Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nụ cười trên cánh đồng mẫu lớn

Đức Trường| 29/09/2014 06:18

LTS: Chỉ sau vài năm thực hiện công cuộc

LTS: Chỉ sau vài năm thực hiện công cuộc "đổi mới", từ chỗ phải nhập khẩu gạo, Việt Nam đã tự cung cấp đủ gạo và đến năm 1989 đã xuất khẩu gạo. Hiện nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2012, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam từ 3,48 triệu tấn đã lên 8,1 triệu tấn với giá trị xuất khẩu tương ứng là từ 2 tỷ USD lên tới 3,7 tỷ USD. Tuy nhiên, mặc dù năng suất, sản lượng lúa gạo tăng, lượng gạo xuất khẩu cũng tăng nhưng chất lượng cuộc sống của những người trồng lúa vẫn chưa tăng tương ứng.

Bài 1: Nụ cười trên cánh đồng mẫu lớn

Sau nhiều năm mới có dịp trở lại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù đây đó vẫn còn những con đường cũ, những cây cầu cũ nhưng bộ mặt nông thôn đã có nét mới. Nhà cửa khang trang hơn. Máy gặt lúa nhiều hơn. Nhà kho, nhà xưởng cũng nhiều hơn. Đúng mùa nước nổi, kênh rạch đầy ặc, nước xâm xấp sân, vườn và cứ chực tràn lên ngập đường. Ngoài đồng, người nông dân đang mải miết trên những chiếc máy gặt để tranh thủ ngày trời nắng, kệ cho lũ trẻ cứ chạy theo hai bên để bắt những con chuột đồng béo mập.

Thu hoạch lúa ở cánh đồng mẫu lớn, Đồng bằng sông Cửu Long.


Le lói vài điểm sáng

Đóng bộ áo sơ mi với quần âu, ông Nguyễn Văn Tắc (thường gọi là Út Tắc) kể với chúng tôi về những thành quả thu được khi góp ruộng vào làm cánh đồng mẫu lớn trong tiếng máy xay xát chạy ầm ầm. Ông Út Tắc là một trong những người đầu tiên góp 4ha ruộng vào làm cánh đồng mẫu lớn do Công ty TNHH một thành viên Lương thực Vĩnh Bình (một công ty con của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) đứng ra tổ chức. Từ khi ông Út Tắc góp ruộng vào làm cánh đồng mẫu lớn, chi phí sản xuất giảm xuống, năng suất lúa tăng lên từ 20% đến 30% so với lúa bên ngoài. Đặc biệt, lúa thu hoạch xong được tạm trữ vào kho của Vĩnh Bình chờ ngày được giá thì bán ra thị trường.

Ở đất Châu Thành (tỉnh An Giang) này, người có nhiều đất như ông Út Tắc không hiếm, nhưng người ít đất hơn ông thì nhiều lắm. Nhà ông may là chưa chia ruộng cho ba người con theo tập quán chung ở miền Tây nên ruộng đất còn tập trung. Sau mấy mùa gắn bó với cánh đồng lớn, cuộc sống gia đình ông ổn định và khấm khá trông thấy. Ông Út Tắc còn được mời đi tham quan mô hình trồng lúa bên Nhật Bản. Ông tự tin khẳng định, nhà của nông dân Nhật còn chưa to bằng nhà của ông, nhưng cách làm lúa và số tiền thu được từ lúa của ông còn lâu mới bằng họ. Ở An Giang, số người góp đất vào làm cánh đồng mẫu lớn như ông Út Tắc chưa nhiều.

Từ nãy giờ nghe ông Út Tắc kể, ông Nguyễn Văn He (Tư He) chỉ ngồi cười gật gù tán đồng. Ông Tư He cũng góp 3,5ha ruộng để làm cánh đồng lớn như ông Út Tắc ngay từ ngày đầu. "Giờ an tâm làm vì sống khỏe", ông Tư He nói. Ông chỉ rõ, giờ bỏ sức ra ít hơn trước nhiều, trước phun thuốc gì là do ông bắt chước người xung quanh và phun đến 7 hoặc 8 cữ, nay thì phun có chỉ dẫn nên chỉ 5 cữ là nhiều nhất. Trước ông làm ruộng chỉ lấy công làm lời, nay hạch toán nên thấy lời lãi rõ mồn một. Trước cứ lủi thủi làm một mình, cái gì cũng phải lo từ khâu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, làm cỏ đến thuê nhân công về gặt và cuối cùng là thuê ghe chở thóc. Nay thì có các kỹ sư của Vĩnh Bình tham gia "3 cùng" - "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với bà con nên nhàn hơn hẳn.

Với 3,5ha ruộng, riêng vụ vừa rồi, ông thu lãi hơn 70 triệu đồng. Nhàn đầu nhất là ông không phải lo mặc cả với đầu nậu mua gom lúa mỗi khi đến ngày thu hoạch. Kỹ sư "3 cùng" trước ngày thu hoạch thì quay về nhà máy để chốt giá rồi khi thu hoạch nhà máy đưa ghe xuống chở lúa tươi về nhà máy. Tháng đầu, thóc không bị tính phí lưu kho nhưng sang tháng thứ 2 thì bắt đầu tính với giá 5.000 đồng/tấn/ngày.

