Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 11: Những ngày tất bật

Nguyên An| 23/09/2011 06:45

(HNM) - Vụt cái, mới hôm nào Hội truyền thống tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển khu vực TP Hồ Chí Minh và lân cận gặp mặt nhân 49 năm ngày mở đường (23-10-2010) tại nhà hàng Đồi Xanh nay đã lại cận kề năm kỷ niệm chẵn.

Ông Thơm vóc người nhỏ thó nhưng chắc như gạch. Thoạt nhìn, hẳn ít ai nghĩ ông già nhanh nhẹn đã 72 tuổi. Ngồi nhẩn nha, ông kể, cũng may, về "đối nội", các chi hội "luôn đầy đủ về số lượng, chất lượng được nâng cao và sinh hoạt đều đặn". Mới rồi, hội đã in hình tàu không số do hải quân Mỹ chụp lần thứ ba, tổng cộng 50 ảnh, phát cho anh em chưa có. Nhưng phấn khởi nhất là phim tài liệu Về lại bến Vàm Lũng sau khi phát trên HTV9 được nhiều khán giả yêu thích, bắt "nhà đài" chiếu đi chiếu lại gần chục lần. Rồi buổi giao lưu tác giả - nhân chứng - độc giả nhân cuốn sách Ký ức tàu không số ra mắt tại hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ VI ăm ắp người.

Chẳng có điều gì bị lãng quên. Ông Thơm bảo, anh em trong hội ai nấy cũng được ấm lòng.

Ông Thơm quê ở xã Tân Tiến, Đầm Dơi, Cà Mau. 21 tuổi ông nhập ngũ, phiên chế đơn vị cơ động thuộc địa phương quân huyện Ngọc Hiển (nay là Đầm Dơi). Chống lại các cuộc càn quét của giặc, ông và đồng đội chỉ có trong tay súng kíp tự làm từ ống sắt xe đạp, mìn tự tạo, chông… "Vũ khí tối tân" thì cả đơn vị có… một số lựu đạn chiến lợi phẩm với hai khẩu súng trường. Đối đầu với súng ống, trang bị tận răng của địch mà anh em… thèm. Ấy thế nhưng lần đụng độ nào, ta cũng máu lửa. Tháng 6-1962, ông Thơm được rút về đơn vị 962 thành lập ở bến Cà Mau. Ban đầu, ông không hề hay biết gì về đặc điểm, nhiệm vụ ở đơn vị mới. Anh em đến từ nhiều nơi như Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Cái Nước, Năm Căn, U Minh… cũng vậy. Mỗi huyện vài người, cả thảy hai chục. Anh em được học tập, được huấn luyện và sau đó được giao nhiệm vụ chuẩn bị ghe, lắp máy, ngụy trang, hợp pháp hóa giấy tờ trong lòng địch. Nhiệm vụ trên giao, ông Thơm may mắn là một trong những người đầu tiên đón chiếc tàu Phương Đông 1 chở vũ khí từ miền Bắc vào cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.

- Đấy là đầu tháng 10-1962. Đơn vị tôi nhận lệnh chuẩn bị ghe thuyền đón tàu. Ai nấy đều phấn khởi, tất bật và phấp phỏng chờ đợi. 20 người chia 5 tốp, đón ở 5 cửa: Rạch Già, hố Ruồi, Kiến Vàng, Rạch Gốc, Bồ Đề… Tất cả lên đường trước 10 ngày. Chúng tôi đêm thả lưới giả đánh cá, ngày thu vô rừng ẩn nấp. Không ai dám ngủ, mà cũng không ngủ được. Bốn người gồm tôi, Nguyễn Văn Lưới (tức Tư Trầm), Nguyễn Văn Thuận và anh Dũng, người Miên, thay nhau trực. Mắt mọi người căng ra chờ đợi những tín hiệu đầu tiên. Mười ngày trôi qua, đúng hôm 16-10-1962, rạng sáng chúng tôi phát hiện một chiếc tàu thấp thoáng phía xa ngoài bến Vàm Lũng. Tư Lưới ra lệnh treo cờ, đánh tín hiệu. Tôi lấy chiếc đèn pin bịt giấy đỏ, đánh ba tia dài. Con tàu ngoài kia vẫn lừ đừ trên biển, cả bốn người đều thấy ngộp thở rồi có hai chớp đèn nháy dài đáp lại. Đúng tàu ta rồi! Chúng tôi ôm lấy nhau mừng.

