Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Chật vật mưu sinh khi thiếu ruộng

Đức Trường| 30/09/2014 06:22

(HNM) - Thực tế, số nông dân có ruộng lớn như ông Nguyễn Văn He và Nguyễn Văn Tắc đã đề cập trong bài trước là không nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long và càng ít hơn ở Đồng bằng sông Hồng.


Phận người làm mướn

Trong lúc mấy người hàng xóm đang bàn tán sôi nổi về vụ lúa hè thu vừa gặt xong, cha con ông Võ Văn Đuông, ấp Thạnh Phước, xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ) lại ngồi một góc, thi thoảng mới nói với nhau vài câu. Khi thấy có người bắt chuyện, bố con ông Đuông chỉ trả lời nhát gừng và giữ kẽ. 

Nông dân chờ đến lượt bán lúa cho Nhà máy Vĩnh Bình.


Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, khi ông Đuông chưa sinh con trai đầu lòng, nhà ông có 10 công ruộng mỗi công là 1.300m2) do cha mẹ để lại. Sau khi được vận động "nhường cơm xẻ áo", ông đổi ruộng cho những người thiếu đất ở trong xã, đổi qua đổi lại thế nào mà chỉ còn có 5 công ruộng. Vốn gắn bó với ruộng đồng từ bé, ông Đuông vẫn chịu khó, lam lũ tối ngày làm ruộng và chài lưới để kiếm đủ miếng cơm cho lũ trẻ. Chỉ được vài năm, sau một vụ lúa bị rầy cháy, ông phải vay một chỉ vàng để tiếp tục làm vụ sau. Vụ sau lại bị mất mùa, lãi mẹ đẻ lãi con, ông phải bán nốt 5 công ruộng còn lại để trả nợ. Xót ruột lắm nhưng không bán thì có cơ phải tha phương cầu thực. Từ đó, ông Đuông trở thành người làm mướn cho những nhà còn ruộng trong ấp, trong xã. Ai mướn gì làm nấy, từ cắt lúa, làm cỏ đến bón phân, cày thuê. Căn nhà ông ở không có ao, không có vườn cho dù ông ở giữa một vùng đồng ruộng rộng bát ngát. Phận làm thuê từ ông Đuông còn "truyền" sang cả con trai. Anh Võ Văn Thận, con trai cả của ông giờ đã 35 tuổi mà vẫn đi làm mướn.

Những người làm mướn như ông Đuông dù không có ruộng để cấy cày nhưng vẫn trở thành một mắt xích trong các khâu dịch vụ liên quan chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL.

Ở đầu bàn bên kia, anh Võ Tùng Phú, người bên ấp Phước Trung, chỉ hơn ông Đuông là có được 1 công ruộng đang rôm rả bàn tán với mấy người cùng góp ruộng để làm cánh đồng lớn do Công ty TNHH Trung An đứng ra bao tiêu lúa gạo. Mô hình bên này không được chặt chẽ và lớn như bên Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Bình ở Châu Thành (An Giang) nhưng lại có vẻ gần gũi với nông dân hơn. Anh Phú phải mướn lại 20 công ruộng để làm lúa cho đủ diện tích có thể sinh lời. Việc mướn lại ruộng để làm lúa của anh Phú đã đem đến nguồn thu ổn định cho gia đình. Dù không giàu có, dư dật nhưng anh cũng xoay xở để đủ nuôi 2 bố mẹ già, vợ và 3 đứa con.

Anh Phú là tổ viên của một tổ sản xuất có 30 nông dân do ông Trần Văn Chanh làm tổ trưởng. Ông Năm Chanh được mọi người trong tổ bầu lên để đứng ra làm đầu mối liên lạc với Công ty TNHH Trung An và với xã. Ông Năm Chanh thường xuyên liên lạc với bên Trung An và các tổ viên để lên lịch bón phân, phun thuốc, dặm vá, gặt máy, bốc vác… Hồi mới hè nhau làm cũng chuệch choạc, có lúa để bán rồi mà bên thu mua chặt chẽ về độ ẩm quá nên lại bán cho thương lái. "Hai năm trở lại đây, kể từ khi Trung An vào cuộc thì thương lái cũng tiếp cận nhưng không vô nổi", ông Năm Chanh cho biết.

Loay hoay gom đất

Không được tổ chức chặt chẽ như ở Vĩnh Bình hay được chỉ dẫn sản xuất và bao tiêu lúa như ở xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), người dân ở xã An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) vẫn cùng nhau góp những khu ruộng liền thửa để làm thành một cánh đồng liên hợp rộng hơn 200ha.

Gần trưa, chẳng mũ mão gì, ông Trương Văn Tài, thôn An Hòa, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, vẫn đứng trông máy gặt đập thu hoạch lúa cho dù trong cánh đồng này, nhà ông chỉ có 1,5ha (nghĩa là 15 công mới). Ngày hôm nay, trời nắng, ruộng khô, độ ẩm vừa phải, thóc bán tại ruộng có giá 5.100 đồng/cân. Dù làm ra lúa nhưng ông vẫn mua gạo với giá 12.000 đồng/cân để ăn cho khỏe vì nếu lấy thóc đi xay gạo thì để lâu cũng bị mốc.

