(HNM) - Lấn chiếm, xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê bừa bãi, đổ phế thải tùy tiện... đang diễn ra rất nghiêm trọng tại các tuyến đê trên địa bàn TP Hà Nội.
LTS: Tình trạng một số địa phương không kiểm soát nổi vi phạm đê điều dẫn đến việc hằng năm phải tiêu tốn ngân sách cho việc giải tỏa vi phạm, duy tu, gia cố đê điều; chưa hết, hệ thống đê nhiều nơi xuống cấp, chưa được thử thách khả năng chống lũ lớn... Đây là những chủ đề "nóng" được bàn thảo tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống lụt bão 2014 do UBND thành phố tổ chức mới đây. Để rõ hơn về những bất cập trong công tác quản lý, Báo Hànộimới khởi đăng loạt bài: Những tuyến đê phòng hộ ở Hà Nội: Đến hẹn lại… lo!
Bài 1: Vi phạm chồng vi phạm
Lấn chiếm, xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê bừa bãi, đổ phế thải tùy tiện... đang diễn ra rất nghiêm trọng tại các tuyến đê trên địa bàn TP Hà Nội. Đáng nói, vi phạm cũ chưa được giải quyết đã phát sinh sai phạm mới. Dường như chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn không kiểm soát nổi tình trạng vi phạm này?
Chống sạt lở đê sông Cà Lồ trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Hoài Thu |
Đua nhau "xẻ thịt" đê điều
Để mục sở thị những điểm "nóng" vi phạm pháp luật về đê điều, PV Báo Hànộimới có cuộc khảo sát dọc bờ hữu sông Hồng đi qua bốn quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Dọc tuyến có hàng nghìn điểm đổ phế thải trực tiếp xuống bờ sông, cản trở dòng chảy. Chỉ tay vào 4 lớp tường gạch đã bị phá đi xây lại nhiều lần ở cuối ngõ 76 An Dương, giáp ranh giữa phường Yên Phụ với phường Tứ Liên (Tây Hồ), cán bộ Hạt Quản lý đê số 2 (Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội) cho biết: Tình trạng lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Hồng ở khu vực này diễn ra hằng ngày, buổi sáng đoàn thanh tra tiến hành cưỡng chế, đến tối người dân lại xếp gạch, quây tôn và phủ bạt. Thống kê chưa đầy đủ, tại khu vực này hiện còn hàng trăm trường hợp xây nhà tạm, lều lán, làm sân bóng đá, đổ nền quây thép B40 trồng cây cảnh... trái phép, trong đó có bãi trông giữ xe của ông Mạc Kim Long và lò mổ lợn di động vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức các cơ quan chức năng.
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra ở hầu hết các quận, huyện, thị xã nhưng nhiều và bức xúc nhất là ở huyện Ứng Hòa. Chốt đến hết năm 2013, Ứng Hòa tồn đọng 2.532 vụ vi phạm pháp luật đê điều trên tuyến đê tả Đáy. Bà Nguyễn Thị Tám, Hạt phó Hạt Quản lý đê điều Ứng Hòa - Mỹ Đức cho biết, phần lớn vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn huyện Ứng Hòa là xây dựng lều lán trên mái đê, trong hành lang bảo vệ đê. Trong khoảng 3,5km, từ xã Vạn Thái đến Hòa Nam, hàng trăm hộ gia đình, doanh nghiệp bạt mái đê, đổ đất lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, xưởng sản xuất, trụ sở làm việc kiên cố. Gần đây (ngày 4-5), trên địa bàn xã Hòa Nam, một doanh nghiệp xây dựng công trình, tường chắn trên mái đê, khi Hạt Quản lý đê lập biên bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý, đình chỉ thi công, hoàn trả hiện trạng ban đầu nhưng không hiểu lý do gì công trình vẫn tồn tại. Người dân đặt nghi vấn, phải chăng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đang làm ngơ cho vi phạm?.
Làm lều lán lấn chiếm và đổ phế thải bừa bãi ở khu vực đê Hữu Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: Hoài Thu |
Buông lỏng quản lý
Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống lụt bão 2014 vừa được UBND thành phố tổ chức, cơ quan chức năng lại tiếp tục "gióng lên" hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Theo thống kê, tính đến tháng 6-2009, Hà Nội tồn đọng gần 5.200 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Còn 5 năm trở lại đây, kể từ khi thực hiện Luật Đê điều, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.816 vụ vi phạm. Đáng nói, sai phạm cũ tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm lại phát sinh vi phạm mới. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố phát sinh thêm 46 vụ vi phạm, trong đó có 12 vụ xây nhà, 5 vụ xây tường chắn, cổng, cột trụ, 6 vụ dựng lều, quán, lán tạm… Huyện Ứng Hòa vẫn là địa phương để phát sinh số vụ vi phạm nhiều nhất (18 vụ), tiếp đến huyện Thanh Trì 5 vụ, Tây Hồ 4 vụ, Hoài Đức 3 vụ. Lý giải về việc này, ông Đỗ Đức Thịnh cho rằng, điều quan trọng là thái độ xử lý công việc của chính quyền địa phương, nếu xử lý đúng quy định thì không thể tồn tại vi phạm.
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm chồng chất xuất phát từ việc buông lỏng quản lý của cả cơ quan chức năng thành phố và chính quyền địa phương, song ở khía cạnh khác, còn do lịch sử để lại. Hiện trên địa bàn thành phố có 251 khu dân cư sinh sống lâu đời với khoảng 6.744 hộ dân/30.177 nhân khẩu, đang sử dụng hơn 224ha nằm trong phạm vi bảo vệ đê; 197 khu dân cư với 30.230 hộ dân/129.567 nhân khẩu đang sử dụng 2.854,9ha nằm trong chỉ giới thoát lũ. Số lượng dân cư tồn tại lâu đời (300-400 năm) nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, trong hành lang thoát lũ dọc các tuyến đê rất lớn, chiếm khoảng 2,5% dân số của Hà Nội và tập trung nhiều tại các tuyến đê từ cấp đặc biệt đến cấp III như đê sông Đà, đê sông Hồng, đê sông Đuống, đê sông Đáy... Các khu dân cư này hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Có những địa giới hành chính cấp xã nằm hoàn toàn ở bãi sông. Theo quy định tại Điểm b, c Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28-6-2007 của Chính phủ, thời gian phải tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê tối đa 2 năm, ở ngoài bãi sông không phù hợp quy hoạch tối đa 5 năm, kể từ khi Luật Đê điều có hiệu lực ngày 1-7-2007. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện theo quy định của luật thực tế với Hà Nội hiện chưa thể thực hiện được. Theo "Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội", sẽ di dời 22.358 hộ dân nằm trong hành lang thoát lũ và tốn một khoản kinh phí khoảng 73.505 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung như hiện nay xem ra khó thực hiện. Mặt khác, nếu di dời sẽ gây xáo trộn về dân sinh, xã hội, phần nào ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội của Thủ đô...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.