Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Bản chất của những vụ việc nổi cộm

Nhóm PV Nội chính| 18/10/2013 06:25

(HNM) - Theo thống kê từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 75% tổng số vụ việc (bình quân của cả nước là 70%).

Riêng với quận Hà Đông, con số này là trên 90%, trong đó có những vụ việc phức tạp, kéo dài, trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương. Điều đó là dễ hiểu bởi đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân. Song đi sâu vào tìm hiểu một số vụ việc thì chuyện không chỉ có vậy…

Vì sao nhiều năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm?

Theo Ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của quận Hà Đông, hiện trên địa bàn quận còn 8 vụ việc có tính chất phức tạp. Trong đó có vụ khiếu nại, kiến nghị của một số công dân phường Kiến Hưng liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ). Cụ thể, trong những nội dung khiếu nại của các ông, bà Nguyễn Thị Cõi, Lê Thị Chưa, Lê Thị Liên, Lê Thị Thái, Nguyễn Đình Nghiêm và một số công dân về việc UBND quận Hà Đông chưa trả quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất tái định cư, đất ở đối với đất 5% giao năm 1960 đã bị thu hồi để thực hiện các dự án được áp dụng theo Quyết định 19/2012/QĐ-UBND ngày 8-8-2012 của UBND thành phố Hà Nội; Việc UBND quận chưa trả quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất dịch vụ (đất ở) cho các hộ có đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP đã bị thu hồi trước ngày 30-9-2009 để thực hiện các dự án…

Trước hết, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc giải quyết các trường hợp khiếu nại, tranh chấp về đất đai phải căn cứ vào pháp luật về đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ về đất đai dẫn đến khiếu nại, tranh chấp. Tại Nghị định 64/CP năm 1993 của Chính phủ, Điều 2 đã quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Tại Nghị định 85/NĐ-CP năm 1999 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 64/CP năm 1993 về quy định việc giao đất nông nghiệp cũng nêu rõ "Các loại đất này gồm cả đất làm kinh tế gia đình trước đây". Theo Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND của UBND TP, đối tượng được áp dụng để xem xét không phải là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ.

Như vậy, theo các quy định trên, đất 5% là đất kinh tế phụ của các hộ gia đình được giao trước đây, được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất này khi Nhà nước thu hồi thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện là loại đất nông nghiệp; đồng thời cũng không có nội dung nào quy định việc giao đất tái định cư, đất ở cho các hộ khi bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp và cũng không đủ điều kiện để vận dụng theo Quyết định 19/2012/QĐ-UBND năm 2012; Điều 21 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP. Việc đề nghị được bồi thường theo giá đất ở và được bố trí tái định cư đối với loại đất này là không có cơ sở, không đúng quy định của pháp luật.

Sau khi thành lập tổ công tác xác minh các nội dung khiếu nại, quận Hà Đông đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức đối thoại để làm rõ các vấn đề công dân khiếu nại, đồng thời ban hành các quyết định, văn bản trả lời theo thẩm quyền. Tuy nhiên, những chuyện tưởng chừng theo quy định của pháp luật đã rõ mười mươi như vậy vẫn không được công dân chấp nhận; tiếp tục có đơn kiến nghị, khiếu nại các quyết định giải quyết của quận gửi lên các cấp cao hơn…

Một vụ việc phức tạp khác kéo dài đã 5 năm nay là các bà Cấn Thị Thêu, Dương Thị Khuê cùng một số công dân phường Dương Nội khiếu nại về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án. Từ trước thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (1-1-2008), Hà Đông đã tổ chức nhiều lần đối thoại với công dân đồng thời đã ban hành những văn bản trả lời cụ thể các kiến nghị. Không thống nhất với cách thức giải quyết của cơ sở, những hộ dân nêu trên tiếp tục khiếu nại lên UBND TP Hà Nội. Tháng 8-2010 Thanh tra thành phố đã có kết luận số 1506/KL-TTTP về nội dung kiến nghị của công dân phường Dương Nội. Tháng 9-2010 UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 313/TB-UBND về kết luận, trả lời phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc thu hồi đất, tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của một số dự án trên địa bàn phường Dương Nội.

Vẫn chưa thỏa mãn với cách giải quyết của TP, các bà Cấn Thị Thêu, Dương Thị Khuê và một số hộ dân tiếp tục gửi đơn đến Thanh tra Chính phủ. Ngày 4-5-2012 Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận 1078/KL-TTCP về những nội dung kiến nghị, khiếu nại của một số công dân phường Dương Nội. Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản 3856/VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với Kết luận thanh tra số 1078/KL-TTCP. Tiếp đó, ngày 31-1-2013, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức rà soát và có biên bản thống nhất với UBND TP Hà Nội chấm dứt thụ lý giải quyết kiến nghị, khiếu nại; UBND TP Hà Nội cũng đã có các thông báo 150/TB-UBND, 151/TB-UBND ngày 16-5-2013 gửi bà Thêu và bà Khuê về nội dung này. Vậy mà thật lạ khi một số hộ dân vẫn tiếp tục kiến nghị, khiếu nại, thậm chí còn yêu cầu hủy biên bản thống nhất phương án giải quyết vụ việc giữa UBND thành phố và Thanh tra Chính phủ; hủy Thông báo 150/TB-UBND, 151/TB-UBND của UBND thành phố…

Quyền lợi của người dân phải phù hợp chính sách

Phải nhìn nhận, trong một số vụ việc người dân có kiến nghị hoặc khiếu nại, quy trình giải quyết, thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật tại cơ sở của một số cán bộ cũng bộc lộ những thiếu sót nhất định. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung của quận Hà Đông, những thiếu sót của đội ngũ cán bộ cơ sở đã được khắc phục kịp thời, không có việc tiêu cực, nhũng nhiễu người dân hoặc cố tình làm trái nguyên tắc để vụ lợi, quyền lợi của người dân bị thu hồi đất vẫn được bảo đảm theo đúng chính sách. Theo cung cấp của ông Mai Chương Văn, Chánh thanh tra quận Hà Đông, tính tới thời điểm này, Dự án điểm công nghiệp mở rộng làng nghề Đa Sỹ trên địa bàn phường Kiến Hưng có gần 97% số trường hợp bị thu hồi đất đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước; tại phường Dương Nội có trên 93% các hộ dân đã nhận tiền BTHT và tiền dôi dư chênh lệch diện tích tăng giảm các dự án…

Trong cuộc họp mới đây về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TP Hà Nội, lãnh đạo TP khẳng định, các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đặc biệt của Thủ đô nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội không thể tách rời công tác này. Vì vậy, cùng với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cần coi trọng thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người dân phù hợp với cơ chế chính sách, bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, cố tình xúi giục, kích động người dân vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự địa bàn. Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy phường Dương Nội Lê Khánh Đồng dẫn chứng: Qua xác minh, chúng tôi phát hiện trong đơn kiến nghị, khiếu nại của người dân, có những người bị ký khống, thậm chí danh sách có cả những người đã chết đứng tên… Rồi còn những đòi hỏi không đúng chính sách, như khi thu hồi đất nông nghiệp Nhà nước phải đền bù cho người dân 60% tổng diện tích đất bị thu hồi… Đó là kiến nghị, đòi hỏi không thể giải quyết được, phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Bản chất của những vụ việc nổi cộm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.