Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ

Ngọc Quỳnh - Đào Huyền| 16/07/2016 07:36

(HNM) - Khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu tập trung, việc quy hoạch vùng sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là tất yếu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN) Hà Nội. Tuy nhiên, bài toán chuyển đổi sẽ khó có lời giải khi cơ chế, chính sách hỗ trợ thiếu đồng bộ.

Bất cập quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật

Tại một số địa phương của Hà Nội, sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT) các vùng sản xuất theo quy hoạch đã định hình phù hợp, ổn định. Tuy vậy, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã phát sinh một số bất cập, làm thay đổi quy hoạch sản xuất. Đơn cử như xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ), đã sớm hoàn thành công tác DĐĐT, nhưng sau khi quy hoạch NTM được duyệt, thì nhiều vùng sản xuất trước đây của xã đã quy hoạch cho nông dân chuyển đổi, nay không nằm trong quy hoạch NTM. Trước thực trạng này, UBND xã Nam Phương Tiến đã gửi 36 hồ sơ xin chuyển đổi, thế nhưng đến nay mới có 16 hồ sơ được duyệt, số còn lại đang xét vì quy hoạch “chồng” quy hoạch.

Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết, sau DĐĐT, các hộ dân có khả năng tập trung ruộng đất nhưng nhiều xã viên HTX chưa thực sự yên tâm đầu tư khoa học kỹ thuật hoặc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất do quy hoạch không bền vững. Nhiều vùng chăn nuôi được quy hoạch xa khu dân cư, nhưng chỉ sau vài năm, các quy hoạch NTM, giãn dân… đã "đưa" khu vực này tới gần khu dân cư hoặc đơn vị sản xuất.

Ngoài bất cập về quy hoạch, thì hạ tầng tại các khu chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn. Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho biết, sau DĐĐT huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 1.294ha. Hiện toàn huyện có 415 trang trại, doanh thu của mỗi trang trại đạt từ 600 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm và trên 600 gia trại cho thu nhập cao. Đến nay, hệ thống hạ tầng cho khu chuyển đổi vẫn chưa được đầu tư bài bản. Ông Xuân cho biết: Về kinh phí đào đắp và kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 6-7-2012 về “Quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016”. Theo quy định, xã được hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp (trong đó thành phố hỗ trợ 50%, cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện); 100% tiền mua vật tư để kiên cố hóa (thành phố hỗ trợ 80%, cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện), do nguồn thu của xã thấp, chủ yếu là từ đấu giá quyền sử dụng đất, nên nhiều khu hạ tầng thực hiện dang dở. Ông Nguyễn Văn Thắng, xã Vạn Phúc (Thanh Trì) cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, địa phương đã chuyển đổi gần 100ha đất NN sang trồng cây ăn quả, chủ yếu cam Canh, bưởi Diễn… song cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ, nông dân phải tự kéo đường điện từ khu dân cư ra đồng, nên vào mùa hè điện yếu, gây khó khăn khi tưới nước cho cây trồng. Những bất cập thay đổi từ chính sách, cơ chế dẫn đến chồng chéo, khó thực hiện.

Rào cản vốn, đất đai

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Hữu Thước cho biết, nhu cầu sử dụng đất sau DĐĐT ngày càng tăng, song việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện chậm, nhiều địa phương đến nay mới chỉ giao ruộng trên thực địa, chưa thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thiếu nguồn kinh phí. Thực tế này đã dẫn đến nghịch lý là nhiều gia đình muốn lập đề án chuyển đổi đất lúa sang các mô hình mới nhưng không thực hiện được. Ngoài ra, dù có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng khó khăn. Muốn vay vốn, người dân phải xây dựng phương án kinh doanh, kế hoạch trả nợ… Việc này không dễ đối với những hộ sản xuất nông nghiệp. Ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) cho rằng: Ngoài việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn thì việc vay vốn ngân hàng cũng chưa hợp lý, cần điều chỉnh cho phù hợp, linh hoạt với điều kiện thực tế. Theo ông Đặng Đình Tiên, vay chăn nuôi phải hoàn vốn trong vòng 6 tháng, nhưng thời gian này chưa đủ để hộ chăn nuôi thu hồi vốn từ nuôi lợn, gà...

Không chỉ khó khăn về nguồn vốn, hạn mức cho thuê đất ở các khu chuyển đổi cũng thấp. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Lưu Văn Phúc cho biết, Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn quy định UBND cấp xã có thẩm quyền cho thuê thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm. Trong thực tế, tại huyện Thường Tín, khi thuê đất, người sử dụng thường đầu tư công trình, thiết bị... có giá trị lớn để sản xuất, khi hết thời hạn 5 năm, nếu tổ chức đấu giá, đấu thầu lại thì xảy ra nhiều trường hợp người đang sử dụng đất không trúng thầu, buộc phải tháo dỡ khối tài sản đã đầu tư, việc thanh lý khá phức tạp, thiệt hại cho người đầu tư cũ là rất lớn. Đồng thời, sau DĐĐT, đến nay Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện nên khi DĐĐT các hộ nhận đất vẫn không được phê duyệt phương án chuyển đổi.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, với hướng dẫn mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các hộ xin chuyển đổi phải có diện tích đất từ 2,1ha trở lên, phải xây dựng đề án có tư vấn của cơ quan chuyên môn; có trích lục bản đồ điện tử… do hộ gia đình tự làm. Điều này sẽ khó thực hiện vì nhà đông khẩu cũng chỉ được hơn một mẫu ruộng, có thầu thêm quỹ đất 2 cũng không đủ diện tích đáp ứng tiêu chí trang trại. Trong khi đó, các hộ canh tác đa canh đều có nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, nhưng do diện tích nhỏ, chưa đáp ứng các tiêu chí phát triển trang trại nên ngành điện không cung cấp dịch vụ, việc sản xuất càng bế tắc.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.