Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Thắp lửa giữa vùng băng giá

Nguyễn Tuấn Đức| 10/02/2011 07:20

LTS: Cùng với việc đầu tư phát triển ở trong nước, những năm qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) rất chú trọng tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Toàn cảnh khu mỏ Bắc Khosedayu.


Trước chuyến đi này, chúng tôi đã được thông báo vắn tắt về khí hậu, thời tiết nơi những người lao động của Liên doanh Dầu khí Nga - Việt (Rusvietpetro) đang thăm dò và khai thác dầu. Khu vực hoạt động trực tiếp của Rusvietpetro thuộc Khu tự trị Nhenhezky của Liên bang Nga.

Tổng diện tích của khu tự trị này bao gồm cả các đảo là 176,81km2 (bằng 1,05% tổng diện tích Liên bang Nga). Khu tự trị nằm ở cực Đông - Bắc phần lãnh thổ châu Âu của Nga, được bao bọc bởi biển Trắng ở phía Tây, biển Barenzev và biển Petrora ở phía Bắc, biển Karskoe ở phía Đông - Bắc. Thủ phủ của khu tự trị là thành phố Narian Mar ở cách thủ đô Moscow 2.230km. Narian Mar chỉ có 18,8 nghìn dân. 


Đoàn nhà báo chúng tôi có mặt ở thủ đô Moscow (Liên bang Nga) vào những ngày cuối năm 2010. Thời tiết thật khắc nghiệt. Nhiệt độ xuống tới âm 7 đến âm 10 độ C. Không gian phủ một màu tuyết trắng. Phải mất đến 40 phút mới ra được khỏi cửa sân bay vì thủ tục hải quan làm quá chậm chạp. Trong lúc chờ đợi, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân chỉ vào chiếc va ly to uỳnh, nói:

- Bà xã tớ cẩn thận quá, nhét vào va ly những 7 chiếc áo len vì nghe nói chuyến này bọn mình đến mỏ dầu ở vùng Nhenhezky, nhiệt độ tới âm 20, âm 30 độ C.
Anh Trần Bình Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) cười:

- Đến mỏ anh có mặc cả 7 chiếc áo len ấy vào cũng vẫn rét. Nếu đi, phải mượn quần áo, giày, mũ loại đặc biệt của anh em đang làm việc trên đó thì mới chịu được cái rét thấu xương của vùng cực Bắc.

Tất cả 13 mỏ được cấp phép của Rusvietpetro được chia ra 4 lô. Mỏ đầu tiên được Công ty đưa vào vận hành khai thác vào tháng 9 năm 2010 là mỏ Bắc Khosedayu thuộc lô số 1. Lô này có diện tích 109km2 nằm trong lưu vực sông Kolva, cách thành phố Narian Mar 245km. Khu vực hoạt động của Rusvietpetro nằm hoàn toàn trong vùng băng giá vĩnh viễn. Ở đây chỉ có 2 tháng mùa hè; mùa đông kéo dài với nhiệt độ trung bình tháng 1 là âm 16 đến âm 20 độ C; độ ẩm rất cao. Nhiệt độ trung bình trong năm từ âm 3 đến âm 6 độ C. Lượng mưa tuyết trung bình 400-500mm. Mỗi tháng mùa đông có khoảng 15 đến 18 ngày có bão tuyết với tốc độ gió đến 20-25 m/giây. Trong những ngày đông, băng thường dày từ nửa mét đến một mét rưỡi, có chỗ tới hai mét.

Các thành viên trong đoàn ai cũng háo hức, nhất là những người lần đầu tiên được thấy tuyết, muốn được bay ngay đến vùng mỏ. Thế nhưng lúc về đến văn phòng của Rusvietpetro tại Moscow, anh Trần Ngọc Sơn, Tổng đại diện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tại Nga và các nước SNG thông báo do thời tiết quá xấu, chỉ có một máy bay trực thăng nên ngày mai trong chuyến bay đưa anh Trần Ngọc Sơn và anh Cao Mỹ Lợi, Phó Tổng Giám đốc thường trực Rusvietpetro lên mỏ kiểm tra tiến độ sản xuất những ngày cuối năm chỉ có thể thêm 2 nhà báo đi cùng. Thế là cả đoàn chưng hửng. Cuối cùng, chỉ nhà báo Xuân Ba (Báo Tiền Phong) và một phóng viên quay phim của VTV4 được bay đến cái nơi đầy hấp dẫn ấy.

Anh Cao Mỹ Lợi cho biết, từ Moscow phải bay đến sân bay Usinsk rồi từ đó mới đến mỏ bằng trực thăng hoặc ô tô qua chặng đường dài gần 300km. Vì là khu vực đầm lầy nên bình thường không đi lại bằng đường bộ được, mà phải tạo ra đường bằng cách hết sức độc đáo. Đó là chọn những tháng lạnh nhất của mùa đông, thường là bắt đầu từ khoảng tháng 11, đem máy gạt đến gạt tuyết rồi tưới nước (có hóa chất) vào bề mặt tuyết, làm đóng băng lại, tạo ra con đường đủ sức chịu xe ô tô trọng tải 50-60 tấn chở vật tư, thiết bị vào mỏ. Con đường hàng trăm kilômét làm kỳ công như thế nhưng mùa hè đến, khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, nóng lên, sẽ tan hết. Thế nên, vào những tháng lạnh nhất trong năm, đến đây sẽ thấy xe tải đi lại hối hả, nhưng mùa hè thì vắng tanh. Trong thời gian mùa đông, chỉ khoảng 2 đến 4 giờ trong ngày là sáng trời, còn lại là đêm và âm u, trong khoảng mấy chục mét cũng chỉ thấy cảnh vật lờ mờ. Ngày rất ngắn như vậy, càng phải tập trung cao độ cho công việc vận chuyển, tập kết vật tư thiết bị cho mỏ.

