(HNM) - 20 năm sau ngày Hà Nội được trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, ngành Y tế Thủ đô luôn tự hào về sự phát triển không ngừng, đạt nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đến nay, các bệnh viện của Hà Nội đã thực hiện được hầu hết kỹ thuật cao mà trước đây chỉ có thể tiến hành ở bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh viện tuyến dưới, trạm y tế cũng “thay da, đổi thịt”, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến y tế.
Nhiều điểm sáng...
Nhà cách Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chỉ ít phút đạp xe nên với bà Nguyễn Thị Nhung (60 tuổi ở tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên), bệnh viện này là lựa chọn số một của gia đình bà mỗi khi có người nhà đau ốm. Từ năm 2016 đến nay, bệnh viện được xây mới với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, sạch đẹp, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, thủ tục rút gọn. Thay vì phải xếp hàng lấy số thứ tự như trước đây, người bệnh chỉ mất 3 giây để quẹt thẻ từ là có số khám bệnh, sau đó được nhân viên hướng dẫn lên phòng khám gặp bác sĩ…
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, bệnh viện là đơn vị y tế đầu tiên của Hà Nội áp dụng thẻ từ thông minh. Chiếc thẻ này không chỉ giúp lấy số thứ tự khám bệnh mà còn lưu trữ toàn bộ thông tin và hồ sơ, bệnh sử, giúp người dân chủ động tra cứu thông tin về sức khỏe của mình trên hệ thống. Thậm chí, những người có thẻ còn có thể đăng ký khám tại nhà thông qua tổng đài 19006888. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, cách đây 8 năm, sau khi được xếp hạng I, bệnh viện đã không ngừng nâng cao chất lượng. Hằng năm, bệnh viện đều cử cán bộ đi học nâng cao tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện trung ương Quân đội 108…, và phối hợp với các chuyên gia hàng đầu thế giới để triển khai nhiều kỹ thuật mới. Sắp tới, bệnh viện còn trang bị cả hệ thống phẫu thuật bằng robot hiện đại để xử lý những ca bệnh khó thay vì phải chuyển lên tuyến trung ương.
Tương tự, từ một bệnh viện hạng III, nay Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã vươn lên thành bệnh viện hạng I, với cơ ngơi khang trang, thiết bị y tế hiện đại. Theo ông Bùi Vinh Quang, Giám đốc bệnh viện, với nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại được đầu tư bài bản và khép kín, bệnh viện đã vươn lên làm chủ nhiều kỹ thuật cao. Giờ đây, bệnh viện không chỉ phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân Thủ đô mà còn được Bộ Y tế giao tiếp nhận, khám và điều trị cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung như một bệnh viện tuyến cuối về điều trị ung thư.
Thêm một bước tiến của ngành Y tế Thủ đô trong thời gian qua, đó là việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đạt tiêu chuẩn châu Âu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn từ cuối năm 2016. Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã phẫu thuật thành công rất nhiều ca bệnh nặng, hiếm gặp, bệnh nan y... Số lượng bệnh nhân thực hiện phẫu thuật tăng rõ rệt, từ 14 bệnh nhân đến hơn 280 bệnh nhân/tháng. Không chỉ vậy, trung tâm còn là nơi đào tạo nguồn bác sĩ chuyên sâu cho ngành Y tế Thủ đô.
Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh
Không chỉ tuyến thành phố, ngay cả với bệnh viện tuyến huyện cũng đã có nhiều sự đổi thay đáng kể. Ông Tạ Ngọc Linh (ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) được các bác sĩ Khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, đặt lưới, tái tạo thành bụng. Nếu như 20 năm trước, những bệnh nhân như ông Linh sẽ phải chuyển lên tuyến trên điều trị, thì nay câu chuyện đã khác.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến có nguyên nhân chủ yếu là trình độ đội ngũ cán bộ y tế còn chênh lệch. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô không chỉ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn thực hiện hiệu quả việc cử người hành nghề đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật. Hiện nay, 100% bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, u nang buồng trứng... Ngoài ra, còn phát triển kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: Sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu... Chính vì nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được các kỹ thuật cao, giúp người dân tin tưởng, lựa chọn chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương.
Để công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân hiệu quả, vài năm gần đây, thành phố đã đầu tư xây mới 29 trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là trạm y tế), nâng cấp sửa chữa 35 trạm y tế. Như Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), cách đây 20 năm chỉ có 4 phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi khám, chữa bệnh, nhưng đến nay, trạm đã có một cơ ngơi khang trang với 23 phòng chức năng, được trang bị đầy đủ thiết bị như: Máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, đường huyết... Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trạm y tế là cơ sở y tế gần dân nhất, có thể phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những bệnh đơn giản. Để hệ thống trạm y tế phục vụ người bệnh tốt hơn, Sở Y tế đã xây dựng mô hình trạm y tế điểm, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với sự trợ giúp về chuyên môn của các bác sĩ tuyến thành phố và trung ương. Nhờ đó, nhiều đơn vị đã chuyển mình mạnh mẽ...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, thời gian qua, tất cả những nỗ lực của ngành là để hướng tới mục tiêu “tất cả vì bệnh nhân”. Nhờ đó, ngành Y tế Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc. Tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân tăng từ 11,7 lên 13,3 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân tăng từ 17 lên 24,5 giường bệnh/1 vạn dân...
“Những đổi thay trên đây rất cần, nhưng chưa đủ, mà quan trọng là y đức người thầy thuốc. Người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng trình độ, năng lực chuyên môn, mà bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với người bệnh” - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.