Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nông dân quá khó tiếp cận vốn

Nguyễn Mai| 20/12/2016 07:09

(HNM) - LTS: Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo sức bật mới cho nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp. Tuy vậy, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp, việc tiếp cận nguồn vốn vay còn có nhiều bất cập cần được tháo gỡ...

Tăng cường nguồn vốn cho nông dân sẽ góp phần thúc đẩy hình thành nền nông nghiệp chất lượng cao. Trong ảnh: Chăm sóc đàn lợn giống tại HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã tổ chức đa dạng các kênh dẫn vốn cho nông nghiệp, nông thôn nhưng nông dân vẫn rất khó khăn tiếp cận với các dòng vốn vay và tỷ lệ được vay vốn còn thấp. Hiện dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cả nước mới chiếm 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tại Hà Nội tỷ lệ này mới chỉ là 7,3%.

Đa dạng nguồn vốn nhưng tỷ lệ cho vay thấp

Hiện nay, kênh dẫn vốn cho nông nghiệp, nông thôn khá đa dạng, nhiều ngân hàng sẵn sàng phục vụ như: Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN&PTNT), Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân, Quỹ Khuyến nông... Các kênh này cho vay trực tiếp hoặc thông qua các tổ nhóm vay vốn của các hội, đoàn thể chính trị như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh... nên khá phù hợp với từng đối tượng vay.

Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay. Ví dụ, NHCSXH được coi là nguồn vốn dễ tiếp cận nhất nhưng chỉ cho đối tượng chính sách như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... được vay nên số hộ được vay vốn không nhiều và số vốn vay thấp. Tại Hà Nội, dư nợ của NHCSXH là 5.500 tỷ đồng với 290 nghìn khách hàng vay vốn, món vay tối đa là 50 triệu đồng nên chủ yếu là tiếp sức cho hộ chính sách sản xuất nhỏ.

Với những hộ không thuộc đối tượng chính sách và cần vốn lớn hơn để phát triển kinh tế thì kênh vốn chính là các ngân hàng thương mại và quỹ của các hội, ngành... Hiện nay, NHNN&PTNT là kênh chính đưa vốn đến khu vực nông nghiệp, nông thôn với dư nợ cho vay hơn 719 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 500 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ khuyến nông cũng là một trong những kênh dẫn vốn thông qua các dự án sản xuất cụ thể...

Mặc dù có nhiều nguồn dẫn vốn vay nhưng thực tế, số vốn cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lại chiếm tỷ lệ khá thấp bởi vướng nhiều rào cản. Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của NHCSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến hết tháng 11-2016 ước đạt gần 940 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ cho vay của cả nền kinh tế. “Nhà nước luôn xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, tuy vậy dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lại chiếm tỷ lệ khá thấp.

Điều đó cho thấy, đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa tương xứng với định hướng và chưa đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Đông nhận định. Tại Hà Nội, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thấp hơn, hiện mới chiếm 7,3% tổng dư nợ cho vay của các lĩnh vực. Trong khi đó, nhu cầu về vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp lại rất lớn. Hà Nội hiện có hơn 188.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Sau dồn điền đổi thửa, người dân đã tập trung đầu tư mạnh hơn cho sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi. Toàn thành phố có 1.637 trang trại, chủ yếu là trang trại chăn nuôi, thủy sản và trang trại tổng hợp, giá trị hàng hóa, dịch vụ mang lại khoảng trên 3.000 tỷ đồng.

Theo định hướng tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt từ 3,5% đến 4% và phát triển theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh gắn với du lịch... Mục tiêu đặt ra lớn đòi hỏi nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cao. Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ cho vay quá thấp như đã nói ở trên cho thấy, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội mới như "muối bỏ bể".

Vẫn rào cản cũ

Mô hình sản xuất rau an toàn tại phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Ảnh: Thái hiền


Dù nhiều hội thảo được tổ chức, dư luận nhiều lần lên tiếng (Báo Hànộimới, các số ra ngày 12 và 13-9-2016 cũng đã có bài đề cập đến vấn đề này) nhưng việc nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn của ngân hàng thương mại vẫn vấp phải hai rào cản cũ. Đó là các quy định về tài sản thế chấp (trong đó có các khó khăn về đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận trang trại) và xác định giá trị tài sản trên đất quá thấp so với thực tế. Đây là những khó khăn cơ bản chưa được các cấp, các ngành tháo gỡ kịp thời khiến nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng thương mại vẫn rất khó khăn.

Đáng nói lớn nhất là ruộng đất manh mún, không đủ diện tích được cấp Giấy chứng nhận trang trại để được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ngay đến cả Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Tuất cũng phàn nàn rằng, gia đình ông có trang trại chăn nuôi khá quy mô. Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay vốn ưu đãi theo chính sách dành cho phát triển kinh tế trang trại lại không vay được do chưa được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận trang trại. Theo ông Tuất, các trang trại phải có diện tích 2,1ha trở lên mới được cấp giấy chứng nhận, trong khi khu vực ngoại thành Hà Nội đất chật, người đông rất khó để tích tụ được diện tích lớn nên chính sách ưu đãi về vốn với nông dân còn xa vời. Ngay cả những hộ đã được công nhận là trang trại thì số vốn được vay cũng rất ít bởi các ngân hàng thương mại định giá tài sản thế chấp để cho vay vô cùng thấp.

Ông Đặng Đình Tiên, chủ trang trại gà Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) cho biết, giá trị thực tế của trang trại đạt trên 50 tỷ đồng nhưng do đất trang trại thuê thầu hợp đồng 5 năm; chuồng trại chăn nuôi thì được định giá rất thấp, nên chỉ được vay 600 triệu đồng, rất khó đầu tư cho công nghệ cao.

Tại hội thảo tín dụng ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển do Hội Nông dân thành phố phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện Ngân hàng SHB cũng thừa nhận thực tế: Nông dân vay vốn nông nghiệp, nông thôn đang gặp khó khăn, thách thức hơn rất nhiều so với cho vay các lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Hơn nữa, đầu tư cho nông nghiệp chứa đựng rất nhiều rủi ro, trong khi bảo hiểm cho nông nghiệp chưa phát triển nên các tổ chức tín dụng phần nhiều còn e ngại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nông dân quá khó tiếp cận vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.