LTS: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện TP Hồ Chí Minh đang tồn tại khoảng 28 khu đất quy hoạch
LTS: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện TP Hồ Chí Minh đang tồn tại khoảng 28 khu đất quy hoạch "treo" với hàng ngàn hécta "đất vàng" đang bị bỏ hoang lãng phí. Việc chậm triển khai các dự án sẽ gây ra nhiều hệ lụy như làm giảm lòng tin của dân đối với hiệu lực quản lý của chính quyền; ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của KTXH, tạo môi trường không lành mạnh trong đầu tư (hiện tượng thu gom bất động sản, chuyển nhượng dự án)… Được biết, đầu tháng 10 này, HĐND TP sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng và quản lý quy hoạch đô thị, tiến độ triển khai các dự án và công trình tái định cư. Dư luận hy vọng, TP sẽ có những giải pháp mạnh tay xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch "treo".
Dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa đã quy hoạch gần 20 năm đến giờ vẫn hoang vu.
Điển hình về quy hoạch "treo", theo đánh giá của HĐND TP, là quận Bình Thạnh với 15/17 dự án lớn quy hoạch từ nhiều năm nhưng đến giờ vẫn "giẫm chân tại chỗ". Và giữ vị trí quán quân ở quận này về tình trạng trên là dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa với diện tích tới 450ha, khi để cỏ mọc đã gần… 20 năm.
Dài cổ chờ được… di dời
Dự án này được phê duyệt quy hoạch vào năm 1992. Năm 2004, UBND TP có quyết định giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn triển khai nhưng sau nhiều năm vẫn chỉ dừng ở mức kiểm kê, đo đạc nhà đất của dân chứ chưa bồi thường. Năm 2010, UBND TP quyết định thu hồi dự án của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn. Tuy nhiên, khoảng 3.400 hộ gia đình chưa kịp mừng vì tưởng thoát khỏi "án treo" thì lại thất vọng, vì dù dự án bị xóa nhưng TP vẫn quy hoạch đây là khu đô thị sinh thái.
Người dân phường 28 bức xúc cho biết, gần 20 năm nay, cuộc sống của hàng nghìn người nơi đây trong vòng luẩn quẩn: muốn bán nhà đất những không ai mua; không thế chấp nhà đất được… Nhiều người tìm cách bán rẻ để đi nơi khác ở nhưng chẳng người nào dám mua vì ai cũng biết đây là khu quy hoạch treo, hơn nữa chính quyền địa phương cũng không thể xác nhận vào giấy mua bán. Bà Lê Thị Thu Hà, nhà tại hẻm 558, đường Bình Quới (phường 28, quận Bình Thạnh) ấm ức nói: "Sống ở đây chẳng khác nào ở trọ, vì muốn xây cũng không được. Đường sá hẹp, trời mưa hoặc triều cường lại ngập úng, lầy lội. Chúng tôi mong muốn Nhà nước công khai quy hoạch và thời gian giải tỏa, phương thức đền bù… cho người dân được biết. Nếu không thì Nhà nước phải xây dựng đường sá, cống rãnh để dân đỡ khổ!".
Đáng báo động, tại phường 27 cũng nằm trong khu quy hoạch "treo" trên có dãy nhà chung cư thuộc lô 4 và lô 6 với 280 hộ dân đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Bà Võ Thị Thủy, sống tại nhà số 16, lô 6, tổ 7 cho biết, gia đình rất hoang mang, lo sợ vì lô này đang bị nghiêng, lún. Nhiều hộ dân sống tại hai lô chung cư này cho biết, họ cũng trong tâm trạng phập phồng lo cho tính mạng gia đình. Chính quyền địa phương cũng liên tục cảnh báo rằng, chung cư đang xuống cấp nặng và yêu cầu các hộ dân chuẩn bị di dời gấp. Nghe vậy, dân khấp khởi mừng, tưởng sắp kết thúc những tháng ngày cơ cực, nhưng chờ… dài cổ vẫn không thấy cơ quan chức năng đưa ra phương án di dời cũng như phương thức đền bù giải tỏa.
