Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Vi phạm tràn lan, xử lý… đùn đẩy

Nhóm PV Nông nghiệp| 12/09/2013 05:53

(HNM) - Sự thờ ơ, né tránh, thiếu trách nhiệm của một số chính quyền cơ sở khiến nhiều tuyến đê bị

Bài 1: Vi phạm tràn lan, xử lý… đùn đẩy

Nhiều tuyến đê của Hà Nội đã, đang bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê và công tác PCLB. Đáng báo động hơn là ở nhiều nơi, bất chấp quy định pháp luật, chính quyền một số địa phương đã làm ngơ, thậm chí mạnh tay cấp phép cho công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, dẫn đến vi phạm gia tăng, còn trách nhiệm thì bị "đưa đi, đẩy lại" giữa cơ quan quản lý và chính quyền cơ sở.

Trên tuyến đê tả Đáy, tiếp tục phát sinh vi phạm Luật Đê điều.


Khu dân cư "ôm" đê

Ông Dương Quốc Huấn (68 tuổi), thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, là thế hệ thứ ba trong gia đình đang sử dụng thửa đất rộng gần 220m2 nằm liền kề đê tả Đáy. Trên thửa đất này, ngoài chiếc cổng và ngôi nhà cấp 4 khoảng 10m2 xây dựng từ năm 1940 vẫn được giữ nguyên vẹn, gia đình đã chia cho các con diện tích còn lại xây dựng nhà để ở. Theo hồ sơ lưu tại Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức, một phần diện tích các công trình xây dựng của gia đình ông Huấn đang sử dụng nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê tả Đáy, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều (có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2007). Khi phóng viên đề cập vi phạm, các thành viên trong gia đình ông Huấn không khỏi ngỡ ngàng. Ông Huấn cho biết, trước đây, bề rộng đê tả Đáy qua thị trấn Vân Đình khoảng 3-4 mét, chỉ vừa đủ hai làn xe công nông, chất lượng đê xấu, thường xuyên bị sạt lở. Qua nhiều lần nâng cấp, tuyến đê tả Đáy được mở rộng, "lấn" vào cả đất thổ cư của hàng trăm hộ dân sinh sống dọc hai bên đê thuộc thị trấn Vân Đình. Thực tế, tại địa phương này có hàng trăm công trình xây dựng nhà ở kiên cố 3-4 tầng đã và đang mọc lên ngay trên mái đê. Có công trình xây dựng tại thôn Vân Đình nằm sát mép đê cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông. "Các thế hệ người dân nơi đây sinh sống trên mảnh đất này đã hàng trăm năm. Nhiều người đã về thế giới bên kia, nhiều người đang tiếp tục sống hợp pháp trên chính mảnh đất của cha ông mình. Bây giờ, nói chúng tôi vi phạm pháp luật về đê điều thì oan ức quá" - Ông Huấn giãi bày.

Không riêng gia đình ông Huấn ở Ứng Hòa, trên tuyến đê sông Đáy qua thị trấn Phùng, xã Song Phượng, xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) cũng đang diễn ra nhiều điểm "nóng" về vi phạm Luật Đê điều. Khu vực chợ Phùng (thị trấn Phùng) đã hình thành cả tuyến phố, khu dân cư với hàng trăm công trình xây dựng kiên cố như nhà cao tầng, nhà hàng… mọc hai bên thượng, hạ lưu đê tả Đáy. Một số người dân ở đây cho biết, là đất thổ cư hàng trăm năm nên việc xây dựng nhà cửa vẫn diễn ra thường xuyên và đó là nhu cầu cần thiết, không thể khác được.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trên đê tả Đáy thuộc khu vực ngoại thành hiện có tới 1.151 hộ dân ở 73 thôn, xóm đang sử dụng 42,6ha đất nằm trong khu vực bảo vệ đê. Chưa hết, tuyến đê này còn có 10.514 hộ thuộc 56 thôn, xóm đang sử dụng gần 308,3ha nằm trong chỉ giới thoát lũ…

Nhiều nhà cao tầng trên đê tả Đáy qua thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, nằm sát mép đê.


Vi phạm ngày càng nghiêm trọng

Để rõ hơn những vi phạm đặc thù này, phóng viên đã khảo sát thực trạng trên các tuyến đê chính của thành phố và nhận thấy, tình trạng đê đi qua khu vực dân cư diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Tuyến đê sông Đà có 17 thôn nằm trong phạm vi bảo vệ đê và chỉ giới thoát lũ, tuyến đê hữu Đuống có 9 thôn; tuyến đê hữu Cầu có 13 thôn; tuyến đê sông Cà Lồ có 18 thôn; đê Tiên Tân có 7 thôn; đê La Thạch có 3 thôn... Nghiêm trọng nhất là trên hệ thống đê sông Hồng, có 122 khu dân cư với 3.271 hộ dân đang sử dụng hơn 144ha trong phạm vi bảo vệ đê và 95 khu dân cư với 19.165 hộ dân sử dụng gần 2.467ha đất nằm trong chỉ giới thoát lũ. Tuy nhiên, theo lời ông Nguyễn Văn Dần (69 tuổi) ở thôn 2, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng), từ năm 1964, trong quá trình làm đê Vân Cốc (đê cấp I trên sông Hồng), gia đình ông đã hiến một sào đất ở để đắp đê. Không riêng gia đình ông Dần, ở thôn 2, xã Trung Châu cũng có gần chục hộ hiến đất như vậy. Nếu đúng như vậy thì thực chất là "đê nằm trên đất thổ cư" và đến nay, theo quy định mới từ Luật Đê điều thì người dân lại trở thành người đang vi phạm hành lang đê? Ông Dần thừa nhận, gia đình đã nhiều lần bị lực lượng chức năng vào kiểm tra, xử lý vì làm công trình lấn vào hành lang đê dù làm trên đất ở hợp pháp của mình.

Điều đáng nói là vin vào "những tồn tại lịch sử" này, chính quyền nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho vi phạm, đây chính là một trong những bất cập lớn nhất trong công tác quản lý đê hiện nay. Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, chỉ sau 5 năm thực hiện Luật Đê điều, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 1.816 vụ vi phạm. Các vụ vi phạm có xu hướng tăng theo thời gian và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2008, toàn thành phố xảy ra 272 vụ; giai đoạn từ năm 2009 đến 2012, con số này nâng lên lần lượt là 440, 485, 345 và 274 vụ vi phạm; riêng số vụ phát sinh trong 8 tháng đầu năm nay là 132 vụ. Với hàng núi vi phạm trên, đến nay, chính quyền các địa phương mới xử lý được 850 vụ, còn tồn đọng 1.081 vụ. Trong đó, các trường hợp phát sinh thuộc các khu dân cư lâu đời nằm trong phạm vi bảo vệ đê và trong hành lang thoát lũ là 340 vụ, chiếm khoảng 32% tổng số vụ vi phạm tồn đọng. Điển hình nhất là vụ vi phạm của hộ ông Nguyễn Quốc Công ở xã Phong Vân (huyện Ba Vì). Cũng lấy lý do là đất thổ cư, ông Công đã xây dựng một ngôi nhà 3 tầng, một tum cùng khoảng 2.000m2 đất tôn nền sân, nhà. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang tranh cãi trong việc xử lý trường
hợp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Vi phạm tràn lan, xử lý… đùn đẩy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.