(HNM) - Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, mỗi ngày trên cả nước có khoảng 30 người chết và hàng trăm người bị thương. Theo các bác sĩ, công tác sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng ...
Theo Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quốc Huy, Chủ nhiệm bộ môn hồi sức cấp cứu, chống độc (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh), Phó Giám đốc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, trong 100 nạn nhân tử vong do TNGT thì có khoảng 30% sẽ giành lại được sự sống nếu được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách. "Dù bác sĩ có giỏi đến đâu, trang thiết bị y tế hiện đại đến đâu cũng không thể thiếu công tác sơ cấp cứu ban đầu mà điều này phụ thuộc hoàn toàn vào những người trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn", ông nói.
Nếu được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách thì người bị TNGT có cơ hội sống rất cao.
Vậy mà, công việc quan trọng ấy hầu như chỉ "dựa" vào người dân, những người không có chuyên môn và phương tiện cấp cứu là một thực trạng đau lòng đang diễn ra ở tất cả các địa phương trên cả nước. Ông Huỳnh Ngọc Hùng, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, tỉnh cửa ngõ của ĐBSCL và cũng là một trong những "điểm nóng" TNGT cũng thừa nhận thực trạng đau lòng này. Còn ở tỉnh Tiền Giang, theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh thì để giải quyết vấn đề này, địa phương đã kiến nghị Ban ATGT quốc gia và Bộ Y tế đầu tư thêm phương tiện cho các trạm y tế xã dọc quốc lộ 1A. Theo ông Vũ, các trạm y tế đã có sẵn nhân viên có kiến thức sơ cấp cứu, mặt khác các trạm này nằm ven quốc lộ nên có thể hỗ trợ sơ cấp cứu kịp thời khi TNGT xảy ra. Thế nhưng kiến nghị này vẫn chưa có kết quả.
Vậy là điều không đáng có đã xảy ra với người bị TNGT, thậm chí là tử vong do người tham gia sơ cấp cứu là người không có kiến thức về sơ cấp cứu. Đơn cử, khi nạn nhân gặp tai nạn, bị chảy máu nhiều thì người dân lại không băng bó vết thương, để chảy máu kéo dài, vậy nên nhiều bệnh nhân chỉ bị tai nạn ở mức độ trung bình, nhưng do đi đường xa mất nhiều máu, bị choáng ngất và có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt với bệnh nhân chấn thương sọ não, cần phải tranh thủ "thời gian vàng", tới bệnh viện càng sớm càng tốt, nhưng nhiều người khi thấy bệnh nhân bị ngất thì lại xoa bóp dầu mà không để ý tới vấn đề quan trọng nhất là phải làm cho bệnh nhân thở được. Nếu bệnh nhân ngưng thở trong vòng 3 phút sẽ làm chết não và quá 5 phút có thể chết tim.
Việc cấp cứu không kịp thời để lại di chứng nặng nề ám ảnh đến mức, câu chuyện cách đây gần 10 năm bác sĩ Huy vẫn nhớ rõ. Khi đó, bệnh nhân Nguyễn Việt Nam (21 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) bị TNGT chấn thương sọ não, chấn thương đốt sống cổ. Mặc dù đã cứu được mạng sống, nhưng bệnh nhân bị liệt tứ chi, vĩnh viễn quãng đời còn lại phải sống bằng máy thở. Điều đau lòng là bệnh nhân đã có thể không phải sống cuộc đời "thực vật" như vậy nếu công tác sơ cấp cứu ban đầu được tiến hành đúng cách. Di chứng để lại do khi xảy ra tai nạn, bệnh nhân được người dân chở đi bằng xe gắn máy tới bệnh viện, trong lúc vận chuyển thì tư thế cổ và đầu không được giữ chặt và luôn bị ngoẹo đầu, lệch cổ, trong khi sơ cấp cứu đúng cách là phải dùng băng ca cứng, cố định cổ tạm thời rồi mới đưa bệnh nhân đi viện...
