LTS: Khi cho ý kiến đối với dự thảo Luật Thủ đô, quan điểm chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là phải tìm cơ chế đặc thù để Hà Nội làm tròn chức năng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế;...
Bài 1: Hành lang pháp lý cần cụ thể, phù hợp
Theo Ủy ban Pháp luật của QH, trong 63 tỉnh, TP cả nước, có nhiều vùng đất linh thiêng, hào hoa, trong đó có Hà Nội. Song, Hà Nội không chỉ có thế. Với vị trí là Thủ đô Hà Nội có những đặc thù nhất định, chính vì vậy, Hà Nội phải có đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, bảo đảm tuyệt đối về quốc phòng, an ninh xứng tầm là Thủ đô, trái tim của cả nước. Muốn vậy, cần thiết có những cơ chế mang tính đặc thù riêng một đạo luật cho Thủ đô.
Xuyên suốt một quan điểm
Đại biểu QH Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, xu thế phát triển, đặc biệt sau khi được mở rộng địa giới hành chính, đã đặt Thủ đô trước rất nhiều vấn đề phải xử lý, trong đó có nhiều vấn đề thời sự, bức xúc và rất khó như giao thông, trật tự đô thị, dân số, ô nhiễm môi trường... "Đã đến lúc Thủ đô cần một số cơ chế, chính sách đặc thù mạnh mẽ, quyết liệt để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, phát triển xứng đáng với trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước - ông Học nhấn mạnh. Chính phủ cũng khẳng định, để có đủ khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra, cần thiết phải nâng Pháp lệnh Thủ đô lên thành luật, góp phần xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay đối với Hà Nội cũng như đề ra những định hướng lâu dài, ổn định cho việc xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô trong tương lai. Đồng thời, tăng cường sự quản lý, giám sát của QH, nhân dân và các cơ quan, tổ chức liên quan khác đối với hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Luật Thủ đô ra đời, Hà Nội sẽ có điều kiện phát triển toàn diện. Ảnh: Viết Thành |
So với dự thảo công bố ngày 16-1-2010, dự thảo Luật Thủ đô mới nhất gồm 17 cơ chế đặc thù (giảm 7 cơ chế đặc thù so với dự thảo cũ). Khi có đại biểu QH đắn đo ban hành Luật Thủ đô có gì vướng với Hiến pháp không hoặc ban hành rồi tạo ra cơ chế gì đặc thù, thiết kế gì đặc biệt cho Thủ đô không? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: Thứ nhất, Hà Nội với tư cách là đơn vị hành chính cấp tỉnh của Nhà nước, chịu sự điều chỉnh chung của hệ thống pháp luật. Yêu cầu đó được thể hiện ngay trong mục tiêu của dự án luật. Những quy định riêng trong dự án luật là những quy định bổ sung cho hệ thống pháp luật hiện hành, đương nhiên không trái với Hiến pháp; thứ hai, trong dự án luật xuyên suốt một ý tưởng là bảo đảm sự quản lý thống nhất từ TƯ đến địa phương với yêu cầu là những cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô cơ bản do các cơ quan nhà nước ban hành; đồng thời, Chính phủ cũng mạnh dạn đề nghị có một cơ chế giám sát riêng về quản lý ngân sách, xây dựng, quốc phòng an ninh… trong luật này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, 17 cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo luật về cơ bản ứng với số lượng, kế thừa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được quy định trong Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội. Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội quy định 20 cơ chế đặc thù, trong đó 17 cơ chế, chính sách đã được vận dụng nâng lên thành luật lần này.
Vấn đề nóng - áp lực dân số tăng nhanh
Được dư luận đặc biệt quan tâm ngay từ quá trình chuẩn bị dự án luật là vấn đề kiểm soát nhập cư. Theo kết quả thống kê, số lượng người nhập cư đến Hà Nội ngày một tăng nhanh theo cấp số nhân. Đơn cử như huyện Từ Liêm có đông dân cư nhất TP với số dân hơn 37 vạn người (gấp 1,9 lần so với 10 năm trước đây). Đáng chú ý là quỹ đất của nội thành rất hạn chế, diện tích ở bình quân đầu người là 20,8 m2/người, với tỷ trọng nhà cho thuê hoặc mượn là 9,4%. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội năm 2009 là 1.926 người/km2 và nay đang tăng dần lên, so với Đà Nẵng là 691 người/km2 và TP Hồ Chí Minh là 3.399 người/km2. Tuy nhiên, phân bố dân cư ở Hà Nội không đều và có sự khác biệt lớn giữa các quận nội thành và các huyện. Để giảm sức ép do gia tăng về tốc độ nhập cư vào khu vực nội thành, song vẫn bảo đảm cho người dân có điều kiện sinh sống và làm việc hợp pháp tại Thủ đô, dự thảo luật đã quy định hạn chế và kiểm soát chặt hơn việc nhập cư vào nội thành chứ không phải tất cả các quận, huyện của Hà Nội. Vừa qua, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, cũng đã thắt lại một phần đối với các TP trực thuộc TƯ và có quy định riêng đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đây là vấn đề được xem là có ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp và người dân, có nhiều ý kiến trái chiều, vì thế đã được nhóm nghiên cứu xây dựng báo cáo chọn là vấn đề quan trọng hàng đầu để đánh giá một cách chi tiết. Ba phương án để giải quyết vấn đề đã được phân tích. Phương án 1A là giữ nguyên hiện trạng, tức là không có quy định riêng nhằm kiểm soát số người nhập cư vào các quận khu vực nội đô ngoài biện pháp đã quy định trong Luật Cư trú. Nếu một cá nhân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP từ 1 năm trở lên thì có thể được đăng ký thường trú. Theo nhóm nghiên cứu, phương án này không có lợi ích với cả Chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời làm tăng chi phí của Chính phủ, giảm ngân sách của TP, người dân phải gánh thêm hàng loạt chi phí tăng.
