Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Xứng đáng là biểu trưng Hà Nội

Đức Huy| 30/10/2012 09:26

LTS - Hai ngày qua, đã có một số ý kiến bàn về biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Bên nhiều ý kiến đồng tình còn có sự băn khoăn về việc chọn hình ảnh Khuê Văn Các (công trình kiến trúc quan trọng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng Văn Miếu - Quốc Tử Giám) làm biểu tượng của Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt vấn đề sao không chọn hình ảnh Tháp Rùa hay chùa Một Cột vốn được nhiều người nước ngoài biết tới.


Chọn hình ảnh biểu tượng và thiết kế biểu trưng cho một đô thị - Thủ đô quan trọng như Hà Nội là một việc lớn, cần phải cân nhắc nhiều yếu tố mang tính đặc trưng của phần việc này. Nhân dịp này, Hànộimới xin giới thiệu với bạn đọc về quá trình xét chọn mẫu biểu trưng của Thủ đô Hà Nội kể từ năm 1997 và ý kiến của nhà quản lý văn hóa, các học giả và nghệ sĩ về Khuê Văn Các với ý nghĩa biểu tượng của Thủ đô. 

Hình ảnh Khuê Văn Các đã được chọn làm biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm


Cách đây 15 năm, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng Thủ đô Hà Nội dành cho công dân toàn quốc và kiều bào ở nước ngoài. Trong suốt hai năm sau đó, Hội đồng nghệ thuật xét chọn mẫu biểu trưng gồm nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa uy tín của trung ương và Hà Nội đã xem xét hàng trăm tác phẩm được gửi tới từ khắp mọi miền đất nước trước khi đi tới kiến nghị chọn Khuê Văn Các là biểu trưng chính thức của Thủ đô Hà Nội.

Năm 1997, thời điểm Hà Nội chuẩn bị bước vào chặng nước rút 10 năm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự cần có một biểu trưng chính thức của Thủ đô ngàn năm văn hiến trở thành yêu cầu cấp thiết. Ngày 28-5-1997, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2047/QĐ-UB về việc tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng Thủ đô Hà Nội. Yêu cầu đặt ra là mẫu biểu trưng Hà Nội cần phải thể hiện tính chất, đặc điểm của Hà Nội, một Thủ đô ngàn năm văn hiến và là trung tâm chính trị - văn hóa - khoa học - kinh tế của cả nước ngày càng rõ tính văn minh, hiện đại. Mẫu biểu trưng, ngoài yêu cầu về tính thẩm mỹ, sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hiện đại thì còn phải rõ tính ứng dụng, thuận tiện cho việc in ấn, đắp nổi, phóng to, thu nhỏ, dễ thể hiện trên các loại chất liệu, công trình kiến trúc… Để bảo đảm sự khách quan, công bằng trong quá trình tuyển chọn, ngày 21-7-2007, UBND TP đã ban hành Quyết định số 2799/QĐ-UB về việc thành lập Hội đồng nghệ thuật của cuộc thi này, gồm nhiều học giả, nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa uy tín của trung ương và Hà Nội.

Đó là một cuộc thi đặc biệt, không chỉ bởi quy mô rộng mở mà còn ở cách thức tiến hành. Tính từ ngày 31-5-1997, ngày phát động cuộc thi cho tới ngày 19-8-1998, trong vòng hơn một năm BTC và Hội đồng nghệ thuật đã ba lần thu nhận - xét tuyển các tác phẩm được gửi đến. Tính chung cho cả ba kỳ xét tuyển, đã có 237 tác giả gửi 428 tác phẩm dự thi, xen giữa những kỳ thu nhận tác phẩm và xét chọn ấy là rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao thưởng, góp ý với tác giả về tác phẩm nhằm có giải pháp chỉnh sửa, bổ sung; chọn mẫu hay để giới thiệu trên báo in, truyền hình, phát thanh nhằm xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Ngày 15-2-1998, sau khi kết thúc đợt xét chọn thứ hai, BTC đã tổ chức triển lãm hơn 80 tác phẩm tại Nhà Thông tin - Triển lãm 45 Tràng Tiền. Lần ấy, đã có gần 300 ý kiến của nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài gửi cho các tác giả và BTC, góp ý với cách thể hiện của các tác giả cũng như thể hiện sự lựa chọn của riêng mình. Điều đáng nói là đa số trong hàng trăm ý kiến ấy đã đề xuất hình tượng tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội là Khuê Văn Các hoặc Rồng bay. Đợt tuyển chọn thứ ba diễn ra từ ngày 19-5-1998 đến 19-8-1998 có tới 136 tác phẩm dự thi, cũng là đợt xét chọn khiến các thành viên Hội đồng nghệ thuật hài lòng hơn cả.

