Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nỗi khổ trước mắt...

Triệu Dương - Trung Hưng| 22/02/2012 06:19

Đã gần một tuần kể từ khi thực hiện chủ trương của thành phố thu hồi giấy phép trông giữ xe tại 262 tuyến phố, sự thông thoáng đã được trả lại... Cùng với đổi giờ làm, giờ học, việc lập lại trật tự trong việc trông giữ phương tiện giao thông trên các tuyến phố đang được Hà Nội quyết tâm thực hiện nhằm làm giảm ùn tắc giao thông.

LTS: Đã gần một tuần kể từ khi thực hiện chủ trương của thành phố thu hồi giấy phép trông giữ xe tại 262 tuyến phố, sự thông thoáng đã được trả lại... Cùng với đổi giờ làm, giờ học, việc lập lại trật tự trong việc trông giữ phương tiện giao thông trên các tuyến phố đang được Hà Nội quyết tâm thực hiện nhằm làm giảm ùn tắc giao thông.

Thay đổi một thói quen, nếp sống, không phải là chuyện nhỏ với mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng để xây dựng một thành phố văn minh, thanh lịch thì những chủ trương, biện pháp mà UBND TP Hà Nội đang triển khai là cần thiết. Có thể có những bất cập sẽ nảy sinh, nhưng vừa làm, vừa điều chỉnh, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được "chỗ đỗ" cho những nếp sống mới văn minh hơn.

Bài 1: Nỗi khổ trước mắt...

Cách đây vài năm, khi tìm điểm đỗ với đủ tiêu chí tiện ích: có mái che, gần nhà cho chiếc ô tô Mecerdec, gia đình chị Vân ở phố Nguyễn Lương Bằng phải chấp nhận mức giá tiền gửi khủng là 4,5 triệu đồng/tháng. Mức giá gửi xe trong tầng hầm siêu thị này, bằng 9 tháng gửi ở khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm và gấp 6 lần giá gửi xe ô tô hằng tháng trong khu vực nội đô và hiện vẫn giữ kỷ lục về giá thành trông giữ xe ngày đêm. Dù đã chịu mức giá "chát" như vậy, nhưng tuần vừa qua chủ bãi lại dọa chị Vân tăng thêm giá gửi xe để "theo kịp" giá thị trường.

Xe máy "cõng" ô tô

Không "may mắn" tìm được bãi đáp ưng ý và sẵn sàng bỏ ra mức phí "khủng" như gia đình chị Vân, anh Tú ở Trần Quý Cáp đành chọn giải pháp gửi xe ngoài trời tại khu Hoàng Cầu với mức phí đã lên tới 1,7 triệu đồng/tháng. Hằng ngày từ nhà đến chỗ để xe anh phải đi lại hơn 5 cây số trên quãng đường thường xuyên xảy ra ách tắc như Quốc Tử Giám, Nguyễn Lương Bằng…

Năm 2011 gia đình anh Thế Hùng ở Quan Hoa, Cầu Giấy tậu được chiếc ô tô. Sau khi mua xe, anh Hùng nhắm việc gửi xe tại bãi trông giữ trên đường Nguyễn Khang gần nhà. Nhưng niềm hân hoan về việc có chiếc xe "che mưa, che nắng" còn chưa kịp "ngấm", những ngày qua anh Hùng và hàng chục chủ xe khác nhận được thông báo, điểm trông giữ xe này bị giải thể. Anh Hùng phải đôn đáo mãi mới được gửi xe dưới chân cầu Chương Dương, cách nhà hơn 7km. Thế rồi, mấy ngày qua dù trời rét căm căm, mưa lạnh thấu xương, anh Hùng cũng đành từ bỏ những tiện ích của ô tô để lao ra đường trên chiếc xe máy cà tàng từ sớm tinh mơ, mất chừng 25 phút mới tới được bãi xe, sau đó lại mất thêm phí gửi xe máy để lấy ô tô đi làm.

Giá gửi xe tại các bãi hiện rất cao nhưng cũng không còn chỗ trống. Ảnh: Trung Kiên

KĐT Định Công (quận Hoàng Mai) tiếng là KĐT mới nhưng cũng lâm vào tình trạng quá tải bãi đỗ xe nghiêm trọng. Phục vụ các cư dân sinh sống tại đây có 2 "bãi xe chính quy" và khoảng 5 bãi xe tự phát nhưng nhiều người cũng buộc phải chấp nhận mang xe đi nơi khác, xa chỗ ở từ 1km tới vài km.

