LTS: Mùa mưa bão năm 2015 đã cận kề nhưng tình trạng vi phạm Luật Đê điều đang xảy ra tràn lan ở hầu khắp địa phương có đê. Trong khi đó, việc ngăn chặn và xử lý vi phạm vẫn chỉ như
LTS: Mùa mưa bão năm 2015 đã cận kề nhưng tình trạng vi phạm Luật Đê điều đang xảy ra tràn lan ở hầu khắp địa phương có đê. Trong khi đó, việc ngăn chặn và xử lý vi phạm vẫn chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Nhóm PV Báo Hànộimới đã đi thực tế ở một số địa phương đang "nóng" về vi phạm các quy định quản lý và bảo vệ đê điều, đặc biệt là những trường hợp phức tạp, khó xử lý để tìm hiểu nguyên nhân...
Bài 1: Xử lý vi phạm kiểu... nhỏ giọt
Hệ thống đê điều của Hà Nội vừa đảm trách nhiệm vụ chống lũ, bảo vệ Thủ đô vừa có chức năng là hệ thống giao thông, tuy nhiên hiện nay số vụ vi phạm Luật Đê điều đang tồn đọng rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công tác phòng chống lụt bão. Đáng chú ý, số vụ vi phạm liên tục tăng qua các năm, trong khi số vụ vi phạm được cơ quan chức năng xử lý đạt rất thấp. Thậm chí, nhiều vụ việc nghiêm trọng tồn tại từ năm này qua năm khác bất chấp dư luận...
Vi phạm quy định quản lý và bảo vệ đê điều kiểu này rất phổ biến. Ảnh: Anh Tuấn |
Nhiều điểm xung yếu đáng lo ngại
Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, phần lớn hệ thống đê điều Hà Nội hiện cơ bản "bảo đảm khả năng chống lũ với mực nuớc thiết kế". Hà Nội hiện có tổng số 626km đê, trong đó 37km đê hữu Hồng là cấp đê đặc biệt; 249,18km đê cấp I (gồm đê hữu Hồng, tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống, tả Đáy và Vân Cốc)... Ngoài ra, Hà Nội còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 132,8km chưa đuợc phân cấp. Số lượng công trình bảo vệ dọc các tuyến đê cũng khá quy mô với 145 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài 176,2km; 193 cống qua đê; 235 cửa khẩu qua đê. "Trợ thủ" cho hệ thống đê hiện có 366 điếm canh đê; 279 giếng giảm áp và 72 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão.
Mặc dù được đánh giá là "bảo đảm chống lũ với mực nước thiết kế" nhưng hiện trên hệ thống đê của Hà Nội vẫn tồn tại 4 trọng điểm và 8 điểm xung yếu đáng lo ngại, cần được quan tâm đặc biệt trong mùa mưa bão 2015. Theo thống kê vừa được Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội thông báo tới các địa phương, trên tuyến đê hữu Đà tại khu vực kè Khê Thượng hiện chân kè đã bị xói sâu do dòng chủ lưu áp sát mái, chân kè. Trên tuyến đê hữu Hồng có hai trọng điểm là tại cống Liên Mạc, đáy cống đặt thấp, tường ngực đã bị thấm và cụm công trình cống qua đê Yên Sở (quận Hoàng Mai); các điểm xung yếu trên tuyến đê hữu Hồng gồm khu vực đê Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ); khu vực mái kè Liên Trì (huyện Đan Phượng) đã bị nứt 80m dọc theo mái kè; khu vực kè An Cảnh (huyện Thường Tín); kè Quang Lãng (huyện Phú Xuyên). Đối với các tuyến đê còn lại như trên đê tả Đuống có 1 trọng điểm, 2 điểm xung yếu; tuyến đê hữu Cầu- tả Cà Lồ 1 điểm xung yếu…
Ngổn ngang vi phạm
Một vấn đề đáng quan tâm, xuất hiện nhiều điểm trọng yếu, điểm xung yếu trên các tuyến đê là do các vi phạm Luật Đê điều gây ra, điển hình là tình trạng khai thác cát làm sạt lở bờ sông, bờ kè; bãi tập kết vật liệu xây dựng; làm nhà, lều lán trên phạm vi hành lang bảo vệ đê; xe quá tải, quá khổ đi trên mặt đê… Theo đánh giá của ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục truởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, thời gian qua, công tác phòng, chống lụt bão và xử lý các vi phạm về đê điều, khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn thành phố đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác quản lý đê điều tại một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng khai thác cát, sỏi, sử dụng trái phép đất ven sông làm các bãi chứa vật liệu xây dựng. Theo kết quả rà soát của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, hiện trạng ở bãi sông và trong phạm vi bảo vệ đê điều có 17 vị trí khai thác cát thì 10 vị trí không phép. Nhức nhối nhất là ở dọc hai bên triền đê sông Hồng có nhiều bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng chất cao như núi nằm trong hành lang bảo vệ đê. Đặc biệt, trên đê hữu Hồng đoạn qua địa bàn huyện Phú Xuyên, diện tích và chiều cao bãi chứa vật liệu xây dựng quá lớn, nguy cơ làm cản trở dòng chảy trong mùa lũ, gây ảnh hưởng đến an toàn đê, kè, bờ sông. Cũng chính thực trạng này giải thích vì sao vào mùa khô nhưng trên hệ thống đê Hà Nội vẫn thuờng xuyên xảy ra sạt trượt, gây mất an toàn.
