Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những lúng túng từ cơ sở

Lê Hoàn| 07/01/2013 07:04

Ngày 3-10-2012, Thành ủy Hà Nội đã ra Chỉ thị số 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội. Tiếp đó, ngày 21-12-2012 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TƯ của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có những nội dung cụ thể về việc cưới, việc tang, lễ hội… Điều đó cho thấy sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về mọi mặt của đời sống xã hội. Tới thời điểm này, những chỉ thị nêu trên đã được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô triển khai trong cuộc sống như thế nào? Đâu là thuận lợi, khó khăn cùng những tồn tại cần tháo gỡ? Đây chính là những vấn đề được đề cập trong loạt bài.

LTS: Ngày 3-10-2012, Thành ủy Hà Nội đã ra Chỉ thị số 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội. Tiếp đó, ngày 21-12-2012 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TƯ của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có những nội dung cụ thể về việc cưới, việc tang, lễ hội… Điều đó cho thấy sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về mọi mặt của đời sống xã hội. Tới thời điểm này, những chỉ thị nêu trên đã được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô triển khai trong cuộc sống như thế nào? Đâu là thuận lợi, khó khăn cùng những tồn tại cần tháo gỡ? Đây chính là những vấn đề được đề cập trong loạt bài.

"Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới", một trong những việc cần làm ngay sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã được các đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội triển khai với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương. Sau 3 tháng, đã có nhiều cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện, thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu. Tuy nhiên, để mọi đám cưới trên địa bàn thành phố đều được tổ chức với tinh thần tươi vui, lành mạnh và tiết kiệm, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội thì cần sớm giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện chỉ thị tại cơ sở.

Cưới tập thể là một nếp sống văn minh của người Hà Nội.  Ảnh: Nhật Phan

Kết quả bước đầu đáng ghi nhận

Tròn 3 tháng kể từ khi Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11-CT/TU về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Đến nay, tinh thần của Chỉ thị: "không mời quá 300 người; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; không tổ chức ở những nơi chi phí quá tốn kém..." đã được các cấp ủy quán triệt đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều quận, huyện, thị ủy gắn thực hiện Chỉ thị với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

Quận ủy Long Biên chỉ đạo Đảng ủy các phường tổ chức chuyên mục "Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở", phát trên hệ thống đài truyền thanh phường một tuần hai buổi, kết hợp với tuyên truyền trực quan về việc cưới… coi kết quả thực hiện là tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa. Quận ủy Hoàng Mai đã tổ chức tọa đàm với thường trực đảng ủy các phường để nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn, tìm ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn quận. Cùng với tuyên truyền, vận động, nhiều cấp ủy đã giao ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư tăng cường giám sát việc chấp hành của cán bộ, đảng viên.

Thay đổi nếp nghĩ, thói quen có tính phổ biến là điều không dễ, nhưng rõ ràng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp đã cho thấy những tín hiệu vui. Bài trừ hiện tượng xa hoa, lãng phí, trục lợi… đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân đã lựa chọn hình thức cưới tiết kiệm, văn minh. Đã có nhiều đảng viên tổ chức cưới con không quá 50 mâm cỗ như gia đình các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh; Phó trưởng Công an quận, Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); Trưởng đài Truyền thanh và lãnh đạo một số xã của huyện Chương Mỹ.

Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thanh Oai tổ chức cưới cho con chỉ làm 20 mâm cỗ. Với huyện Ba Vì, tại xã Tòng Bạt cũng đã chấm dứt được tình trạng mời khách tràn lan, nhất là các gia đình cán bộ, đảng viên. Ở vùng đồng bào dân tộc Mường, Dao của 7 xã miền núi trên địa bàn huyện nay đã không còn tục thách cưới bằng bạc trắng, hầu hết các đám cưới tổ chức trong một ngày. Những đám cưới "không thuốc lá" trở nên phổ biến ở huyện Đông Anh. Tại quận Hà Đông, ngoài quy định "không quá 40 mâm cỗ" thì hình thức gửi giấy báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự cưới đã được nhiều cán bộ, đảng viên và người dân hưởng ứng… Đó là những ví dụ cụ thể cho thấy sức lan tỏa của Chỉ thị 11-CT/TU đã xuống tới cơ sở, đến với từng hộ gia đình, được cán bộ, đảng viên và người dân đón nhận và nhiệt tình ủng hộ.

Vẫn còn sự lúng túng

Theo nhận định của Ban Tuyên giáo Thành ủy, bên cạnh những kết quả đạt được thì một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU. Cùng với đó là việc thực hiện không kiên quyết, thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên nhưng chưa có chế tài xử lý, khiến dư luận còn băn khoăn về hiệu quả thực chất và cơ chế giám sát việc thực hiện Chỉ thị. Tại huyện Mê Linh, dù số mâm cỗ trung bình của các đám cưới có giảm so với trước đây nhưng vẫn còn khoảng 10-20% cán bộ, đảng viên tổ chức việc cưới cho bản thân và người thân vượt quá mức quy định được nêu cụ thể trong Chỉ thị 11-CT/TU.

Theo phản ánh của các đảng ủy cơ sở, hiện còn sự lúng túng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là việc phân biệt, làm rõ "khách mời và người trong họ tộc". Thực tế, ở ngoại thành có nhiều dòng họ lớn, khi "nhà có việc" người thân tới rất đông để chia vui. Bí thư đảng ủy một xã ở huyện Đông Anh chuẩn bị cưới con cho biết, dù quán triệt rất nghiêm tinh thần của Chỉ thị, không mời cán bộ huyện, cán bộ các xã bạn, song chưa biết cách nào để bảo đảm không quá 50 mâm, vì tính ra số người thân trong dòng tộc dự kiến cũng tới 60-70 mâm cỗ. Ngoài ra, việc định lượng mời không quá 300 người tại ngày tổ chức lễ cưới rất dễ dẫn tới tình trạng biến tướng, mời khách trong lễ ăn hỏi, dựng rạp… Trên thực tế, số đám cưới hơn 100 mâm cỗ vẫn còn tồn tại ở nhiều xã ngoại thành.

Để nâng cao hiệu quả của Chỉ thị 11-CT/TU, Thường trực Thành ủy cần sớm có hướng dẫn việc giám sát, kiểm tra và quy định hình thức xử lý vi phạm cụ thể đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Theo ý kiến của nhiều quận, huyện, cần đưa mục tiêu cưới trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm và nội dung thực hiện thành một trong những tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa. Bên cạnh đó, các cấp ủy phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhận thức đúng tinh thần Chỉ thị để đồng tình và thực hiện một cách tự giác, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch. Đặc biệt, Hà Nội có rất nhiều cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn đang công tác tại các cơ quan của trung ương, do đó cần thiết phải có phối hợp chặt chẽ giữa Thành ủy với các cơ quan này để Chỉ thị có sức lan tỏa, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cưới trên địa bàn Thủ đô.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những lúng túng từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.