Dẹp ngoài phố, dạt vào ngõ

Đã gần tuần nay anh Bá Mạnh ở Đội Cấn vẫn chưa thể tìm được bãi gửi xe ô tô vì các bãi cách nhà trên dưới 1km đều đã quá tải, không nhận thêm. Trước thời điểm ngày 15-2, anh Mạnh vẫn gửi xe tại bãi trông giữ xe trước sân vận động Quần Ngựa, do Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội quản lý. Khi điểm đỗ này bị rút giấy phép, cộng với việc chưa tìm được bãi giữ, ban đêm, anh Mạnh cùng vài chủ xe khác chỉ còn cách đợi đêm xuống thật khuya mang xe về để trong sân khu tập thể. Do không có người trông coi, nên chiếc Honda Civic của anh Mạnh bị kẻ gian lấy mất đôi gương chiếu hậu. Cực chẳng đã, anh Mạnh và một vài người khách đành chấp nhận giải pháp gửi xe trong sân một trường tiểu học với mức phí là 50 nghìn đồng/đêm nhưng đến ngày 19-2 nơi gửi xe này cũng từ chối.

Bãi gửi xe trên phố Đặng Tiến Đông, hiện đã hết chỗ để xe có mái che, chỉ còn có thể trông giữ xe tại khu vực ngoài trời với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Nhân viên ở đây khoe: "Bắt đầu từ ngày 20-2, giá gửi xe bãi em mới tăng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng, vì các bãi khác đều tăng cả rồi. Không tin các anh đi hỏi xem. Nguyên nhân tăng giá là giờ nhiều nơi bị cấm nên hầu hết các bãi đều quá tải". Không xa khu vực này, một loạt các bãi gửi xe từ không có mái che, cho tới có mái che ở khu vực phố Hoàng Cầu, đều đã đồng loạt tăng giá từ 300.000 đến 400.000 đồng/xe. Để tận thu, một bà có bãi trông giữ xe ngày và đêm trên phố Hoàng Cầu còn làm cao: "Hiện nhà em không nhận gửi xe theo tháng nữa đâu, mà chỉ nhận trông xe theo ngày thôi. Ban ngày là 40.000 đồng, còn đêm là 50.000 đồng, nếu anh chấp nhận được giá đó thì gửi". Tương tự các bãi gửi xe tại phố Đặng Tiến Đông, những bãi khác trên phố Chùa Láng, Hoàng Cầu, phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khát Chân… đều đồng loạt tăng giá.

Trong cuộc chạy đua, nhà nhà tăng giá, bãi bãi tăng giá này các bãi gửi xe không phép nằm trong các con ngõ nhỏ hoặc tại các khu đất trống, các dự án chờ thi công xuất hiện ngày một nhiều. Theo khảo sát từ một tuần nay, một loạt những bãi gửi xe nằm trong phố Hoa Bằng, phố Yên Hòa, ngõ 24 phố Đặng Tiến Đông, ngõ 30 phố Mai Anh Tuấn, số nhà 52-54 Hàng Bồ… đều mới mọc thêm nhiều tấm biển kinh doanh gửi xe ngày và đêm. Có những bãi gửi xe như ở phố Hàng Bồ thực chất chỉ tận dụng khoảng trống ngôi nhà vừa đập đi đang chờ xây dựng để căng bạt giăng biển trông xe ngày và đêm, có những bãi là một khu đất chờ quy hoạch, nên bốn bề đều là cây cỏ, đất rác cao ngất, trong nền gạch đá lổn nhổn như ở phường Quan Hoa... Không ai bảo ai, tất cả các bãi này đều đang thu lợi theo "quy luật", đưa ra giá nào chủ xe cũng phải chấp nhận giá đó. Đương nhiên, những bãi giữ xe này rất tạm bợ, không có mái che, không có các trang thiết bị PCCC cần thiết.

Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân, liên ngành giao thông và CATP đã nghiên cứu, lập danh sách 230 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ phương tiện và đang trình lãnh đạo thành phố xem xét cấp phép. Còn trước mắt, như ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 3,8 triệu xe máy, 370.000 ô tô, riêng các quận nội thành Hà Nội có khoảng 184.000 ô tô và 2,3 triệu xe máy, nhưng một loạt điểm đỗ xe của thành phố, như: Ngọc Khánh, Nghĩa Tân, Dịch Vọng… được xây dựng theo quy hoạch phục vụ mục đích đỗ xe cũng chỉ tiếp nhận được hơn 2.800 ô tô. Chưa kể, nhiều dự án nhà cao tầng dù đã có quy định phải bảo đảm nhu cầu đỗ xe song hiện các công trình này chỉ đáp ứng được khoảng 30% số phương tiện, số còn lại vẫn tràn ra lòng đường, vỉa hè.

(còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nỗi khổ trước mắt...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.