LTS: Âm nhạc đương đại đang chịu sự phán xét không mấy dễ chịu. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất đứng đắn chịu tiếng oan bởi đa số lời chỉ trích hướng về thứ mà người ta gọi là
LTS: Âm nhạc đương đại đang chịu sự phán xét không mấy dễ chịu. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất đứng đắn chịu tiếng oan bởi đa số lời chỉ trích hướng về thứ mà người ta gọi là "rác", là "nhạc thị trường" dù chưa đưa ra được định nghĩa thuyết phục về "dòng nhạc" này. Vấn đề là làm sao mà thứ nhạc bị chỉ trích thường xuyên lại có thể bám rễ trong đời sống, có cơ lấn át những tác phẩm tử tế và tạo ra cũng như thúc đẩy xu hướng thưởng thức âm nhạc bị coi là "rẻ tiền"?
Nhạc "rác", nhạc "thị trường" đang nở rộ, có thể nghe được trên xe buýt, quán bar, nhà hàng, điểm vui chơi công cộng… Những giai điệu na ná, ca từ nhạt nhẽo, ngô nghê, thậm chí là dung tục xuất hiện ngày một nhiều và điều đáng sợ là dù người nghe tỏ ra thích thú hay khó chịu, chúng vẫn có điều kiện luồn lách vào đầu người nghe.
Lắm nhố nhăng, thừa nhạt nhẽo
Tham gia "lĩnh xướng" đời sống âm nhạc hiện nay có những nhân tố trẻ, gồm cả người sáng tác, người hát, nhà sản xuất chương trình và người nghe. Dù muốn hay không, những đối tượng khác vẫn phải chứng kiến, chịu ảnh hưởng từ xu hướng mà nhóm trẻ ưa thích.
Ca khúc “Chiếc khăn Piêu” được nam ca sĩ Tùng Dương thể hiện trong chương trình “Bài hát yêu thích” đã nhận được nhiều giải thưởng lớn và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Ảnh: Tùng Lê |
Theo thống kê từ các trang mạng nghe nhạc hàng đầu nước ta như zing.vn, nhaccuatui.com, chacha.vn… các ca khúc được nghe/tải nhiều nhất hầu hết có đề tài yêu đương và chia ly. "Đừng giận anh nữa", "Em đã quên anh", "Người đã yêu ai", "Mình yêu nhau bao lâu", "Đừng bao giờ nói yêu em", "Gạt đi nước mắt", "Thật lòng anh xin lỗi"… Giai điệu dễ nhớ - dễ quên, ca từ đơn giản, xoay đi xoay lại quanh mấy từ "yêu", "ghét", "chia tay", "buồn", "quay lưng", "bước đi", "quên", "nhớ"… Nhạc sĩ Cát Vận từng đưa ra nhận xét: Đám trẻ bây giờ thấy sáng tác nhạc dễ quá mà. Nhạc thì bày đầy trên mạng, những đoạn beat hay, những giai điệu dễ nhớ… Chỉ cần lắp vài câu vào, tung ra thị trường là thành "hit"... Vậy nên mới có chuyện Sơn Tùng MTP hay Hồng Phước bị "tố" dùng "chùa" nhạc Hàn Quốc trong "Em của ngày hôm qua", "Cơn mưa ngang qua", "Nắng ấm xa dần", "Khi chúng ta già"… Còn người nghe thấy chúng quen quen, giai điệu na ná.
Xu hướng sáng tác ở một bộ phận tác giả hiện nay, đặc biệt là người trẻ, rất gần với đời sống. Không cần hàm ý sâu xa, khơi gợi liên tưởng, kho tàng ca từ mới ngày càng dễ nghe, dễ hiểu và… dễ quên. Không phải ai cũng cho ra sản phẩm dễ dãi, nhưng số "khó ưa" đang ngày một nhiều. Có những phần lời dễ dãi đến không ngờ, chẳng khác gì thứ ngôn ngữ hằng ngày ta nghe được trên phố, ở ngoài chợ, trực tiếp và thô lỗ: "Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh" (Mình yêu nhau đi); "Yêu anh đi anh không đòi quà", "Cô gái trường Mỏ gặp anh trai khoa kế toán", "Hai triệu tiền hoa quả" (Anh không đòi quà), "Cuộc tình dù đúng dù sai, tổn thương nhất vẫn chỉ là người con gái" (Em muốn)... "Bản gốc" đã lố, nhưng vì được nghe nhiều, vui vui nên ngày càng có thêm nhiều "bản sao", "dị bản", mức độ tệ hại lớn hơn nhiều, ví như "Cuộc tình dù đúng dù sai, sau khi chia tay vẫn đòi được quà", "Và chắc có lẽ sẽ chẳng ai yêu được anh đâu, vì anh xấu hơn con gấu" (Chỉ có em)... Ai có thể tin đó là ca từ của một bài hát được phép phổ biến tới cộng đồng?
