Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Ai là chủ đích thực?

Đức Trường| 01/03/2011 06:40

(HNM) - Thực tế cho thấy, nhiều người dân nội thành phải chen chúc cả chục hộ trong một căn biệt thự cổ hoặc vài ba hộ ở trong một căn nhà chung cư. Nhiều hộ mong mỏi có nhà ở từ lâu nhưng vì nhiều nguyên nhân họ không thể biến ước mơ thành hiện thực. Bao người cần mà không có chỗ ở riêng trong khi vô số nhà bỏ hoang, cái sự trớ trêu ấy quả là trớ trêu.

Nhà ở, ước mơ xa vời của nhiều người

Ông Nguyễn Bình, trước ở 74 Bát Sứ (Hoàn Kiếm) kể lại, mới hai năm trước cả nhà ông 5 người gồm hai vợ chồng, hai đứa con và một mẹ già phải sống trong diện tích có 20m2. Đó là trên giấy tờ, chứ kỳ thực, vì phải để lối lên cho hộ ở tầng 2 nên diện tích sinh hoạt của cả nhà chỉ gói trong 16m2 mà thôi. Mỗi khi có giỗ chạp, họ hàng đến đông là phải ngồi ra vỉa hè, nếu không thì mâm ăn trước, mâm ăn sau. Đã có lúc ông phải đi thuê nhà vì hai đứa con đã lớn cả rồi. Nhiều đêm nằm mong có một căn hộ chung cư mà "lực bất tòng tâm". Ngày đó, để có thêm diện tích ở, ông đã phải làm thêm cái gác xép vừa lấy chỗ thờ cúng, vừa là chỗ ngủ của mẹ già. Còn lại 4 người phải ăn ngủ ở dưới.

Nhiều ngôi biệt thự liền kề tại khu đô thị Văn Quán quận Hà Đông đã có chủ nhưng không sử dụng từ nhiều năm nay. Ảnh: Thái Hiền

Nhà ông Bình chỉ là một trong số hàng vạn hộ dân có hộ khẩu ở Hà Nội lâu năm nhưng lại thiếu chỗ ở cho ra hồn. Có người gợi ý bán chỗ đang ở đi để mua một căn hộ chung cư ở bên Việt Hưng hay ở mạn Cầu Giấy để ở cho sướng, ông Bình cười bảo: "Nhà có phải của tôi đâu. Nhà của bố mẹ tôi chứ! Cụ còn sống đó, ai dám bán". Vốn là công nhân Công ty cổ phần Cồn, rượu Hà Nội, lương mỗi tháng của ông không phải loại xoàng nhưng cũng chỉ đủ cho con cái đi học và chi tiêu trong gia đình. Một căn nhà chung cư bình thường vẫn là ước mơ ngoài tầm với. Rồi ông nói thêm: "Cứ giả sử bán được nhà để mua chung cư ở cho rộng rãi nhưng chuyện không đơn giản thế! Trẻ con học hành, mẹ già ngại di chuyển và cũng muốn sống gần hàng xóm. Lại còn chợ búa nữa chứ. Ở đây chỉ bước ra khỏi cửa nhà là cái gì cũng có". Vậy là ý định chuyển sang chung cư bị dẹp.

May mắn, nhà ông Bình lại được Nhà nước đổi nhà sang bên 40 Hàng Trống. Rộng hơn một tí mà lại có nóc. Ông chạy vạy vay mượn bạn bè để xây nhà lên. Và ý tưởng chuyển ra ngoài ở mất hẳn vì giờ nhà tuy chật chội nhưng vẫn đủ chỗ sinh hoạt. Nhà ông Bình là một trong số ít trường hợp được chuyển nhà vì vốn là gia đình có công với cách mạng. Còn lại hầu hết các gia đình khác vẫn phải bám vào chỗ ở chật hẹp của mình, vừa vì thói quen sống, vừa vì để buôn bán, kiếm tiền nuôi gia đình. Khi được hỏi: "Ông có bức xúc về chuyện nhiều căn biệt thự bỏ hoang nằm không ở các khu đô thị không?", ông Bình trả lời: "Mới thoáng nghe thì cũng thấy sôi ruột đấy nhưng nghĩ kỹ thì thấy họ thừa tiền, thừa của thì họ để không đó cũng chả ai làm gì được họ". "Có luật pháp nào cấm tôi mua nhà hoặc đất rồi để không đâu?", ông Bình hỏi ngược lại.