Phương án 1B quy định giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành TP Hà Nội đối với trường hợp được điều động, tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại cơ quan, tổ chức thuộc khu vực nhà nước. Chỉ quy định các điều kiện đăng ký thường trú trong nội thành với các nhóm đối tượng còn lại, gồm: có việc làm hợp pháp, ổn định ở Hà Nội; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà ở thuê lâu dài của tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục tại nơi đề nghị được đăng ký thường trú ít nhất 3 năm. Ngoài biện pháp hành chính kể trên thì dự luật cũng mở ra hướng xây dựng và phát triển ở ngoại thành, kể cả việc tạo công ăn việc làm, xây dựng nhà ở xã hội… nhằm giảm tải số lượng dân cư trú trong khu vực nội đô.
Cuối cùng, phương án 1C sẽ không áp dụng các biện pháp hành chính mà áp dụng một gói gồm các biện pháp khuyến khích để hạn chế tập trung dân cư trong khu vực nội đô và giãn dân ra khu vực ngoại ô. Cụ thể là Chính phủ sẽ bắt buộc các dự án xây dựng mới văn phòng và nhà ở phải đặt ở ngoại ô, hạn chế xây mới nhà cao tầng ở nội đô; trợ giá trực tiếp cho người có nhu cầu sử dụng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực ngoại ô và trợ giá trực tiếp chi phí đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng ở những tuyến đường đến khu vực này. Tiếp đến là tạo cơ chế ưu đãi cho các điểm xây dựng bệnh viện chất lượng cao ở khu vực ngoại ô; chuyển dần các trường đại học và các cơ quan hành chính ra khỏi phạm vi nội đô hoặc xây dựng khu hành chính của thành phố ở khu vực ngoại ô. Ở phương án này, Chính phủ phải chịu nhiều chi phí hơn, nhưng người dân sẽ gia tăng "đáng kể" cơ hội có nhà ở với giá cả phù hợp với thu nhập bình quân. Không những thế còn có thu nhập cao hơn và từ đó giúp được cho gia đình ở quê hương.
Từ những phân tích trên đây, ưu tiên lựa chọn của nhóm nghiên cứu là phương án 1C kết hợp với phương án 1B. Theo lựa chọn này, mặc dù Chính phủ và chính quyền Thủ đô sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn nhưng về lâu dài "chắc chắn lợi ích sẽ lớn hơn chi phí".
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia TP Nguyễn Hồng Tuyến tính toán, với tính bao quát cao, dự án Luật Thủ đô "động chạm" tới 11 đạo luật khác. Vì vậy, Ban soạn thảo cần cố gắng ở mức tối đa để luật càng cụ thể càng tốt. Ông Tuyến hiến kế: "Ban soạn thảo nên vừa chỉnh sửa luật, vừa chuẩn bị nội dung nghị định trình Chính phủ cùng một lúc để hạn chế tình trạng luật chờ nghị định". Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, từ nay đến Kỳ họp thứ 9 (Quốc hội Khóa XII) diễn ra vào tháng 3 tới - thời gian không còn nhiều. Ban soạn thảo cần có văn bản đối chứng giữa dự luật này với các đạo luật đã có để các đại biểu QH nghiên cứu kỹ hơn, tạo sự đồng thuận cao nhất khi góp ý, biểu quyết thông qua Luật Thủ đô.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’Sor Phước: Tôi đề nghị phải xem lại phạm vi của Luật Thủ đô Hà Nội như thế nào, với các vấn đề đặc thù cũng phải cực kỳ ngắn gọn để tạo điều kiện cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện về KT - XH. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Tôi đề nghị nghiên cứu cơ chế khuyến khích để cho những đô thị lớn phát triển dịch vụ y tế chất lượng cao và tư nhân cũng tham gia để giảm bớt bệnh viện công. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận: Tôi rất muốn có luật Thủ đô. Vì xây dựng Luật Thủ đô nếu chỉ căn cứ Pháp lệnh Thủ đô thì đã cũ lắm rồi, tư tưởng lúc đó khác. Lâu nay tôi vẫn quan niệm, muốn xây dựng Luật Thủ đô thật sự có hiệu lực, hiệu quả nó phải đạt được trên 3 phương diện: thứ nhất, phải phù hợp với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền; thứ hai, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; thứ ba, quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ của Quốc hội Đào Trọng Thi: Các cơ chế đặc thù phải thực sự cần thiết, hiệu quả. Tôi tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô cũng như ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực. Tôi cũng tán thành nguyên tắc đã nêu để lựa chọn đâu là những vấn đề đặc thù, quy định như thế nào trong luật để vừa bảo đảm được yêu cầu quản lý, phát triển của Thủ đô, đồng thời bảo đảm được tính hợp hiến, phù hợp với mặt bằng chung. Cụ thể các cơ chế đặc thù phải thực sự cần thiết, phải có hiệu quả, bảo đảm tính ổn định, hợp lý, trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, phải quy định tương đối cụ thể trong những trường hợp không cần giao cơ quan khác quy định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.