Sau nhiều vòng bỏ phiếu, Hội đồng đã quyết định chọn ba mẫu của các tác giả Phạm Ngọc Tuấn (người Việt Nam đang sống tại Pháp), Phạm Phú Oanh (Việt kiều Đức), Nguyễn Thủy Liên - được đánh giá là tiêu biểu về nội dung biểu đạt và chất lượng nghệ thuật. Trong đó, mẫu dự thi số 046 về Khuê Văn Các của tác giả Phạm Ngọc Tuấn nhận được 10/11 phiếu của Hội đồng nghệ thuật, nhận giải nhất cuộc thi; hai tác giả còn lại được nhận giải ba (không có giải nhì). Ngày 23-7-1999, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 59/1999/QĐ-UB về việc công nhận mẫu của tác giả Phạm Ngọc Tuấn được sử dụng là biểu trưng chính thức của Thủ đô Hà Nội. Ngày 28-9-1999, tại kỳ họp thứ 14 - HĐND TP khóa XI, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã ra Nghị quyết số 166-1999-NQ/HĐ về việc công nhận biểu trưng của Thủ đô Hà Nội. Cuối năm 1999, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) và Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) về việc công bố và đưa vào sử dụng biểu trưng nói trên, trong đó có đánh giá về mẫu biểu trưng chính thức của Thủ đô Hà Nội: Mẫu biểu trưng đã nêu được truyền thống văn hóa dân tộc qua hình tượng Khuê Văn Các, thể hiện sự vươn tới văn hóa, vươn tới tri thức loài người. Biểu trưng thể hiện Khuê Văn Các với phong cách nghệ thuật hiện đại, chắc chắn, vững vàng; cơ bản thể hiện được tính chất và đặc điểm của Thủ đô ngàn năm văn hiến, kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hiện đại, thuận lợi cho việc sử dụng.

Trong thực tế, kể từ khi được công nhận, biểu trưng Thủ đô Hà Nội đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong công tác tổ chức các lễ hội kỷ niệm, trong hoạt động của các cơ quan Hà Nội, ban hành văn bản, công bố sản phẩm… Đặc biệt là từ sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, biểu trưng Khuê Văn Các đã trở thành hình ảnh thân thuộc, gắn bó, thực sự là hình ảnh mang tính biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội:
Xứng đáng là hình ảnh biểu tượng của Thủ đô

Là thành viên của Hội đồng nghệ thuật cuộc thi chọn mẫu biểu trưng của Hà Nội, tôi có thể khẳng định mục tiêu, cách thức tuyển chọn mẫu biểu trưng được tiến hành công khai, cẩn trọng, nghiêm túc. Việc tuyển chọn do một hội đồng gồm các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, hội họa, điêu khắc có chuyên môn cao thực hiện.

BTC chỉ đưa ra những yêu cầu chung mà tác phẩm cần đạt tới chứ không giới hạn đề tài và đã nhận được hàng trăm mẫu dự thi, có mẫu về chùa Một Cột, có mẫu về Tháp Rùa, về rồng thời Lý, về trống đồng trang trí hình chim lạc… Khuê Văn Các với đường nét cách điệu đã được chọn. Khi chọn mẫu này, Hội đồng nghệ thuật đã xét đến cả các yếu tố như Khuê Văn Các là một trong những hạng mục quan trọng tạo nên quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội - trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi giáo dục, vinh danh tinh thần hiếu học, trọng hiền tài của nhiều thế hệ người Việt Nam, được đông đảo người dân trong nước cũng như quốc tế biết đến. Công trình ấy vừa có giá trị văn hóa vật thể, vừa mang giá trị phi vật thể sâu sắc. Khuê Văn Các chỉ có riêng ở Hà Nội, mang dấu ấn văn hóa Hà Nội rất rõ nét, xứng đáng là biểu tượng của Thủ đô.

Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi chọn mẫu biểu trưng Hà Nội:
Mẫu Khuê Văn Các là hợp lý nhất

Qua 3 lần phát động, cuộc thi nhận được rất nhiều tác phẩm của hàng trăm tác giả trên toàn quốc. Có nhiều đề tài, nhưng số người chọn Khuê Văn Các vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Lần thứ nhất, hội đồng không lựa chọn được tác phẩm nào; lần thứ hai chọn được vài mẫu, nhưng chưa ưng ý, chỉ đến lần tuyển chọn thứ 3 thì mới tìm được tác phẩm xứng đáng đại diện cho Hà Nội. Từng ấy vòng tuyển chọn, đủ thấy quy trình xét chọn khách quan, công bằng đến mức nào, yêu cầu khắt khe ra sao.

Biểu trưng của Hà Nội, ngoài tính điển hình, khái quát thì còn mang giá trị nghệ thuật, giá trị biểu tượng nên dễ thấy có nhiều ý kiến khác nhau ngay trong quá trình tuyển chọn, song về cơ bản mọi người đều thống nhất chọn Khuê Văn Các. Nếu so sánh với các di tích khác thì rõ ràng Khuê Văn Các hợp lý hơn cả.

Ông Lưu Minh Trị, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:
Hà Nội phải có biểu trưng


Sau khi thống nhất đất nước, đã có nhiều đề xuất lựa chọn biểu trưng cho Hà Nội, song vì nhiều lý do nên chưa thể thực hiện được. Trong quá trình chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, một lần nữa việc lựa chọn biểu trưng cho Hà Nội được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đề xuất, trên cơ sở đó, năm 1997 UBND TP Hà Nội phát động cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng Hà Nội. Sau 3 kỳ phát động, năm 1999, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn mẫu thể hiện Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong vòng tròn bằng đường nét cách điệu, giản dị, khỏe, đẹp làm biểu trưng của Hà Nội.

Ban đầu, Hội đồng nghệ thuật chưa biết rõ về tác giả mẫu biểu trưng này, họ chọn vì nó đáp ứng được yêu cầu của cuộc thi, giàu giá trị văn hóa, nghệ thuật, dễ hiểu, dễ ứng dụng. Sau này mọi người mới biết tác phẩm được chọn là của một Việt kiều (họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn, người Hà Nội, hiện đang sống tại Pháp, ông cũng là tác giả của logo chùa Cầu - biểu trưng của thành phố Hội An - PV).

Minh Ngọcghi


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Xứng đáng là biểu trưng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.