Phương Đông 1 có 13 người, thuyền trưởng Lê Văn Một, chính trị viên Bông Văn Dĩa, Năm Kỷ, Sáu Lai… Chúng tôi đưa tàu về bến rồi suốt đêm hối hả ghe thuyền chuyển những thùng vũ khí còn thơm mùi sơn đưa đi cất giấu.

Giữa nhẩn nha câu chuyện của ông Thơm, bà nhà - vốn là dược sĩ ông gặp khi nằm điều trị tại Hải Phòng sau này mà bén duyên - vừa nựng cháu vừa cẩn thận rót nước cho khách, lại bảo: - Ông ấy gặp anh là trúng người, có thể chuyện cả ngày. Ông Thơm cười, nụ cười rất hồn hậu khác hẳn với vẻ ngoài nhà binh rõ cứng. Ở tuổi như ông, tôi tin người ta hay níu vào quá khứ, nhất là một quá khứ hào hùng đến như thế. Đấy cũng là một niềm vui nho nhỏ, trong những ngày này.

Mười ngày sau, ông Thơm đón tiếp Phương Đông 2 rồi Phương Đông 3 mười ngày sau nữa. Tất cả được đưa về bến Vàm Lũng. Liền đó, gió mùa đông bắc về, các tàu không ra được phải ở lại ngóng gió tây nam (khoảng tháng 4-1963). Nhưng ra tháng 1, địch đã phát hiện, truy lùng. - Bấy giờ, vũ khí đã có, còn sợ chi. Chúng tôi tổ chức đánh trả, cầm vũ khí mới, hăng lắm, bắn chìm 22 tàu chiến của địch. Sau đó, cả 20 người ra Bắc, gia nhập Đoàn 759, tiền thân Đơn vị 125 sau này - Ông Thơm kể.

Nhà ông Thơm nằm trong một cái ngõ to ở phố Đoàn Nhữ Hài, đối diện tòa án nhân dân Q. 4. Một nửa mặt tiền nhà, khá to, ông cho một văn phòng luật thuê. Rồi trong nhà, lích kích hình như có cả sinh viên vào ra. Hồi ông về hưu, quân hàm thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7. Lương hưu, một phần nhà cho thuê, chắc cũng khá dư dả. Mà có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên là ông Thơm và một vài người đồng đội của ông tôi gặp đều lập gia đình, có con khá muộn. Người con trai lớn ông Thơm sinh năm 1972, kế là hai cô con gái. Thực ra, chiến tranh, nhiệm vụ của người lính khiến ông cũng như đồng đội, như bao người lính khác nữa nào có thời gian nghĩ riêng nghĩ tư. Thời ấy, Tổ quốc là trên hết, nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ giao phó là trên hết. Đối với họ, đấy còn là vinh dự, là niềm tự hào. Giờ thì, ngoài công tác hội, ông Thơm còn tham gia cả công tác Đảng ở địa phương.

Ra Bắc, sau khi được huấn luyện thêm 3 tháng, ông Thơm được phiên chế trên tàu số 5 trong số 10 tàu sắt mới, tải trọng 50-100 tấn, chở vũ khí vào Nam. Ông Thơm vóc người nhỏ nhưng không coi sóng ra mùi gì. Ngày 7-7-1963, ông đi chuyến đầu tiên vào Bến Tre. Đến tháng 9-1964, ông đã đi được 7 chuyến thắng lợi.

Trước Tết Mậu Thân, ông Thơm, lúc này là thuyền phó hỏa lực tàu 43 được lệnh đúng giao thừa phải cập bến Mỹ Á, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Con tàu chở gần 40 tấn vũ khí chi viện cho khu V. Còn cách bờ khoảng một hải lý thì địch phát hiện. 43 lọt vào thiên la địa võng: tàu khu trục Mỹ ở ngoài, tàu hộ vệ và sát 43 là tàu cao tốc, trên thì máy bay địch thả pháo sáng, biển rõ như ban ngày. Tất cả vũ khí trên tàu 43 lúc này đã được dỡ khỏi lớp vỏ ngụy trang, DKZ, 12,7 ly, 82 ly nhất loạt khai hỏa. Một trực thăng trúng đạn bổ xuống biển, một bị bắn trúng phải tấp vào bờ, một tàu chiến địch bốc cháy nhưng hỏa lực vẫn châu cả vào con tàu không số. Anh em lần lượt bị thương, Vũ Xuân Ruệ dính đạn khi cầm lái, anh Kiểm trúng đạn chìm mé tàu, y tá tàu Võ Nho Tòng kiêm pháo thủ hy sinh ngay trên bong… Vòng vây mỗi lúc siết lại gần. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng phân công chính trị viên Trần Ngọc Tuấn đưa thương binh, tử sĩ vào bờ, thuyền phó Đức, Thơm hủy tài liệu. Sau đó, thuyền trưởng Thắng cùng thuyền phó Thơm, máy trưởng Tài, thủy thủ trưởng Kiểm ở lại cho nổ bộc phá để hủy tàu.