Rợn người những con số...
TNGT cứ diễn ra hàng ngày hàng giờ. Hành trình của chúng tôi tiếp tục ở địa phận TP Hồ Chí Minh, nơi tuyến quốc lộ 1A chạy qua hơn 20km, bắt đầu từ ngã ba Thủ Đức (ngã ba trạm 2, quận Thủ Đức) đến ngã ba An Lạc (quận Bình Tân). Đây là tuyến huyết mạch của các cửa ngõ TP, nối liền các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ và các tỉnh phía Bắc với hàng chục nghìn phương tiện ô tô, xe máy ùn ùn qua lại mỗi ngày nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. 10 tháng đầu năm, theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP thì dù TNGT có giảm nhưng trên địa bàn TP vẫn xảy ra 679 vụ TNGT, làm 597 người chết và 262 người bị thương (giảm 18% số vụ, hơn 16% số người chết và 33% số người bị thương). Điều đáng lo ngại là trong tháng 10 thì TNGT lại tăng đột biến khi xảy ra đến 124 vụ TNGT, làm chết 109 người và bị thương 42 người (tăng 57 vụ, 49 người chết, 18 người bị thương so với tháng 9).
Hành trình tiếp tục về ĐBSCL, dù số liệu của Ban ATGT tỉnh Long An cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2012 tai nạn ở tỉnh này đã giảm rất nhiều trên cả 3 mặt: số vụ giảm gần 56%; số người chết giảm 31%; số người bị thương giảm hơn 62%. Tuy con số giảm rất lớn, khoảng 1/2 nhưng những con số còn lại vẫn tạo ra được cảm giác rợn người vì chỉ trong 10 tháng TNGT đã cướp của tỉnh này 213 mạng người và làm bị thương 693 người. Tỉnh Tiền Giang trong 10 tháng đầu năm cũng giảm được 21% số vụ, 21% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ, thế nhưng số người chết vẫn lên đến 205 người và số người bị thương là 116 người. Dù chỉ có 74km quốc lộ 1A đi qua nhưng TNGT trên cung đường này chiếm gần 50% số vụ TNGT của địa phương.
Nỗi đau người sống
Nỗi đau của những người bị thương tật do TNGT đã là khốn cùng, nhưng nỗi đau của người vĩnh viễn mất người thân thì không gì bù đắp nổi.
"Tai nạn giao thông không chừa một ai", thẫn thờ nhìn thân thể băng bó của mình, anh Lưu Bảo Khoa (53 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) ngậm ngùi trên giường bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Anh Khoa bị một chiếc xe đi ngược chiều đâm vào. Câu chuyện chúng tôi với anh chợt ngưng lại khi chứng kiến chị Nguyễn Thị Bé (36 tuổi, ở Cai Lậy, Tiền Giang) thất thần mang tô cháo vào cho chồng nằm viện do TNGT đã hai tuần. Chị Bé nghẹn lời "Tôi đã vay tứ tung được 20 triệu để thuốc thang cho anh ấy. Hiện tại anh ấy đã qua cơn nguy kịch nhưng không biết sau này còn làm việc được không. Anh ấy là lao động chính trong nhà...!".
Nước mắt người phụ nữ khắc khổ khiến chúng tôi chùng xuống. Có rất nhiều nỗi đau người sống như vậy. Như trường hợp chị Phan Thị Lý (39 tuổi, ngụ 21/8 ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) đã vĩnh viễn ra đi khi bị xe ô tô tông trực diện, để lại cha mẹ đã già yếu không ai chăm sóc. Thương tâm hơn là gia đình anh Lê Minh Tiền (37 tuổi, ngụ 13/23 đường số 10, khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), đã tử vong sau TNGT vào ngày 15-10 khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường Ngô Chí Quốc (quận Thủ Đức), bỏ lại người cha già và đứa con nhỏ 9 tuổi sống bơ vơ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.