Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Khi thiên nhiên nổi giận

Tuấn Lương| 11/10/2011 06:58

Diễn biến thời tiết ngày càng khó lường là hậu quả của BĐKH đang tác động trực tiếp đến Việt Nam. Dưới tác động của BĐKH, khí hậu ngày càng khắc nghiệt và trái với quy luật tự nhiên.

LTS: Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia trên thế giới dễ tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). BĐKH đang gây tác động toàn diện lên tất cả các mặt của kinh tế - xã hội và môi trường, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Loạt bài Biến đổi khí hậu - Hiểm họa cận kề sẽ cung cấp thêm thông tin để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Diễn biến thời tiết ngày càng khó lường

Diễn biến thời tiết ngày càng khó lường là hậu quả của BĐKH đang tác động trực tiếp đến Việt Nam. Dưới tác động của BĐKH, khí hậu ngày càng khắc nghiệt và trái với quy luật tự nhiên. Mùa hè nắng nóng kéo dài lên tới 39-40 độ C, mùa đông lạnh cắt da thịt, nhiệt độ nhiều ngày xuống tới 5-7 độ. Một số khu vực miền núi còn xuống tới 0 độ C. Bão lũ đến thường xuyên hơn. Có nhiều năm, bão chồng lên bão. Tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng đã gây tổn thất lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường.


Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, nông dân mất mùa, đường phố úng ngập. Ảnh: Thái Hiền

Theo báo cáo của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường, tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,1 độ C và mực nước biển dâng 2,5-3cm trong vòng mỗi thập kỷ qua. Sự thay đổi chế độ mưa với lượng mưa tăng vào mùa mưa nhưng lại giảm vào mùa khô là nguyên nhân gây ra lũ lớn thường xuyên hơn và hạn hán xảy ra hằng năm ở hầu hết các khu vực trong cả nước. Điểm qua một số vụ thiên tai trong vài năm qua sẽ thấy một thực tế rằng, dù Chính phủ và các cơ quan liên quan đã xây dựng những kịch bản về BĐKH và đề ra các giải pháp ứng phó nhưng thực tại luôn phũ phàng hơn kịch bản. Những hiểm họa mang tên BĐKH đã, đang đổ ập xuống nhiều vùng, cướp đi nhiều sinh mạng và gây ra vô số thiệt hại nghiêm trọng. Chỉ một trận mưa kéo dài 3 ngày vào tháng 10-2008 đã "dìm" nội thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận trong biển nước, làm chết 17 người, gây tê liệt giao thông và hủy hoại nông nghiệp đáng kể. Trong 3 ngày đó, lượng mưa đo được tại Hà Nội là hơn 500mm, tại Hà Đông hơn 800mm. Đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung đầu tháng 11-2009 không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người mà còn gây thiệt hại vô cùng nặng nề về tài sản. Theo thống kê sơ bộ tại thời điểm đó, giá trị thiệt hại lên tới gần 2.200 tỷ đồng. Trong đó Bình Định thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, Gia Lai 1.000 tỷ đồng, Đắc Lắc 86,7 tỷ đồng, Khánh Hòa 21,8 tỷ đồng, Quảng Ngãi 20 tỷ đồng. Chưa kịp gượng dậy sau bão thì trận lũ kéo dài gần 10 ngày vào tháng 10-2010 ở 5 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) đã cướp đi sinh mạng của 66 người, khiến 17 người mất tích, 75 người bị thương. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 2.562 tỷ đồng… Ngay trong những ngày tháng 10-2011 này, dải đất miền Trung vẫn đang phải hứng chịu hậu quả của cơn bão số 5, số 6 vừa tàn phá cách đây ít ngày. Trước những biến cố thiên nhiên dữ dội như vậy, con người càng trở nên bé nhỏ và bất lực.

Ông Hoàng Đức Cường, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường cho rằng, một trong những biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam là sự gia tăng tác động của hiện tượng El Nino/La Nina. Trong thời gian qua, thời tiết nắng nóng ở Hà Nội nói riêng và Bắc bộ, Trung bộ nói chung là hệ quả của hiện tượng El Nino. Hiện tượng nắng nóng kéo dài cũng là hệ quả của BĐKH.

Không thể thờ ơ

Một số ý kiến khác giải thích, BĐKH thời gian qua ngày càng trở nên phức tạp hoàn toàn xuất phát từ con người, từ việc chặt phá rừng đầu nguồn một cách bừa bãi cho đến sử dụng quá nhiều năng lượng gây phát thải khí nhà kính… Kết quả là chính con người phải hứng chịu cơn cuồng nộ của thiên nhiên. GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, ở Việt Nam vẫn đang có những luồng tư duy coi thường BĐKH. Nhiều người nghĩ BĐKH chỉ là nước biển dâng, thậm chí còn tỏ ra chủ quan, thờ ơ, cho rằng mỗi năm nước dâng lên 1cm thì còn lâu mới ảnh hưởng đến mình. Rồi những dự báo mãi đến năm 2050 mới tác động đến Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long…

Trên thực tế thì khác hẳn, BĐKH đã tác động khắp nơi ở nước ta. Đó là sự bất thường và cường độ ngày càng lớn về bão lũ, là thủy triều bị thay đổi chế độ làm cho TP Hồ Chí Minh ứ nước sông, gây ngập lụt. Bắc Trung bộ vừa lụt, Nam Trung bộ lại lụt. Trong lịch sử từ trước tới nay ít xảy ra hiện tượng lũ lớn và liên tục như vậy. Những năm trước, tại khu vực miền Trung, mỗi năm chỉ một đến hai tỉnh bị ngập nặng như Huế hay Đà Nẵng. Nhưng, đến thời điểm hiện nay, bão hình thành nhiều, liên tục cùng sức tàn phá lớn hơn khắp miền Trung. Rồi tình trạng hạn hán kéo dài chưa từng có ở miền Bắc vừa qua, tất cả là hệ quả của BĐKH. Thời tiết đang diễn biến phức tạp, khôn lường và nhanh hơn chúng ta dự kiến. BĐKH xảy ra ngoài ý muốn của con người. Những bất thường về mưa, bão rất khó chống lại, mà chỉ có thể nghĩ đến phương án giảm thiểu mà thôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Khi thiên nhiên nổi giận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.