- Bây giờ, đã 43 năm trôi qua. Không phải có độ lùi nhất định mà mình thấy giờ phút sinh tử ấy sao mà gấp gáp và bình thản. Gấp gáp vì thời gian hối thúc, bình thản vì không ai có thời giờ... nghĩ đến cái chết. Hồi đó, nhất là quãng năm 1968, tinh thần quyết liệt lắm. Mỗi lần anh em lên đường đều được làm lễ truy điệu. Chuyến đó cũng vậy. Ai cũng nghĩ phải đánh địch mà đi, mở đường mà tiến - Giọng ông Thơm hào sảng.

Trong lúc chiến đấu, ông Thơm bị thương lúc nào mà không hề hay biết. Điểm hỏa xong, anh em cùng nhảy xuống biển bơi vào bờ, vết thương lúc này mới thấm. Huỳnh Ngọc Hoa không bơi giỏi, lại bị thương, tụt lại. Vốn ông Hoa khi vào hải quân còn chưa biết bơi, sau này cũng vẫn… kém. Ông Thơm lột áo phao của mình nhường cho đồng đội. Chỉ lúc sau thì đuối sức, ông phải cởi quần áo cho đỡ nặng, rải áo bó lại làm phao… Mấy lần ngộp lên ngộp xuống cho đến khi một con sóng ập đến hất ông lên bờ cát. Từ đây, ông được đồng bào đùm bọc, che chở và đưa lên rừng Ba Tơ, sống những ngày đầm ấm, thắm đượm nghĩa tình ở trạm xá Đặng Thùy Trâm. Sau đó ông hành quân vượt Trường Sơn ra Bắc.

Hôm 16-7 vừa rồi, ông Thơm cùng đồng đội trở lại thôn Huy Thiện, thả hoa chỗ tàu vô, nơi mà ba người đồng đội của ông đã ngã xuống. Quảng Ngãi có 4 tàu vào không được, 7 người hy sinh. Ông Thơm tính đề nghị xây bia tưởng niệm tại khu vực này. Đây cũng là lần đầu tiên ông được đến bệnh xá Đặng Thùy Trâm, định đến thăm khu tưởng niệm chị nhưng công trình vẫn còn dang dở. Sau ông hai hôm, chúng tôi cũng tìm đến, thấy thợ thuyền cắm trại ở đó bảo: - Muốn sang phải đi đò. Giữa mênh mông nước, chúng tôi đành đứng từ xa mà khấn chị.

Giờ, 7 trong số 14 người đi trên con tàu 43 đã khuất. Tại khu vực mình "phụ trách", ông Thơm phân công anh em những ngày lễ, Tết đi viếng đồng chí đã qua đời. Ban liên lạc cũng đề nghị kịp thời xây được ba căn nhà tình nghĩa cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn và đang đi tìm hai gia đình liệt sĩ Đoàn Văn Dĩ (tàu 69), Nguyễn Văn Thông (tàu 165). Hồi kỷ niệm năm ngoái, anh em lặn lội đi dự lễ cầu siêu, đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển tại cồn Thạnh Hải, Thạnh Phú, Bến Tre.

Năm mươi năm kỷ niệm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển đã kề cận. Ông Trưởng ban liên lạc TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận kiêm Phó Chủ tịch Hội truyền thống trăn trở với những đồng đội còn chưa được ghi nhận xứng đáng. Những dang dở cứ khiến ông lợn cợn… Ông đọc, giọng dứt khoát: Yêu mến hải quân, biển đảo, tàu/ Nghĩa tình đồng đội mãi bên nhau/ Sống lâu, vui khỏe ngoài trăm tuổi/ Công đức lưu truyền thế hệ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 11: Những ngày tất bật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.