Biệt thự - của để dành của "đại gia"

Trở lại câu chuyện những biệt thự mới xây đã bỏ hoang. Trong quá trình tìm hiểu về những biệt thự để không, chúng tôi luôn gặp những "bức tường". Trong vai người đi tìm mua biệt thự, khi hỏi về chủ nhân của biệt thự này, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc cười mỉm. Cùng lắm là những thông tin đại loại ông chủ làm ở bộ này, bà chủ làm ở văn phòng kia, chủ nhà này ở tỉnh khác về mua giờ cần bán, hoặc đại gia kinh doanh thừa tiền nên găm hàng, hay là vừa "thoát" chứng khoán, mua nhà để giữ vốn… Rất khó để biết được ai là chủ đích thực vì có tra theo sổ gốc thì những biệt thự này cũng đã được sang tay nhiều người rồi.

Nhiều người mua biệt thự rồi thuê người trông nhà chứ không dọn đến ở. Khu Ciputra được biết đến là một trong những khu đô thị đẹp và hiện đại nhất Hà Nội, nằm ở trung tâm quận Tây Hồ, gần đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Trong khu này, thoạt nhìn tưởng không có biệt thự bỏ không, nhưng thực tế vẫn có những căn được dùng làm nơi "dã ngoại" của gia đình, bạn bè gia chủ. Tối 13-2, trước ngày Valentine, một đoàn xe hơi hạng sang, xe máy xịn kéo nhau vào một biệt thự lúc đầu chỉ có ánh đèn hắt ra từ phòng dưới tầng 1 của người giữ nhà. Sau khi có người ra mở cửa, lũ trẻ ùa vào bật đèn sáng trưng, mở nhạc rồi cùng nhau liên hoan. Đến hơn 22h, lũ trẻ ào đi, để lại căn biệt thự lộng lẫy cho người giúp việc.

Anh Vũ Đặng Quang Tùng, ở nhà G2 Ciputra cho biết: "Khu này làm gì có nhà nào để không. Một biệt thự ở đây rộng 250m2, bán nhanh cũng được 30 tỷ đồng, cho thuê cỡ 2.000 đô la Mỹ mỗi tháng. Chả ai dại để không như biệt thự ở những khu ven đô". Anh Quang Tùng là giám đốc một công ty nhưng cũng chưa mua nổi biệt thự. Khi nghe hỏi: "Nếu có biệt thự, anh sẽ dùng vào việc gì", anh trả lời nhanh gọn: "Cho thuê thôi".

Tại khu đô thị mới Văn Quán (quận Hà Đông) - dự án kinh doanh bất động sản đầu tiên của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Xây dựng) đang có nhiều nhà liền kề và biệt thự bỏ hoang. Có nhiều khu nhà biệt thự như ở Mỹ Đình, Trung Yên, Trung Hòa, Văn Quán, Mễ Trì, Xuân La, Việt Hưng và đặc biệt là những khu nằm dọc các tuyến đường vừa mới mở rộng khang trang, đẹp đẽ… có những căn biệt thự đã bỏ hoang từ cách đây 6-8 năm. Nhiều căn đã được xây dựng từ năm 2003, dù đã trải qua 2-3 lần "sốt" đất nhưng chủ nhà vẫn chưa chịu "nhượng" cho người khác có nhu cầu ở thực sự. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15-20km, tình trạng nhà hoang còn "nhức mắt" hơn, có thể gặp cả một "khu đô thị hoang" (với hàng trăm ngôi biệt thự chỉ có khung nhà trần trụi, xung quanh cỏ mọc, rêu mờ) như khu đô thị Quang Minh (ven đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài), khu đô thị mới Tiên Sơn (ven quốc lộ 1A mới đi Lạng Sơn), khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp…

Theo phản ánh của người dân, tình trạng bỏ hoang biệt thự trong các khu đô thị không phải là mới mà đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Một số nhà đầu tư bất động sản cho rằng, có những trường hợp bỏ hoang là do nhà đầu tư đưa hàng ra đúng thời điểm thị trường bất động sản ảm đạm nên họ găm hàng lại chờ giá lên. Những ông chủ biệt thự, cho dù là biệt thự ở Việt Hưng, Mỹ Đình hay Ciputra hẳn là những "đại gia". Chỉ cần cứ để biệt thự đó, họ cũng đã có lãi cao và đó là giải pháp được nhiều người chọn, chứ không phải cho thuê hoặc bán nhà.

Thực tế rất nhiều người đang trong tình cảnh khó khăn về chỗ ở, trong khi đó nhiều người lại để nhà không. Câu hỏi được đặt ra là: Có cách nào để giảm thiểu tình trạng biệt thự bỏ hoang?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Ai là chủ đích thực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.