LTS: Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp Quân sự 4 bên Trung ương trong giai đoạn 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban Liên hợp quân sự 2 bên Trung ương, đồng thời là trụ sở, nơi đóng quân của hai phái đoàn quân sự ta từ ngày 28-1-1973 đến ngày 30-4-1975.
Nhân kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hànộimới xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết và một số tư liệu về quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh thầm lặng, nhưng cũng vô cùng hào hùng của các chiến sỹ giải phóng suốt 823 ngày trong hang ổ của kẻ thù.
Trại Davis (Davis Camp) Sài Gòn trước năm 1973. Tiền cảnh là Nhà tưởng niệm lính Mỹ Davis. |
Ngày 27-1-1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, đánh dấu một thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện một phần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đánh cho Mỹ cút. Theo khoản d, Điều 16, Chương VI của Hiệp định Paris, 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp Quân sự 4 bên. Theo Điều 17, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp Quân sự 2 bên. Ban Liên hợp Quân sự có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự mà hiệp định đã quy định (về ngừng bắn, rút quân Mỹ và chư hầu, hủy bỏ căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu, về trao trả nhân viên quân sự, nhân viên dân sự và tìm kiếm người mất tích...).
Trại Davis nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ban đầu, đây là nơi đóng quân của Tổ Viễn thám số 3 (3rd Radio Research-RR) Lục quân Mỹ. 3rd RR có nhiệm vụ giúp Nha An ninh quân đội Sài Gòn dò tìm, xác định chính xác vị trí các đài phát sóng truyền tin của quân Giải phóng, từ đó lần tìm vị trí đóng quân của ta, chỉ điểm cho máy bay, pháo binh địch bắn phá hoặc đưa quân đến càn quét tiêu diệt. Ngày 22-12-1961, thành viên của Tổ Viễn thám số 3 là Hạ sỹ quân báo James Thomas Davis, người gốc Caucase, sinh năm 1936 tại Livingston, tiểu bang Tennessee, cùng quân ngụy đi càn, bị phục kích chết tại Đức Hòa, Hậu Nghĩa (nay là Long An). Ngày 10-1-1962, đồng đội của J.T.Davis lấy tên anh ta đặt cho doanh trại nơi họ đóng quân, gọi là Trạm Davis (Davis Station), đồng thời lập cho Davis một cái nhà tưởng niệm (miếu thờ) nhỏ kiểu Công giáo trong doanh trại. Năm 1966, Nhóm Viễn thám 509 (509th Radio Research Group-RRG) đến thay Tổ Viễn thám 3, Trạm Davis được "nâng cấp", gọi là Trại Davis (Davis Camp). Cuối năm 1972 Nhóm Viễn thám 509 rút về Mỹ, Trại Davis bị bỏ hoang cho đến ngày 28-1-1973, khi trở thành trụ sở của Ban Liên hợp Quân sự và là nơi hai đoàn đại biểu quân sự ta đóng quân, ngay giữa sào huyệt địch.
Nhiều tài liệu cho rằng Trại Davis Sài Gòn được đặt theo tên người lính Mỹ đầu tiên chết trận tại miền Nam Việt Nam. Cứ theo logic ấy mà suy thì James Thomas Davis có cái "vinh dự" là quân nhân Mỹ đầu tiên bỏ mạng trên chiến trường xứ nhiệt đới này, nhưng không phải như vậy. Sự thật thì người lính Mỹ đầu tiên chết tại miền Nam Việt Nam là Trung sỹ Không quân Richard B. Fitzgibbon, sinh năm 1920, bị tai nạn chết ngày 6-8-1956. R.B Fitzgibbon cũng không phải là lính Mỹ đầu tiên chết trận tại Việt Nam. Do vậy, trên bức tường đá đen khắc 58.261 cái tên tại Khu tưởng niệm lính Mỹ chết tại Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) ở thủ đô Washington, đứng đầu danh sách là Thiếu tá Bael Buis và Trung sỹ Chester Ovman. Hai quân nhân này bị đặc công ta tiêu diệt ngày 7-7-1959 trong trận tập kích vào trụ sở của Phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ tại Biên Hòa đóng tại Biệt thự Nhà Xanh.
Davis Camp Sài Gòn là một trại lính dã chiến nằm trong khuôn viên hình năm cạnh lệch nhau, các cạnh dài khoảng 100 và 200m. Một bên là hào bảo vệ sâu 3m giáp đường băng, hai mặt khác là khu gia binh và một cơ sở bỏ hoang. Cổng Trại Davis mở ra đường Lê Văn Lộc, đối diện trại lính dù ngụy. Các nhà trong trại làm bằng gỗ thông cưa xẻ mang từ Mỹ sang, xây theo kiểu nhà sàn, quy cách thống nhất, mái lợp phibroximăng, tất cả hợp thành ba dãy nhà hình chữ U và một dãy nhà chéo, ở giữa có vài nhà trệt. Nội thất, đồ dùng giường tủ bàn ghế hoàn toàn bằng sắt. Với cái nắng nóng của Sài Gòn, nhiệt độ trong phòng có lúc lên đến hơn 40 độ C, cộng thêm tiếng máy bay cứ 5 phút lại một chuyến lên xuống suốt ngày đêm ngay sát doanh trại, sống ở đó giữa vòng vây kẻ thù suốt 2 năm, 3 tháng, 3 ngày, cán bộ chiến sỹ hai đoàn đại biểu quân sự ta đã lập một kỳ tích về ý chí kiên cường, hơn thế, đã góp phần đặc biệt xuất sắc, phối hợp với quân dân cả nước buộc quân Mỹ và chư hầu rút khỏi nước ta, đánh sụp đổ quân ngụy ngay trong sào huyệt của chúng.
(còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.