Ông Tài nhận định, làm lúa vẫn lời hơn làm cây và con khác. Nếu để nước ngập đồng thì không có lợi cho người làm lúa mà chỉ có lợi cho dân chài, người làm mướn. Xả nước vào ruộng thì mấy người đánh cá được lợi nhưng cũng chẳng được bao nhiêu vì giờ có đê bao nên cá cũng không có nhiều như trước. Ông Tài nhẩm tính, nếu được 1,5 triệu đồng/công nhân với 200ha thì cả cánh đồng này đã được 3 tỷ đồng. Người có ruộng kiếm được một mớ và còn tạo công ăn việc làm cho những người bốc vác, gặt thuê, thu rơm… Ở đây, cứ sau 3 năm trồng lúa thì ông xả nước vào để vệ sinh ruộng đồng một lần. "Khi nào xả nước thì tui phải ở không à", ông Tài phàn nàn.

Vào đầu vụ, nhà nào có ruộng ở đây thì cũng tốn 15.000 đồng/công để diệt ốc vì có nước vào thì ốc sinh sôi dữ dằn. Nếu không diệt ốc bươu vàng thì nó ăn lúa, diệt hết ốc để giữ lúa thì cá cũng không còn. Ông Tài tính tiếp các chi phí như: tiền thuê máy gặt là 200.000 đồng/công. Vận chuyển thóc ra thì trả công tùy theo quãng đường. Người có máy gặt lại mướn người lái máy gặt. Và người lái máy gặt được hưởng phần trăm trên sản lượng thu hoạch mỗi ngày. Máy gặt như thế gặp ngày trời khô ráo như hôm nay sẽ gặt được 5ha lúa. Một ngày gặt 50 công là 10 triệu, tài xế chắc cũng được 500.000 đồng đến 700.000 đồng. Trước khi gặt, ông Tài kêu "bạn hàng" đến coi lúa để định giá mua lúa ngay tại ruộng. Bạn hàng mua lúa, đem về sấy xong rồi bán gạo cho mấy doanh nghiệp. Ở đây, nông dân chưa bán trực tiếp cho doanh nghiệp.

Ở An Hòa, đa phần nông dân góp ruộng vào làm cánh đồng liên hợp đều thuê mướn hầu hết các khâu như: sạ lúa, bón phân, phun thuốc, làm cỏ và hôm nay là gặt. Cũng có nhà tận dụng lao động trong gia đình đi bón phân, phun thuốc. Việc quan trọng nhất của ông Tài là đi thăm ruộng để biết sâu bệnh như thế nào rồi mới mướn người phun thuốc. Những người ông Tài thuê đều là bà con lối xóm. Xóm nào cũng có người phun thuốc, bón phân thuê. Những người làm mướn đa phần không có ruộng, giống như ông Võ Văn Đuông ở Cờ Đỏ (Cần Thơ).

Ông Tài làm 15 công ruộng này chỉ bằng lương hưu của vợ ông. Ngày trước chưa nghỉ hưu, vợ ông được 10 triệu/tháng, giờ được khoảng 5 triệu. Nếu ông làm 15 công ruộng này giỏi lắm cũng chỉ lãi được 75 triệu/năm 3 vụ lúa, nghĩa là chỉ được 5 triệu/công. Trong khi đó, bà ấy ở không cũng được 60 triệu đồng/năm mà lại còn được bảo hiểm lo. Còn ông Tài là nông dân thì chẳng có bảo hiểm nào lo cả. Ấy là ông Tài chưa tính đến việc phải bỏ vốn, bỏ công sức và những rủi ro gặp phải khi trồng lúa.

Ngày xưa khi ông bà cha mẹ giàu có nhiều đất thì để lại cho con cháu nhiều. Nếu có ít đất thì chia cho con cháu ít. Chẳng hạn như ông Tài có 15 công đất đây, nhưng vì con cái không cần làm ruộng nên thành ra ông không chia. Nếu con ông không có công ăn việc làm, ông Tài chia đều 15 công đất ra cho 4 người con thì mỗi người cũng chẳng còn lại bao đất. Con ông sau này sinh con đẻ cái lại chia tiếp thì rõ là ruộng sẽ càng ngày càng nhỏ lại.

Cánh đồng lớn thì nông dân cũng thích đấy. Chỉ sợ là doanh nghiệp nào đó không đủ điều kiện để đầu tư. Theo ông Tài, phải cho mượn vật tư đầu vào và có bao tiêu thì mới được gọi là cánh đồng lớn. Ở đây, ông Tài cũng như những nông dân khác phải "mua sổ" (mua nợ vật tư trồng lúa và có tính lãi bằng cách ghi vào sổ nợ) trước mỗi vụ lúa đến khi thu hoạch thì lấy tiền bán lúa để trả nợ. Thực tế, nông dân thích bán cho bạn hàng hay còn gọi là thương lái hơn để lấy tiền tươi mà trả tiền "mua sổ". Ông Tài khẳng định: "Nông dân khoái bán cho bạn hàng để lấy tiền tươi hơn vì không phải ký nhận rồi gặp kế toán để chờ nhận tiền".

Đất đai manh mún nên người dân phải xoay xở tìm cách mưu sinh từ việc đi làm thuê, đến mướn đất thêm để làm ruộng hay tìm cách gom đất để thực hiện "nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Chật vật mưu sinh khi thiếu ruộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.