Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Cân đối các lợi ích, khắc phục những bất cập

Hà Phong - An Trân| 26/02/2011 07:01

(HNM) - Dù có nhiều điểm chung như 62 tỉnh, thành phố khác trong cả nước, song Hà Nội có không ít nét đặc thù, do đó Luật Thủ đô phải xử lý được những "cái riêng" vốn làm nên Hà Nội.

Vậy nên một mặt cần lắng nghe dư luận để điều chỉnh những điểm chưa phù hợp, mặt khác, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô cần bảo vệ những đề xuất từ thực tế đang đặt ra hiện nay như quản lý dân cư, xử phạt vi phạm hành chính… Đó là ý kiến của các chuyên gia pháp lý sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Thủ đô.

Bài toán quản lý dân cư

Theo luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP Hà Nội, 2 vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong Luật Thủ đô hiện nay là quản lý dân cư và tăng mức phạt vi phạm hành chính. Trong quản lý dân cư, luật cần thống nhất quan điểm không vi phạm quyền tự do cư trú của công dân, đồng thời phải có giải pháp bảo đảm cơ sở hạ tầng, dịch vụ để không bị quá tải. Để đáp ứng yêu cầu này, Ban soạn thảo đã đề xuất một quy định mang tính chất hành chính. Đó là, đưa ra điều kiện cư trú dành riêng cho Thủ đô theo hướng đáp ứng yêu cầu cao hơn bình thường về mức độ văn minh đô thị cũng như chất lượng nguồn nhân lực để Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt được chức năng là "trái tim" của cả nước.

Việc ra đời của Luật Thủ đô sẽ là tiền đề để xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Xuân Chính

Vậy nhưng, có một số ý kiến phản bác lại chủ trương này. Bà Lê Thị Thu Ba - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, biện pháp trên không những không đạt hiệu quả mà còn phát sinh những hệ lụy khác. Bởi, quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di chuyển từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển KT-XH thuận tiện hơn là một quy luật của sự phát triển. Đây là nhu cầu tất yếu mà không biện pháp quản lý hành chính nào có thể ngăn cản được.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Phạm Hồng Hải - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, qui định điều kiện về người được sống và làm việc tại Hà Nội của Bộ Tư pháp về hình thức có vẻ như vi phạm Hiến pháp về quyền tự do cư trú, đi lại, lao động. Song, để thực hiện được mục tiêu lớn vì sự phát triển của Thủ đô thì các điều kiện đó vẫn hợp lý và hợp pháp. Bởi, với điều kiện phát triển KT-XH như hiện nay, căn cứ vào vị trí của Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị - hành chính của đất nước, cần thiết phải thu hút những lao động có trình độ, tay nghề cao, đồng thời hạn chế lao động phổ thông. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cũng phân tích: "Nếu tất cả dồn về nội thành thì sức ép rất lớn, nên cần có quy định điều kiện cư trú dân cư ở nội thành".

Với quan điểm "cấm cũng là một trong những biện pháp quản lý, nhưng không nên lạm dụng" LS Nguyễn Ngọc Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: "Không coi "cấm" là biện pháp duy nhất, nhưng cần thì vẫn phải cấm, nếu các biện pháp khác chưa đủ thì sẽ hướng được đến mục tiêu chung là vì sự phát triển xã hội". Thực tế, nếu cứ để di dân tự do vào Thủ đô thì sẽ cản trở điều kiện sống vì mất cân đối qui mô dân số với cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm. Qui định cơ chế đặc thù có thể khiến luật này mâu thuẫn với Luật Cư trú nhưng đây là thực tế phải đối mặt, vấn đề là không được trái Hiến pháp.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến nói: Về nguyên tắc, khi có cạnh tranh qui phạm thì ưu tiên các qui phạm của văn bản cao hơn. Nhưng khi chủ trương xây dựng một văn bản luật cho một địa phương như Luật Thủ đô thì phải tư duy theo kiểu ngược lại. Vì, khi ban hành Luật Thủ đô chắc chắn sẽ có những điều luật buộc phải mâu thuẫn với qui định pháp luật hiện hành. Quốc hội xác định ban hành Luật Thủ đô là thừa nhận có chuyện đó. Do vậy, trong Luật Thủ đô phải có qui định về nguyên tắc này để áp dụng cho dễ dàng. Bên cạnh đó, những người làm luật cũng cần phải tính đến tình huống làm sao để Hà Nội không trở thành một đơn vị cát cứ, tức là Hà Nội có quyền riêng nhưng phải tuân thủ chủ trương của Đảng và pháp luật chung.

Căn cứ nào thu phí gấp 2 lần?

Theo quy định trong dự thảo luật, Thủ đô có thể áp dụng mức xử phạt bằng tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú. Tán đồng quan điểm này, UBTVQH cho rằng, vai trò của chế tài - được áp dụng cho mọi chủ thể trong xã hội - là để hạn chế những hành vi không được khuyến khích, cản trở sự phát triển chung của xã hội, và cũng là để tôn trọng sự phát triển của xã hội. Như vậy, không thể đồng nhất người vi phạm cũng như những người dân khác.

Từ đó, nhiều ý kiến đã đồng tình cần phạt cao (như qui định trong dự thảo) để thay đổi ý thức của người dân, đến khi họ tự giác chấp hành qui định chung. Trong quá trình này, có thể phải "hy sinh" một thiểu số có hành vi không đáng khuyến khích để đem lại lợi ích cho số đông của cộng đồng.

Với mức thu phí và mức phạt tiền cao sẽ giúp người dân có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, cũng như hạn chế những vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực đó. Đặc biệt, với dự kiến thu phí môi trường sẽ khuyến khích người dân sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí. Kinh nghiệm nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Thụy Điển… đã cho thấy biện pháp này phát huy hiệu quả, có thể áp dụng ở nước ta. Đồng thời, nguồn thu từ các khoản đó cũng được sử dụng để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông phục vụ nhu cầu của cộng đồng.

Về 2 cơ chế đặc thù kể trên, ông Lê Thành Long, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp khẳng định, người dân sẽ không gặp khó khăn hơn khi sống ở Hà Nội. Luật Thủ đô là một luật tổng hợp nên đã phải dung hòa, cân đối các lợi ích, kết hợp các biện pháp khác nhau để điều chỉnh các mối quan hệ KT-XH Thủ đô. Với mục tiêu chủ yếu là kết hợp các biện pháp về KT-XH, biện pháp hành chính không phải là duy nhất, nếu được thông qua sẽ có lợi cho nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung và tạo lập được cho Hà Nội một bộ mặt văn minh, hiện đại hơn.

Rõ ràng việc phải có một bộ luật riêng, tạo hành lang pháp lý phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập đang đặt ra cũng như tạo thuận lợi cho sự phát triển của Hà Nội là một đòi hỏi chính đáng, cấp thiết. Với tinh thần "cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước", cử tri đang mong chờ kỳ họp QH tới, Luật Thủ đô sẽ được quan tâm xem xét và thông qua để tạo tiền đề xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cân đối các lợi ích, khắc phục những bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.