Anh Lợi cho biết thêm, trong tổng số 300 cán bộ, kỹ sư của liên doanh, có hơn 70 người thường xuyên làm việc ở mỏ, hầu hết là người địa phương, vì chỉ có họ mới quen, chịu được cái rét thấu xương ở vùng băng giá vĩnh cửu này. Ấy là mới nói mùa đông, còn mùa hè tuy mát mẻ, nhưng muỗi thật khủng khiếp, nhiều và to như ruồi, đến nỗi mọi người đều phải có lưới che mặt để tránh muỗi.

Hẳn là phải tâm huyết lắm với dự án này nên Phó Tổng Giám đốc thường trực Cao Mỹ Lợi nhớ rõ từng mốc thời gian bắt đầu và hoàn thành từng việc trong từng thời điểm. Anh cho biết, tháng 11 năm 2006, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga Putin, hai nước đã đạt được thỏa thuận về tiếp tục hợp tác giữa các chuyên gia dầu khí Nga và Việt Nam và thành lập công ty liên doanh để khai thác dầu khí trên lãnh thổ Nga. Từ đó mở ra hướng đi mới cho ngành dầu khí. Ngày 7 tháng 5 năm 2008 Công ty cổ phần Zarubeznheft của Nga thắng thầu quyền sử dụng lòng đất để khảo sát địa chất, thăm dò và khai thác 4 lô mỏ tại Khu tự trị Nhenhezky. Bốn lô đó gồm 13 mỏ dầu nằm dưới độ sâu 3.000 đến 3.400 mét, với tổng trữ lượng dầu khoảng 95 triệu tấn. Là đối tác lâu dài của Công ty cổ phần Zaruberznheft tại Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã được mời tham gia dự án khai thác dầu này. Tháng 10 năm 2008 với sự chứng kiến của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Zarubeznheft và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ký thỏa thuận về việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tham gia trong Công ty TNHH liên doanh Rusvietpetro với tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ; 51% còn lại thuộc về Công ty cổ phần Zarubeznheft.

Có biết bao công việc đang chờ đợi ở phía trước. Để thực hiện các giấy phép đã được cấp cho 4 lô mỏ với diện tích khoảng 807km2 ở vùng cực Bắc Khu tự trị Nhenhezky - Liên bang Nga trong vòng 20 năm, Công ty Liên doanh Rusvietpetro phải khoan tổng số 8 giếng tìm kiếm, 19 giếng thăm dò và gần 300 giếng khai thác. Chưa đầy một tháng sau, Công ty đã bắt tay vào việc xây dựng mỏ, sửa chữa, phục hồi các giếng khoan thăm dò cũ. Và tiếp đó, với sự triển khai quyết liệt công tác trên thực địa, với tiến độ cao nhất, Công ty đã đạt những con số kỷ lục về tiến độ, vượt cả sự mong đợi của chính những người thực hiện.

Đường vào mỏ dầu tại Nhenhezky.

Tháng 5 năm 2009, hoàn thành xây lắp cầu vượt sông Malyi và bắt đầu khoan khai thác tại cụm giếng số 1 của mỏ Bắc Khosedayu. Tháng 10 năm 2009, thông qua báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt tài liệu thiết kế, khai thác mỏ Bắc Khosedayu. Tháng 12 năm 2009, đóng cọc móng đầu tiên cho tuyến đường ống vận chuyển dầu ngoại mỏ đến trạm bơm đẩy Musurshor. Tháng 9 năm 2010, hoàn thành công việc xây dựng và lắp đặt các thiết bị tại mỏ Bắc Khosedayu. Tháng 4 năm 2010 bắt đầu khoan giếng thăm dò tại mỏ Tây Khosedayu. Hoàn thành xây dựng hai đường điện cao thế 35 và 10KV để cung cấp điện cho các công trình sản xuất tại các mỏ Bắc Khosedayu và Visovoe. Chỉ sau gần hai năm kể từ ngày ký thỏa thuận thành lập liên doanh, các hạng mục chính của dự án bao gồm việc xây dựng mỏ và đưa các giếng dầu vào khai thác, trạm thu gom và xử lý dầu trung tâm, hệ thống đường ống vận chuyển dầu, trạm giao nhận dầu đã cơ bản hoàn tất. Toàn bộ hệ thống được kết nối công nghệ để chính thức đưa các mỏ vào khai thác công nghiệp. Ngày 30 tháng 9 năm 2010 đã trở thành mốc son đầy ý nghĩa: Liên doanh Rusvietpetro tổ chức lễ đón nhận dòng dầu đầu tiên tại khu mỏ Bắc Khosedayu, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và các lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao…

Với tốc độ khai thác mỗi ngày khoảng 2.600 tấn dầu, vào những ngày cuối cùng của năm 2010, Rusvietpetro đã hoàn thành kế hoạch của năm: khai thác 230.000 tấn dầu và bắt đầu bước vào thực hiện kế hoạch khai thác 1.508.000 tấn dầu năm 2011. Chúng tôi thật may mắn có mặt ở Moscow vào dịp này, chứng kiến nỗi vui mừng khôn xiết của những người đi tìm lửa cho Tổ quốc. Họ đã thắp lên ngọn lửa Việt giữa vùng đầm lầy mênh mông băng tuyết ở nơi cách xa Hà Nội hơn 7.000km bằng chính ngọn lửa từ trái tim mình…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Thắp lửa giữa vùng băng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.