Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nhọc nhằn mưu sinh

Quang Đạo - Nga Hải| 28/01/2015 06:45

LTS: Người thôn quê khi buộc phải dứt áo ra đi khỏi nơi

LTS: Người thôn quê khi buộc phải dứt áo ra đi khỏi nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình, mong ước giản đơn của họ là tìm được một công việc có thu nhập ổn định. Tuy nhiên thực hiện mục tiêu ấy không phải ai cũng được suôn sẻ như ý muốn. Ở nơi phố thị ồn ã, họ phải tự lo nơi ăn, chốn ở và quan trọng nhất là tìm một công việc phù hợp với bản thân. Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nhóm PV Hànộimới đã về các khu, cụm công nghiệp để chứng kiến cuộc sống còn bộn bề khó khăn của những người lao động xa quê hương.

Những phận công nhân phải sống xa nhà, ngoài việc chỗ ăn ở không ổn định, họ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ như mất việc làm, thu nhập bấp bênh, cuộc sống nhiều cám dỗ... Nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc! Họ vẫn bám công việc với mong muốn cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ vợi bớt khó khăn.

Bấp bênh ly nông!

Những ngày cuối năm Giáp Ngọ, chúng tôi đến thăm Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh lâm sản tại điểm công nghiệp Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai). Cánh cổng của doanh nghiệp đóng im ỉm, gọi mãi chúng tôi mới được một bảo vệ ra mở cửa. Bên trong công ty, không khí sản xuất trầm lắng. Hàng nghìn mét vuông nhà xưởng đấy nhưng chỉ thấy vài công nhân lặng lẽ làm việc. Cặm cụi cắt gọt tấm cót ép để tạo hình sản phẩm, anh Chu Văn Trưởng cho biết, anh đã làm ở công ty được 2 năm và đang được hưởng mức lương 3,6 triệu đồng/tháng. Vợ anh Trưởng là chị Phạm Thị Thao cũng làm ở đây nên hai vợ chồng thu nhập một tháng ngót 7 triệu đồng. "Ấy là công việc đều đặn, chứ phải tháng ít việc thì…" - anh Trưởng bỏ lửng câu nói. Cũng vì quê xa, tận huyện Thanh Ba (Phú Thọ), nên phải chừng 2 tháng vợ chồng anh Trưởng mới về thăm con một lần. Vì kế sinh nhai, anh Trưởng, chị Thao đã phải gửi lại đứa con 4 tuổi cho ông bà nội để lên Hà Nội kiếm việc. Anh Trưởng cho biết: "Ở quê ngày nông nhàn nhiều, kiếm việc làm thêm cũng khó". Lên Hà Nội, đồng lương khá thấp so với mặt bằng cuộc sống nơi đất khách nên anh chị phải tằn tiện lắm mới có chút ít để gửi về nuôi con ở quê. Về phần mình, vợ chồng anh Trưởng được Giám đốc Công ty ưu tiên cho một phòng ở ngay tại trụ sở doanh nghiệp để giảm chi phí đi lại. "Bữa ăn trưa giá 15.000 đồng được công ty đài thọ, bữa sáng và bữa tối thì chúng tôi phải tự túc nhưng cũng vẫn ăn ở nhà bếp cho đỡ tốn kém" - anh Trưởng nói.

Thu nhập thấp, rất nhiều công nhân cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp để về quê ăn Tết.Ảnh: Bảo Lâm



Khu nhà tuềnh toàng được gọi là dãy nhà ở công nhân của Công ty Lâm sản nằm ngay sát cửa ra vào. Anh Ngô Tuấn Vũ, quê cũng ở Phú Thọ, mới được nhận vào làm tại công ty được 2 tháng cho biết: "Dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng đối với những người ở quê xa như chúng tôi, được bố trí chỗ ăn ở là tốt lắm rồi. Ở một số doanh nghiệp khác, công nhân lao động phải tự túc chỗ ăn ở, vừa vất vả mà lại không ổn định". Nhìn căn nhà còn trống trải trong những ngày cận Tết, chúng tôi lặp lại câu hỏi về chế độ lương, thưởng Tết, cả anh Trưởng và anh Vũ đều cười xòa: "Chúng tôi chỉ biết làm phần việc được phân công, thưởng bao nhiêu do giám đốc quyết định và cũng còn tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp". Đem thắc mắc đó hỏi ông Phạm Văn Sắt, Giám đốc Công ty được biết, doanh nghiệp sẽ thưởng 15.000 đồng/ngày công theo ngày thực làm của công nhân trong cả năm. Như vậy, nếu công nhân tham gia đủ ngày công lao động thì tết năm nay sẽ được thưởng chừng 3 đến 4 triệu đồng.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện có 8 cụm công nghiệp với 927 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Đỗ Đăng Hùng cho biết, các cơ sở, doanh nghiệp của huyện Thạch Thất có sản phẩm khá chất lượng và đa dạng nên việc làm cho công nhân tương đối ổn định. Tuy vậy, mức thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp ở khu vực này cao nhất cũng chỉ đạt 7 triệu đồng, thấp nhất 3 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo ông Đỗ Đăng Hùng, trong thời buổi giá cả tăng cao, mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng đối với người lao động là thấp, do đó người lao động phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải cho cuộc sống ở mức tối thiểu.

