhân. Nhưng, trường hợp truyền thông về thầy giáo Đỗ Việt Khoa vừa qua thực sự là cú "sốc" ngược với những người làm truyền thông có trách nhiệm. Trong đó, vấn đề quan trọng như chia sẻ của nhiều nhà báo là hai chữ "kỹ năng". Nhà báo Hữu Thọ nói: "Phóng đại là hai chữ Bác Hồ từng dùng để nhắc nhở người viết báo không làm to cả khuyết điểm và làm to cả ưu điểm của nhân vật. Người ta có đến đâu nói đến đấy. Say sưa quá với ưu điểm cũng dễ thành khuyết điểm. Với nhân vật con người phải hết sức thận trọng. Khen sai hiện nay không ít, nguy hiểm như chê sai". Nhà báo lão thành Hữu Thọ còn thẳng thắn: "Tôi đã viết nhiều chân dung, nhưng có lúc cũng không thấy hết, không nói hết được cả ưu điểm và khuyết điểm của nhân vật. Mà khi đã nói không đầy đủ thì dễ làm người ta ngộ nhận".

Từ chối hai chữ "phóng đại", đúng vậy! Nhưng đứng trước thách thức "những con chữ phải gói được chân dung một con người", nhà báo không có cách nào khác buộc phải trau dồi kỹ năng. Trong đó, như chia sẻ của nhà báo lão thành Đỗ Phượng thì: "Cần có nhiều thông tin dự trữ, không phải thấy gì là nói hết. Ngôn ngữ thể hiện đúng mực chính là con đường sáng suốt để nhà báo đi giữa hai cực khẳng định, phủ định tuyệt đối. Thuyết phục nhưng nên để người đọc cảm nhận được bài báo đã nêu vấn đề, phát hiện vấn đề, giới thiệu nhân vật chứ không áp đặp nhận định".

Ngay tại Giải Báo chí quốc gia lần IV năm 2009, nhiều nhà báo, Ủy viên Hội đồng Giải thưởng cũng bày tỏ băn khoăn khi có những tác phẩm chân dung nhân vật vì thiếu kỹ năng mà sơ sài hoặc đẩy quá lên nên thiếu thuyết phục. Xin nhắc lại mong mỏi, gửi gắm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Cần coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Và để làm được điều đó, ngoài tấm lòng còn rất cần cái nhìn biện chứng và vốn kỹ năng không ngừng bồi đắp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cường điệu “xây dựng” nhân vật điển hình?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.