Ngay sau vụ đầu tiên đưa ruộng vào cánh đồng lớn là vụ đông xuân 2011 trúng lớn, ông Tư He lên rủ con trai cùng làm. Con ông góp vào 2ha ruộng giờ cùng an nhàn hơn hẳn. "Ruộng nó nó trông, ruộng tui tui trông", ông Tư He vừa cười vừa nói như khoe, "khi nào nó bận nó nhờ tui trông hộ". Dù cười đấy, nhưng những nếp nhăn hằn sâu trên mặt chứng tỏ ông Tư He đã một thời vất vả vì đồng ruộng. Ban đầu ông chỉ được chia có 3ha nhưng rồi do chăm chỉ làm ăn tích góp nên ông mua thêm 2,5ha nữa. Vì vợ chồng ông chỉ đẻ 2 người con trai nên không phải chia nhỏ ruộng ra nhiều phần. Ông chia 2ha ruộng cho người con cả, còn người con thứ hai đang là giáo viên dạy học ở Trường THPT Vĩnh Bình nên chưa cần đến ruộng.

Theo tính toán của Oxfam (Tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn, hỗ trợ nhân đạo giảm thiểu rủi ro thiên tai…) năm 2013, số hộ làm lúa có từ 2ha trở lên như ông Út Tắc và ông Tư He chỉ chiếm có 3% trên toàn quốc và 14% ở ĐBSCL. Trên toàn quốc, khoảng 47% nông hộ có diện tích trồng lúa nhỏ hơn 0,2ha, trong đó bao gồm 63% diện tích sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Hồng và 8% ở ĐBSCL. Những con số trên cho thấy mức độ manh mún về ruộng đất trên cả nước và sự khác biệt giữa hai đồng bằng quan trọng của Việt Nam. Và tất nhiên, nó cũng cho thấy hai nông dân trên may mắn đến mức nào khi nằm trong số ít người có diện tích trồng lúa đủ lớn để có thể an tâm sống với nghề trồng lúa.

Không dễ nhân rộng

Mắt mũi vẫn còn dính bụi từ nhà máy xay xát gạo, ông Dương Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lương thực Vĩnh Bình niềm nở rót nước mời chúng tôi và say sưa kể về mô hình của Vĩnh Bình. Đây là nhà máy xay xát có công suất 100.000 tấn lúa/năm, nghĩa là hơn 50.000 tấn gạo/năm. Vào những đợt thu hoạch rộ như những ngày này, nhà máy chạy hết công suất nhưng vẫn phải lưu giữ thóc đã sấy của những hộ chưa muốn bán ngay để có thể duy trì nhà máy vào những ngày tiếp giáp giữa hai vụ lúa. Riêng vụ hè thu 2014, Vĩnh Bình xuống giống khoảng 7.000ha. Vụ thu đông tới này, diện tích xuống giống sẽ lên tới khoảng 16.000ha. Để có được ngày hôm nay, Vĩnh Bình đã phải trải qua những ngày đầu gian nan khi vận động bà con làm theo khi chưa có kết quả kiểm chứng để bà con có thể tin tưởng. Thậm chí cả khi vụ đầu trúng mùa, bà con cũng còn chưa tin tưởng bán lúa cho nhà máy. Nay thì mọi sự đã khác.

Theo kế hoạch của công ty mẹ, sắp tới Vĩnh Bình sẽ được công ty mẹ đầu tư khoảng 120 tỷ đồng để xây dựng thêm nhà máy xay xát cho giai đoạn II, có công suất tương đương với nhà máy đang hoạt động. Việc xây dựng thêm nhà máy nữa dựa trên cơ sở nhà máy đang hoạt động đã có hiệu quả và vùng nguyên liệu đang được mở rộng nhanh, vì nông dân thấy có lợi nên tham gia góp ruộng rất đông. Không những góp ruộng, nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn còn đang hứng thú với kế hoạch mua cổ phần của Vĩnh Bình với giá khoảng 30.000 đồng/cổ phần và mỗi người được mua 300 - 500 cổ phần.

Tuy nhiên, việc đầu tư thêm một nhà máy nữa vẫn rất khó khăn. Bản thân ông Duy nhận định: "Mô hình của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang rất khó nhân rộng vì đòi hỏi vốn ban đầu lớn, việc chắp mối các khâu từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, gieo sạ, làm cỏ, gặt, vận chuyển, thu mua, xay xát rồi đưa đi bán cũng không hề đơn giản". Chỉ tính riêng chi phí để làm vụ hè thu vừa rồi, Vĩnh Bình đã phải ứng ra khoảng 140 tỷ đồng trong 4 tháng cho nông dân để xuống giống và chăm sóc đến khi thu hoạch cho 7.000ha.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang muốn nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn này để thành mô hình mẫu cho toàn quốc. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: "Mô hình này rất khó để nhân bản, tái tạo vì mô hình này rất đặc thù". Mô hình này chỉ thành công với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang vì công ty này chủ động được nguồn thuốc bảo vệ thực vật, có nguồn lực tài chính lớn, có mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các đơn vị khác nên họ cung cấp đủ yếu tố đầu vào cho nông dân. Hiện nay, ở ĐBSCL chỉ có vài đơn vị đang cố gắng làm cánh đồng lớn nhưng không được như mô hình của Vĩnh Bình hay một vài mô hình cũng thuộc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Nguyên nhân chính là do không đủ vốn, dịch vụ để có thể cam kết gánh được rủi ro mùa vụ cho nông dân. Về lâu dài, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, nên tìm một mô hình tự nhiên hơn như là các doanh nghiệp thương mại, xay xát vươn lên đủ tiềm lực tài chính để có thể nhân rộng được cánh đồng mẫu lớn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nụ cười trên cánh đồng mẫu lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.