Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Cần một “nhạc trưởng”, một “đũa” chỉ huy

Kim Vân| 03/02/2010 06:06

(HNM) - Trước tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày càng trở nên khó kiểm soát và công tác quản lý còn nhiều bất cập, các cơ quan lập pháp đang gấp rút xây dựng Luật ATVSTP nhằm tạo hành lang pháp lý cần thiết và bảo đảm sự an toàn cho cuộc sống của người dân.

Một trong những nội dung của dự thảo Luật vẫn còn gây tranh cãi là phân định rõ trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành. Tuy nhiên, việc Bộ Y tế sẽ phải làm "nhạc trưởng" gần như đã được quyết và bộ này sẽ chỉ huy "dàn nhạc" ra sao khi không có trong tay "bản nhạc" hay và "nhạc công" giỏi?

Thanh tra liên ngành VSATTP thành phố kiểm tra tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hữu Oai - TTXVN


Bộ Y tế kiểm thức ăn chín, Bộ NN&PTNN quản thực phẩm sống?
Theo PGS-TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), phân công trách nhiệm quản lý về lĩnh vực ATTP là vấn đề vô cùng nan giải, nóng bỏng, gây tranh cãi đã nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Phân công khoa học, hợp lý để giảm bớt đầu mối quản lý và xác định rõ phân công quản lý nhà nước về ATTP giữa các bộ, ngành và trách nhiệm của họ, để tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc quản lý về ATTP, là điều ai cũng biết nhưng chưa ai làm đến nơi đến chốn. Ông Khẩn cũng cho biết, trên thế giới hiện có 2 xu hướng quản lý thực phẩm chính: Cơ quan quản lý thực phẩm độc lập trực thuộc Chính phủ và cơ quan quản lý thực phẩm thuộc Bộ Y tế, có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Nhưng với tình trạng sản xuất rất nhỏ lẻ như ở nước ta hiện nay thì việc phân công một bộ nào quản lý dứt điểm từ A đến Z như các nước khác là không khả thi.

Một sản phẩm thực phẩm được tạo ra phải qua một quá trình gồm nhiều công đoạn như sản xuất ban đầu, sơ chế và chế biến. Vì thế, quản lý ATTP phải theo quá trình nhưng lại cần chú ý đến từng công đoạn và việc phân định trách nhiệm quản lý cũng phải lồng ghép phân công theo loại sản phẩm (hàng dọc) và theo công đoạn sản xuất (hàng ngang). Bộ nào đã quản lý sản phẩm nào và quá trình nào thì chịu trách nhiệm toàn bộ cả về xuất, nhập khẩu cũng như tiêu thụ trong nước.

Hai phương án phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong việc quản lý ATVSTP đã được đưa ra bàn thảo. Một là, Bộ Y tế chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về ATTP đối với quá trình chế biến, kinh doanh thực phẩm trong nước, sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến trong nước và nhập khẩu; Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm đối với quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống trong nước, sản phẩm thực phẩm tươi sống trong nước và nhập khẩu. Hai là, phân công theo nhóm ngành hàng, ví dụ Bộ Y tế quản thực phẩm tăng cường vi chất, thực phẩm chức năng…, Bộ NN&PTNT quản thực phẩm là nông, lâm, thủy sản…, Bộ Công thương quản rượu, bia, nước giải khát, sữa…

Tuy nhiên, phương án 2 được cho là không hợp lý vì sẽ tiếp tục chồng chéo và bỏ sót các sản phẩm không có ai quản lý. Việc giao Bộ Y tế quản lý thực phẩm đã qua chế biến, Bộ NN&PTNT quản lý thực phẩm tươi sống nhận được nhiều sự đồng tình. Mặc dù vậy, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường cho rằng, nên giao cho Bộ NN&PTNT quản lý các nông sản đã qua chế biến như những sản phẩm từ thịt, rau, quả. Trong khi đó, để chế biến những nông sản này thành thực phẩm thì cần phải sử dụng nhiều nguyên liệu và phụ gia thực phẩm mà nếu không dùng đúng cách sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng như hàn the trong giò lụa, phẩm màu làm chả, ô mai, đường hóa học trong mứt…

"Nhạc trưởng" cần có "đũa" chỉ huy
Dẫu việc phân công trách nhiệm quản lý, cơ chế phối hợp chưa đi đến hồi kết nhưng việc giao Bộ Y tế giữ vai trò "nhạc trưởng" đã là chuyện đương nhiên. Trách nhiệm giữ an toàn cho mâm cơm của người dân đặt ra cho ngành y tế những nhiệm vụ nặng nề, nhất là khi giao trách nhiệm nhưng không trao quyền hạn đang là một thực tế diễn ra không chỉ ở trong công tác ATVSTP.

Thực tiễn triển khai công tác quản lý ATVSTP theo Pháp lệnh Vệ sinh ATTP trong 6 năm qua cho thấy muốn hoàn thành vai trò "nhạc trưởng", Bộ Y tế phải có quyền để xây dựng được "bản nhạc" hoàn chỉnh, đó là quy chuẩn kỹ thuật cho tất cả mọi sản phẩm thực phẩm và các bộ chuyên ngành khác sẽ quản lý sản phẩm thực phẩm theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Ngoài quyền trên, tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng cho rằng Bộ Y tế phải được tham gia kiểm tra tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tất cả sản phẩm thực phẩm để bảo đảm thực phẩm đến tay người tiêu dùng là an toàn cho sức khỏe, cũng như kiểm tra việc thực hiện quản lý nhà nước về ATTP của các bộ, ngành, nhằm thể hiện đúng vai trò chủ trì của mình. Cũng tại diễn đàn Quốc hội, chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã thẳng thắn nói rằng, Bộ này không thể phê bình hay kỷ luật bộ khác được. Và khi ấy, rõ ràng hiệu lực quản lý sẽ không được như mong muốn.

Vấn đề ATVSTP được xã hội hết sức quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. ATVSTP, ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm sẽ còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Để tồn tại tình trạng này, có những nguyên nhân khách quan như: ATTP là vấn đề lớn, rủi ro sử dụng thực phẩm là rủi ro khó tránh; quy mô trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu; chưa kiểm soát được kỹ thuật canh tác và việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thực phẩm; chưa kiểm soát được thức ăn chăn nuôi, thuốc tăng trọng và giết mổ gia súc, gia cầm; thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, thiếu hệ thống quản lý, kiểm nghiệm; đặc biệt, thiếu trầm trọng thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến địa phương. Nhưng để nâng cao mức độ an toàn cuộc sống, khâu quản lý là khâu quan trọng hàng đầu, mang tính hướng dẫn toàn xã hội. Dù có ý kiến cho rằng, ngay cả khi có Luật ATVSTP, cũng khó có hy vọng giải quyết triệt để sự chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý ATVSTP, nhưng với việc chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong công tác này và giao trách nhiệm cùng trao quyền hạn cho "nhạc trưởng" y tế - người dân đã có thể yên tâm hơn, nhất là trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

(Tiếp theo số báo ra ngày 2-2-2010)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cần một “nhạc trưởng”, một “đũa” chỉ huy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.