(HNM) - Thiếu úy Vũ Xuân Đăng, con trai Anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ (Thuyền trưởng tàu HQ 604), xem tờ giấy quyết định phong hàm Đại úy cho người cha mình, đã hoen màu thời gian và không còn nguyên vẹn, chính là bản di chúc không lời.
Đang làm nhiệm vụ trên tàu Trường Sa 16 đóng tại Cam Ranh (Khánh Hòa) - Thiếu úy Vũ Xuân Đăng xin đơn vị nghỉ phép để về TP Hồ Chí Minh với mẹ đúng dịp giỗ bố - Anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ 604 hy sinh trong cuộc đụng độ ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Phải thuyết phục nhiều lần, Vũ Xuân Đăng mới đồng ý cho tôi gặp. Nhưng anh hẹn gặp phóng viên tại quán cà phê, bởi không muốn người mẹ ở nhà rơi nước mắt.
Thiếu úy Vũ Xuân Đăng cầm trên tay "bản di chúc không lời" của cha. |
Bên ly cà phê nóng, Đăng kể rằng, nỗi đau mất bố, dù đã 25 năm, vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim anh và là vết lặng của mẹ. Chồng ra đi, để lại người vợ trẻ cùng hai con, đứa lớn hơn 4 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 15 tháng tuổi, biển trong lòng bà Nguyễn Thị Tần (vợ liệt sỹ Vũ Phi Trừ) là sóng dập, là bão, và vùng trời không bình yên. Từ ngày chồng mất, một mình nuôi con, lại lo sợ các con đi theo nghiệp bố, bà Tần giấu bặt, không bao giờ kể với các con câu chuyện của người cha năm 1988.
"Từ ngày bố mất, mọi giấy tờ, bằng khen của bố được mẹ cất kỹ trong rương. Một hôm, trời mưa to, nước tràn vào nhà khiến mọi thứ trong rương gỗ bị ngấm nước. Tôi cố lục tìm, giữ được quyết định thăng cấp hàm Đại úy của bố, là tờ giấy này đây, cũng không còn nguyên vẹn!" - Đăng nghẹn giọng đưa chúng tôi xem tờ quyết định được ban hành tháng 6-1987 cho ông Vũ Phi Trừ.
Kỷ vật còn lại của tàu HQ 604. |
Vũ Xuân Đăng kể, như một định mệnh, bản quyết định phong hàm của bố đã thôi thúc anh trở thành chiến sỹ Hải quân, được ra biển, được tiếp tục làm nhiệm vụ của cha. Mười tám tuổi, lẳng lặng giấu mẹ, Vũ Xuân Đăng nộp đơn thi vào Học viện Hải quân nhưng không trúng nên anh quyết định nhập ngũ. Mẹ biết chuyện, động viên năm sau thi vào trường dân sự. Cưới chồng được 6 năm, ở với nhau chưa quá 7 tháng, 2 lần vượt cạn một mình vì chồng còn bận làm nhiệm vụ ngoài khơi xa, nỗi đau và dư cảm của người vợ, người mẹ khiến bà không muốn con tiếp tục cái nghiệp giữa trùng khơi. Ban đầu, bà không ăn uống gì, chỉ khóc rồi thi thoảng thắp hương, khẩn cầu điều gì đó. Bà mẹ buồn lắm, nói: "Con quyết theo nghiệp binh, vậy vào lính biên phòng đi, đóng quân miền núi và biển đều làm nhiệm vụ biên giới!". Vũ Xuân Đăng nghẹn lại nhưng quyết tâm: "Mẹ ơi, con lớn rồi, xin mẹ cho con đi theo đường của bố. Bố muốn đặt tên con là Hải Đăng, là ngọn đèn biển. Xin mẹ hãy cho con được tiếp tục làm nhiệm vụ của bố. Con biết mẹ sợ nhưng nhất định bố sẽ phù hộ cho con".
