Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống tạm bợ do vướng quy hoạch treo 21 năm

Dung Nhi| 12/04/2023 22:14

(HNMO) - Hơn 600 hộ gia đình sống trong cảnh tạm bợ, bức bí, không thể sửa chữa nhà hỏng hay không xây mới vì khu nhà ở đang nằm trong quy hoạch Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) - một dự án đã treo hơn 21 năm qua.

(HNMO) - Hơn 600 hộ gia đình sống trong cảnh tạm bợ, bức bí, không thể sửa chữa nhà hỏng hay không xây mới vì khu nhà ở đang nằm trong quy hoạch Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) - một dự án đã treo hơn 21 năm qua.

Theo quan sát của phóng viên, quanh khu vực hồ điều hòa Hạ Đình là hàng trăm nóc nhà cũ, được xây dựng từ những năm 2000. Nhiều nhà lợp mái tôn, quây tạm, nhiều nhà đã xuống cấp, bên trong ẩm thấp. Nhiều hộ có diện tích nhỏ hẹp, điện, nước không được nâng cấp, không có không gian riêng nên chỗ ngủ, ăn và sinh hoạt đều chung. 

Nhiều hộ có diện tích nhỏ hẹp, mọi sinh hoạt tập trung tại một căn phòng.

Chia sẻ với phóng viên, bà Quách Thị Thạch ở ngõ 192/84 phố Hạ Đình cho biết, ngôi nhà của gia đình đã xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng không thể sửa chữa vì không xin được giấy phép. Còn bà Nguyễn Thị Việt ở ngõ 192 phố Hạ Đình rất lo lắng vì gia đình bà có 6 người, sinh sống trong căn nhà diện tích 40m2 đã xuống cấp, quá ẩm thấp, chật chội nhưng cũng không được phép xây dựng lại. 

Rác thải bỏ bừa bãi trước các ngôi nhà cũ kỹ.

Đặc biệt, gần đây, các hộ dân rất bức xúc vì tình trạng nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống hồ điều hòa Hạ Đình khiến hồ bốc mùi hôi. Rác cũng tấn công khiến hồ điều hòa trở nên bẩn, nhếch nhác. Gánh chịu không khí ô nhiễm nặng nề nhất là các hộ dân ở Tổ dân phố số 10, cụm dân cư số 5, phường Hạ Đình. Ông Phạm Công Hoan, người dân nơi đây cho biết, khi trời mưa to, nước cao càng bốc mùi khó chịu.

Liên quan đến vấn đề nước thải xả xuống hồ điều hòa Hạ Đình gây ô nhiễm môi trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân, ông Bùi Đắc Hùng cho biết, việc duy tu, bảo dưỡng hồ do Xí nghiệp Thoát nước số 2 phụ trách. Còn việc các hộ dân không thể xin giấy phép xây dựng tạm nhà ở là do giấy tờ nhà đất của nhiều trường hợp chưa phù hợp theo quy định tại Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017, quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng, nên UBND quận chưa có đủ cơ sở để cấp phép tạm.

Nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống hồ điều hòa Hạ Đình khiến nước hồ ô nhiễm.

Về nguyên nhân chậm triển khai dự án, ông Bùi Đắc Hùng cho biết, từ ngày 17-12-2001, UBND thành phố giao UBND quận Thanh Xuân triển khai Dự án đầu tư Công viên hồ Hạ Đình. Tuy nhiên, do khiếu kiện kéo dài liên quan đến việc cấp đất giãn dân tại khu vực Công viên hồ điều hòa Hạ Đình nên dự án chậm triển khai. UBND quận cũng đã kiểm tra, rà soát lại việc cấp đất giãn dân tại khu vực do UBND xã Khương Đình thực hiện từ năm 1993, báo cáo khó khăn với thành phố. Sau khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất một số giải pháp, tháng 3-2007, UBND thành phố chấp thuận nguyên tắc đề xuất của Sở cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực Công viên hồ điều hòa Hạ Đình.

UBND quận đã tổ chức điều tra hiện trạng, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và trên cơ sở góp ý của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án quy hoạch sơ bộ với tiêu chí hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng, bảo đảm được một phần cảnh quan và không gian cây xanh cho khu vực; trong đó, bố trí một phần diện tích trong công viên để xây dựng nhà ở cao tầng tái định cư tại chỗ cho toàn bộ hộ dân. Tuy nhiên, có 74,14% phiếu không đồng thuận, nguyện vọng của nhân dân là giữ nguyên hiện trạng, ổn định đời sống, chỉ mở rộng đường và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật. 

Trước đó, từ ngày 5-9-2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản đề xuất với UBND thành phố 4 phương án, cụ thể: Một là, di dời toàn bộ hộ dân trong khu vực quy hoạch về tái định cư tại khu tái định cư thành phố, giải phóng mặt bằng xây dựng công viên theo quy hoạch được duyệt; Hai là, tái định cư tại chỗ, tách 76 hộ thuộc Quyết định số 2216/QĐ-UB ngày 7-6-1993 của UBND thành phố đưa về đúng vị trí X4, số còn lại giải phóng xây dựng công viên, đưa về quỹ nhà tái định cư khu tái định cư thành phố; Ba là, nghiên cứu cắt một phần diện tích trong công viên để xây dựng nhà ở cao tầng tái định cư tại chỗ cho toàn bộ hộ dân. Bốn là, quy hoạch theo hướng cải tạo chỉnh trang và cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực. Phương án này thể theo nguyện vọng của các hộ dân và đề xuất của UBND quận Thanh Xuân ngày 22-1-2018 trên tinh thần giữ nguyên diện tích mặt nước hiện trạng của dự án thoát nước thành phố và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết hợp cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện có.

Đến tháng 5-2018, UBND thành phố giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì, tổ chức nghiên cứu định hướng quy hoạch chi tiết khu vực công viên cây xanh hồ điều hòa Hạ Đình, khảo sát và đánh giá hiện trạng khu đất, đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng, cho đến nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội vẫn đang tiếp tục hoàn thiện phương án định hướng về quy hoạch chi tiết khu vực nêu trên. Quận vẫn đang chờ phương án cụ thể từ Viện để có cơ sở chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 công viên hồ điều hòa Hạ Đình.

Được biết, hiện nay, dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - giai đoạn 2 đã thực hiện xong việc kè hồ, thi công đường dạo quanh hồ. Tuy nhiên, trong quá trình thực tế đã nảy sinh ô nhiễm môi trường. Vì vậy, quy hoạch Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình vẫn tiếp tục treo cho đến khi nào Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đưa ra phương án cụ thể nhất, và như thế những hộ dân nơi đây vẫn tiếp tục sống trong những ngôi nhà cũ nát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sống tạm bợ do vướng quy hoạch treo 21 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.