Rời điểm công nghiệp Ngọc Liệp, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất nội thất gỗ tự nhiên Lợi Bảy, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất. Ông Lợi Bảy cho biết, doanh nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện những lô hàng cuối cùng của năm cũ để vận chuyển vào thị trường phía Nam do đó người lao động vẫn đang phải miệt mài làm việc. Tuy nhiên, do năm 2014 sản xuất gặp nhiều khó khăn, nên nếu như những năm trước cơ sở có khoảng 40-50 công nhân thì năm nay giảm mất một nửa với thu nhập bình quân chỉ đạt 3-3,5 triệu đồng/người/ tháng. Ông Bảy cho biết thêm, hầu hết công nhân đều tuyển từ các xã xung quanh nên chưa quen tác phong công nghiệp, điều này ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất và hiệu suất lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngày công lao động của họ chưa cao dẫn đến lương, thưởng Tết theo doanh thu không nhiều.

Điều kiện, môi trường làm việc nhiều bất cập

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Đặng Minh Thuần cho biết, hiện tại ở 8 khu công nghiệp của Hà Nội đã đi vào hoạt động thì mọi chuyện tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, với 107 cụm công nghiệp của thành phố đang có không ít khó khăn cần tháo gỡ. Nhìn chung, các cụm công nghiệp (CCN) đều gặp khó khăn về tài chính nên việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu bài bản, chắp vá, chưa hấp dẫn thu hút đầu tư. Ông Thuần thừa nhận do công tác quản lý nhà nước đối với các CCN còn nhiều bất cập nên phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế ảnh hưởng lớn đến điều kiện, môi trường tại các CCN. Hiện tại việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa được thực hiện tốt, có sự xem nhẹ thậm chí buông lỏng. Việc bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và giải quyết những vấn đề khi có tranh chấp lao động, quyền lợi, đình công chưa được tuân thủ đúng quy định, không bảo đảm sự yên tâm cho công nhân.

Thực tế qua tìm hiểu tại các CCN trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi nhận thấy còn một số bất cập và hạn chế đó là: Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến việc thành lập các chi bộ Đảng, tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên. Công nhân tại các CCN ít được tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội cũng như tư duy, kỹ năng trong cuộc sống. Người lao động dù luôn tận tụy với công việc nhưng họ không được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong các CCN chưa giải quyết tốt các chế độ chính sách, chưa bảo đảm chế độ tham gia bảo hiểm cho người lao động nên họ luôn bị thiệt thòi khi ốm đau, thai sản... Chị Nguyễn Thị Thắm, cán bộ quản lý công nhân của doanh nghiệp Đức Cường tại cụm công nghiệp Phùng Xá (huyện Thạch Thất) thừa nhận, do sử dụng lao động lấy từ các xã lân cận, những lao động này có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm khác nên họ chưa yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đây cũng chính là lý do doanh nghiệp chưa tham gia BHYT, BHXH hoặc bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân.

Điều băn khoăn nhất khi chúng tôi hỏi về những số liệu thống kê chung về thu nhập, số lượng công nhân, các tổ chức Đảng, đoàn thể, số lượng được tham gia bảo hiểm, tiền lương, thưởng Tết tại các CCN thì đều chưa nhận được sự trả lời bằng con số cụ thể. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong các CCN nói riêng vẫn chưa thực sự quan tâm tới quyền lợi của người lao động. Thế nên, họ - những công nhân lao động - vẫn cứ phập phồng lo âu trong nhọc nhằn mưu sinh, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nhọc nhằn mưu sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.