Những khu "ổ chuột" bất đắc dĩ
Một điển hình bức xúc về quy hoạch "treo" của quận Bình Thạnh nói riêng và TP nói chung là phường 13, nơi có dự án quy hoạch Khu dân cư thương mại Bình Hòa rộng 16ha (theo Quyết định số 3289/QĐ-UB của UBND TP ký năm 2004 giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư). Sau gần 8 năm trời, dự án mới thực hiện được 9ha. Phần còn lại đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bồi thường để thực hiện tiếp dự án.
Trong căn nhà tồi tàn nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở phường 13, anh Hoàng Phương chia sẻ: "Đã 11 năm nay rồi chính quyền không cho chúng tôi xây vì bảo rằng nhà nằm trong quy hoạch". Nhà anh Phương giờ đã quá xập xệ, bê tông lở mủn, những cây kèo chống đỡ mái đã mục nát. Hàng chục căn nhà khác của người dân nơi đây cũng nằm trong tình cảnh như thế. Tất cả nằm sát một khu đất hoang rộng hàng chục hécta, là "thiên đường" của muỗi. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, nếu thêm triều cường thì khu dân cư này trở nên ngập ngụa, hôi thối kéo dài mấy ngày sau đó.
Tại phường 12, cũng có dự án quy hoạch khu công viên cây xanh từ năm 1993 nhưng đến nay vẫn không thấy một hạng mục nào được xây dựng ngoài những bãi đất hoang và những ngôi nhà "ổ chuột". Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn các hộ dân đều không sơn trát tường nhà. Vì vậy, thoạt nhìn những ngôi nhà chẳng khác nào một thành phố bỏ hoang. Hì hụi dùng nilon bọc đồ đạc tránh nước mưa, bà Hoa (ở tổ 50 thuộc phường 12) ngán ngẩm nói: "Nhà tôi, tôn thì mục, tường xây gạch ống trám xi măng tạm bợ. Mùa mưa này thì khỏi nói, ở trong nhà mà cứ như đứng ngoài đường. Tôi đã xin thay cả năm nay rồi mà phường không cho, vì khu vực này vẫn chưa xóa quy hoạch!".
Dự án "treo" khắp nơi
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, tính đến thời điểm này TP đang tồn tại khoảng 28 khu quy hoạch "treo". Sở này cũng thừa nhận, số liệu này là chưa đầy đủ do UBND các quận, huyện chưa gửi báo cáo tổng hợp thực trạng quy hoạch "treo" tại địa phương mình.
Theo HĐND TP, người dân nhiều nơi cũng khốn khổ vì quy hoạch "treo" chẳng khác gì ở quận Bình Thạnh. Điển hình như khu vực phường 15 quận Gò Vấp, có dự án chiếm trọn một cù lao (ấp Doi) với diện tích tự nhiên hơn 40ha, khoảng 665 hộ dân và hơn 2.700 nhân khẩu đang sinh sống. Từ năm 1998, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch 1/500 làm đất cây xanh. Sau đó TP nhiều lần điều chỉnh và quy hoạch khu đất trên thuộc đất sử dụng hỗn hợp phục vụ tái định cư tại chỗ và tái định cư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn quận Gò Vấp. Thế nhưng đến nay quy hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây cũng bị "treo", không những thế mọi hoạt động xây dựng nhà cửa, hạ tầng cũng bị đình trệ. Đến nay cả khu phố chỉ mới có 45 hộ có “sổ đỏ”. Hoặc như tại huyện Bình Chánh, có hàng loạt quy hoạch với bản vẽ tổng thể nom rất "hoành tráng" như dự án Hồ sinh thái Vĩnh Lộc (14 năm), Khu đại học 560ha xã Hưng Long, Cụm tiểu thủ An Hạ…, nhưng đến nay vẫn đang "treo", đồng nghĩa với việc "treo" luôn quyền lợi chính đáng của người dân, bởi chủ đầu tư cố tình "dây dưa" nhiều năm không chịu triển khai.
Được biết, HĐND TP Hồ Chí Minh đã chọn ra 15 khu vực điển hình để đề nghị cơ quan chức năng của TP phải có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch "treo", chấm dứt nỗi khổ ải mà hàng ngàn hộ dân đang phải gánh chịu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.