Bên cạnh các vị trí khai thác cát, dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố có 211 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trong đó 184 bãi không có giấy phép, 10 bãi hoạt động sai giấy phép. Trong số 196 bãi đang hoạt động, 97 bãi có hoạt động của xe quá tải ra vào bãi, đi trên đê. Hậu quả, không những gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, việc trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe có tải trọng lớn đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiến đến sự an toàn của đê. Nhiều vị trí trên tuyến đê sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ thuộc địa bàn các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn… mùa mưa năm ngoái mặt đê êm thuận nhưng ở thời điểm này xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện ổ voi, ổ gà, rạn nứt nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Điển hình, tuyến đê hữu Hồng từ thị trấn Phú Minh đến Quang Lãng (Phú Xuyên), từ cuối năm 2014 đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Sạt lở bãi ven đê trên địa bàn xã Phong Vân, huyện Ba Vì do khai thác cát và biến đổi dòng chảy gây ra. |
Trước những vi phạm và sự xuống cấp của các tuyến đê phòng hộ, Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngăn chặn tình trạng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê, xử lý nghiêm tình trạng chất tải trong phạm vi hành lang bảo vệ đê. Trong năm 2014, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 8, Công an thành phố tuần tra kiểm soát, ngăn chặn phương tiện vận tải chở quá trọng tải cho phép đi trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Song, theo quan sát của chúng tôi, tình trạng xe quá tải trọng cho phép vẫn hoạt động, tàn phá mặt đê. Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, lợi dụng sự vắng mặt của cơ quan chức năng hoặc vào buổi tối, ngày lễ, chủ nhật, chủ điều khiển phương tiện vận tải vẫn chạy trên các tuyến đê.
Theo số liệu của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho thấy, từ năm 2008 đến 2014, trên 20 tuyến đê chính của Hà Nội đang tồn tại hơn 1.500 trường hợp vi phạm Luật Đê điều, trong đó riêng năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 296 vụ và 3 tháng đầu năm 2015 là 66 vụ. Có rất nhiều hình thức vi phạm khác nhau: Trong gần 300 vụ năm 2015 thì xây dựng nhà bê tông có 16 vụ; xây dựng cải tạo nhà thành nhà kiên cố 4 vụ; xây dựng nhà cấp 4, móng công trình phụ 119 vụ; xây tường chắn, cổng, trụ cột 41 vụ; lều, quán, lán tạm 24 vụ; chứa chất vật tư, chất tải vật liệu lên phạm vi bảo vệ đê 15 vụ; đào xẻ, xây dốc 12 vụ; đào ao, đào đất, khai thác đất 5 vụ… So với năm 2013, tổng số vụ vi phạm phát sinh tăng 114 vụ (năm 2013 là 182 vụ). Số vụ vi phạm tập trung nhiều ở huyện Ứng Hòa, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phú Xuyên…
Đùn đẩy, né trách nhiệm...
Việc xử lý vi phạm cũng đang tồn tại nhiều vướng mắc, dẫn đến số vụ được xử lý đạt rất thấp, thậm chí tái phạm. Theo lãnh đạo Chi cục Đê điều và PCLB, khi phát sinh vi phạm, cơ quan này đã lập biên bản, tạm đình chỉ vi phạm, đồng thời chuyển chính quyền địa phương xử lý. Việc xử lý hết sức khó khăn, đạt tỷ lệ thấp, một phần nguyên nhân là chính quyền địa phương đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm. Trong năm 2014, toàn thành phố mới xử lý được 30 trường hợp/296 vụ vi phạm (gần 10%); 3 tháng đầu năm 2015 xử lý được 10/66 vụ (đạt hơn 6%). Những vụ xử lý được chỉ là vi phạm giản đơn như lều lán, mái che, mái vẩy, hàng quán... còn lại các công trình vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng vẫn tồn tại theo thời gian. Theo ông Thịnh đánh giá, bình quân hằng năm toàn thành phố chỉ xử lý được 10 - 30% vụ vi phạm, dẫn đến số vụ tồn đọng ngày càng lớn. Trong các bài tiếp theo, Báo Hànộimới sẽ nêu cụ thể các trường hợp vi phạm, cùng với đó là quan điểm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về việc xử lý dứt điểm những sai phạm này.
Trước tình trạng vi phạm Luật Đê điều diễn ra ngày càng nghiêm trọng, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương xử lý dứt điểm. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và huyện Ứng Hòa thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị tăng cường kiểm tra, phát hiện, triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để phát sinh những vi phạm mới hoặc tái vi phạm... Theo thống kê, năm 2014, trên địa bàn huyện Ứng Hòa để xảy ra 105 trường hợp vi phạm đê điều nhưng mới xử lý được 3 trường hợp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.