Đó là chưa kể những ca khúc mới, hiện được xếp loại… nhạc "rác", đang nhiều dần đều theo thời gian. Loại ca khúc này chuyên chở thứ ca từ bậy bạ, phản cảm, tục tĩu, thật lạ là lại có sức lan truyền nhanh chóng trên mạng mà nếu không có báo chí và cơ quan chức năng lên tiếng kịp thời, không hiểu những thứ "rác" như "Phiếu bé ngoan" bản 1 và 2 còn đầu độc người nghe đến đâu? Rồi là trào lưu "chen" một vài từ tiếng nước ngoài vào bài hát, tạo ra thứ sản phẩm mà nhiều người gọi là "ca khúc nửa mùa", như "Mất em, because I'm stupid", "Anh number one"…
Với tất cả những dạng thức trên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã "tóm gọn" chúng: "Không xây dựng được hình tượng nghệ thuật trong bài hát". Nhạc sĩ Dương Thụ: "Sự nên thơ, vần điệu trong ca từ thiếu hẳn thì sao có thể được coi là ca khúc hay".
Chết yểu nhưng sinh sản nhanh
Cũng bởi bài hát giai điệu nhạt nhẽo, ca từ lố lăng, hời hợt, không có hình tượng rõ ràng nên nhanh thì một vài tuần, lâu thì chừng 2-3 tháng "tịnh" không thấy ở đâu còn nghe thấy "Em của ngày hôm qua", "Anh muốn em sống sao", "Em muốn"…
Thời trước, chỉ từ nhân vật rất giản dị, gặp trong đời sống hằng ngày mà các nhạc sĩ đã có sáng tác để đời như "Người lái đò trên sông Pô Kô", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Trước ngày hội bắn"… Cũng là nói về tình yêu, sao những "Tình ca", "Gửi em ở cuối sông Hồng" lại hay, đẹp ngất ngây đến vậy? Bao nhiêu năm rồi, những ca khúc như "Tàu anh qua núi", "Tiếng đàn bầu", "Việt Nam quê hương tôi", "Người Hà Nội"… chưa bao giờ thôi được khán giả yêu cầu. Các nhạc sĩ hoặc gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Thuận Yến, Xuân Giao… đều đặn nhận được tiền tác quyền mà theo ghi nhận từ Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hầu hết thu được từ các chương trình lớn. "Bài hát yêu thích" - sân chơi bình chọn với giải thưởng tiền tỷ, thu hút lượng khán giả trẻ khá lớn nhưng qua hai mùa mà ca khúc giành giải "Bài hát của năm" vẫn là những sáng tác đã có đến vài chục tuổi: "Chiếc khăn Piêu" (Doãn Nho), "Chiếc vòng cầu hôn" (Trần Tiến). Tại sao các ca khúc thời trước có sức sống bền lâu, làm lay động lòng người đến vậy? Nhạc sĩ Nguyễn Cường lý giải: "Bởi chúng thôi thúc con người vươn tới tương lai, hạnh phúc và chiến đấu vì điều đó. Các ca khúc hiện nay có sự ồn ào bề ngoài chứ thực chất lại ủy mị, èo uột, không thể giúp người ta lạc quan yêu đời".
Không tồn tại lâu nhưng một khi đã "nổi" là nhạc "rác" có tốc độ lan truyền chóng mặt. Sức sống èo uột nhưng nhạc "rác" và những gì tương tự nó có tốc độ sinh sản rất nhanh, như Nghiêm Nhan "chém đầu này mọc đầu khác". Trước có "Kiếp đỏ đen", "Thà rằng như thế"… rồi chuyển qua "Da nâu", "Người ấy và tôi em chọn ai", sau nữa là "Nắng ấm xa dần", "Em của ngày hôm qua", gần đây là "Gạt đi nước mắt", "Không liên quan", "Ai ai ai"… Sự thể đã diễn ra nhiều năm nay, chưa biết đến bao giờ mới chịu thôi làm khổ tai người?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.