Trước quyết tâm đó, người mẹ chỉ còn biết lặng lòng nhìn con trong bộ trang phục hải quân lên đường nhập ngũ. Đăng bảo, hôm đó, quay lại nhìn, thấy mẹ cứ bấu chặt lấy cột nhà! Bao nhiêu năm rồi, mất chồng, một mình bà lầm lụi làm đủ thứ nghề trên vùng đất Quảng Xương (Thanh Hóa) để nuôi con…
"Bản sao" anh hùng
Sau thời gian nhập ngũ tại Lữ đoàn 126 đóng tại Hải Phòng, Đăng được đi học Trung cấp Kỹ thuật hải quân, ra trường về công tác tại Lữ đoàn M125 đóng tại phường Cát Lái (quận 2, TP Hồ Chí Minh). Đây chính là đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và cũng chính là Lữ đoàn Anh hùng Vũ Phi Trừ từng công tác.
Ngày 5-3-2006, Đăng đi biển chuyến đầu tiên, trên con tàu trực bảo vệ nhà giàn DK1. Bao cảm xúc ùa về, khi chưa có cơ hội đến gần vùng biển bố và đồng đội hy sinh, Đăng đã viết trong cuốn nhật ký: "Ai cũng có phần ích kỷ trong trái tim, ích kỷ để giữ trọn yêu thương bên những người thân yêu. Nhưng khi đứng giữa trùng xa, sáng thức dậy là sóng, đêm ru ngủ cũng là sóng, con chỉ nghĩ đến bố và các đồng đội đã ngã xuống. Con biết mẹ đang đợi con ở nhà. Thử thách đầu đời của con trai bố là sóng giật và gió biển thổi khuynh đảo cả con tàu không làm con nao lòng. Con sẽ tiếp tục ở bên biển, thay bố và các đồng đội làm trọn nhiệm vụ với biển đảo quê hương".
Với sức trẻ, với tình yêu mãnh liệt với biển, noi theo tấm gương của bố, Vũ Xuân Đăng không ngừng rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong quân ngũ. Năm 2011 anh vinh dự nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua của Lữ đoàn M125 cùng nhiều giấy khen khác. Không chỉ bản lĩnh, rèn luyện tốt, với trách nhiệm là người con trai cả, Vũ Xuân Đăng đã tích cóp đồng lương, cùng sự giúp đỡ của bạn bè, đồng chí, mua một căn nhà nhỏ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh để đưa mẹ vào sống cùng. Hiện tại, gia đình nhỏ của Đăng có mẹ, vợ và cô con gái mới lọt lòng.
Tại buổi họp mặt, giao lưu những cựu binh tham gia trận đánh bảo vệ Trường Sa năm 1988 ở hội trường của Lữ đoàn M125, mọi người đều lặng đi, hướng mắt về Đăng, rưng rưng khi người dẫn chương trình nghẹn lại trong những dòng về Anh hùng Vũ Phi Trừ: "Ngày 11-3-1988, Đại úy - Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhận lệnh chỉ huy tàu HQ 604 chở người, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng đi chốt giữ và xây dựng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Đoạn đường biển từ đảo Đá Lớn đến đảo Gạc Ma, địch cho tàu chiến khiêu khích, lao đến cắt ngang hướng đi của ta... Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh, chỉ huy bộ đội xuống các xuồng, dùng súng bộ binh chiến đấu tự vệ, đồng thời cho băng bó cấp cứu các đồng chí bị thương còn trên tàu. Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu bằng súng AK và B40 chi viện cho anh em trên đảo. Vũ Phi Trừ bị thương nặng và anh dũng hy sinh...".
Khi người dẫn chương trình đọc đến đây, nghẹn giọng, nhiều cựu binh chiến đấu cùng Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ đã rời ghế chạy tới ôm chặt lấy Vũ Xuân Đăng: "Cố lên, cừ lắm con trai!". Dù đã 30 tuổi với gần 10 năm rèn luyện trong quân ngũ, nhưng mắt Đăng cũng nhòe đi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.