(HNM) - Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025 có các mục tiêu chính: Xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao; là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa... Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình số 07-CTr/TU đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, song để đạt được những mục tiêu cơ bản cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn, sáng tạo và linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Bước đầu có chuyển biến tích cực
Ngay sau khi Chương trình số 07-CTr/TU được ban hành, UBND thành phố đã cụ thể hóa thành 35 nhiệm vụ trọng tâm, nêu trong Kế hoạch 185/KH-UBND ngày 11-8-2021. Phần lớn các đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ trong Chương trình 07-CTr/TU, Kế hoạch 185/KH-UBND đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các đề án, chuyên đề, đề tài, kế hoạch...
Đến nay, có 23 đề án, kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt đang triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả. Các nhiệm vụ: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ... đều có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với những dấu ấn đổi mới.
UBND thành phố cũng ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy để quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp thành phố. Nhờ đó, công tác quản lý chuyển biến theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Quy trình thanh quyết toán kinh phí cũng được cải tiến, kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học được cấp nhanh chóng, bảo đảm tiến độ và theo đúng quy định. Về hạ tầng công nghệ cao, Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT).
Với các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số, thành phố đã bố trí hơn 35 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (Đề án 4889) và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội (Quyết định số 3457), thực hiện các hoạt động như hỗ trợ truyền thông, mặt bằng, vườn ươm, đào tạo tập huấn, xây dựng cẩm nang chuyển đổi số cho doanh nghiệp, truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng phần mềm, nền tảng để tập hợp, phân tích, đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp...
Tính đến hết năm 2022, Hà Nội có 16 quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo được thành lập; tổ chức hơn 20 hội thảo, hội nghị, tọa đàm kết nối đầu tư, kết nối các thành phần hệ sinh thái, tạo mạng lưới liên kết từ chuyên gia, doanh nghiệp đến các Startup; từ các quỹ đầu tư đến các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cần giải pháp tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đang đặt ra. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU, công tác chỉ đạo triển khai của một số cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ có lúc chưa thực sự sâu sát. Việc phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt nên kết quả triển khai một số nhiệm vụ chưa rõ nét.
Trong số 35 nhiệm vụ Chương trình số 07-CTr/TU đặt ra cho cả giai đoạn (2021-2025), đến nay, ngoài 2 nhiệm vụ được dừng thực hiện, việc xây dựng, ban hành một số nhiệm vụ còn chậm so với tiến độ đề ra (4 đề án chưa trình UBND thành phố). Việc hoàn thiện dự thảo sau khi có ý kiến chỉ đạo của thành phố còn chậm (6 nhiệm vụ đã trình UBND thành phố, hiện vẫn đang hoàn thiện).
Kết quả xếp hạng chuyển đổi số của thành phố chưa đạt yêu cầu. Số lượng các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao của thành phố. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế. Trong quá trình triển khai thực hiện còn vướng các thủ tục đầu tư, đất đai...
Một số vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được tháo gỡ như: Xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Hà Nội chưa thể khơi thông nguồn quỹ hoạt động vì vẫn loay hoay với các thủ tục pháp lý...
Những hạn chế, vướng mắc đã được Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU thẳng thắn chỉ rõ. Từ đây, để bước tiếp chặng đường hướng tới các mục tiêu cơ bản của Chương trình số 07-CTr/TU, đòi hỏi các cơ quan liên quan phải thực sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo và linh hoạt trong việc tháo gỡ khó khăn, thực hiện các nhiệm vụ được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.