(HNM) - Trong 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” tiếp tục được coi là “xương sống”. Kết quả thực hiện Chương trình đã cho thấy một sức bật thực sự từ khát vọng đổi mới của Đảng bộ thành phố. Báo Hànộimới giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Sức bật từ khát vọng đổi mới” góp phần phân tích nguyên nhân thành công, những bài học kinh nghiệm từ kết quả này.
Điểm nhấn ấn tượng trong kết quả thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU (ban hành ngày 17-3-2021) của các cấp ủy Đảng là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo. Từ Thành ủy Hà Nội lan tỏa xuống nhiều cấp ủy trực thuộc một phong cách lãnh đạo mang tính hành động, đề cao trách nhiệm và thực chất.
Minh chứng sống động
Những ngày này, tại 7 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua, người dân đang hồ hởi hoàn tất những thủ tục cần thiết để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Đi dọc tuyến đường dự kiến chạy qua các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín đến quận Hà Đông, Thanh Oai, đâu đâu người dân cũng phấn khởi ủng hộ. Tại thôn 6, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, bà con khẳng định, từ trước đến nay, có 4 dự án đi qua địa bàn, nhưng đây là dự án mà công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện bài bản nhất. Và đó cũng là lý do mà bà con đồng lòng giải quyết bàn giao đất cho dự án. Ông Ngô Huy Tam (thôn 6, xã Song Phương) cho biết: “Ngoài phần đất ruộng, anh em trong họ nhà tôi đã chủ động di dời mộ tổ từ trước Tết Nguyên đán, dù chưa nhận được tiền hỗ trợ”.
Đây là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ thành phố xuống cơ sở trong thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, với tinh thần coi đây là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm” và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”. Không chỉ là dự án đầu tiên thuộc diện trọng điểm quốc gia, là nhiệm vụ của trung ương nhưng được giao cho thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư; cũng là dự án 3 tỉnh, thành phố cùng làm, nhưng giao cho lãnh đạo thành phố Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ở 7 quận, huyện nơi dự án đi qua, trực tiếp Bí thư Quận ủy, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo; làm “nhạc trưởng” để chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân; nhưng không làm thay. Khi triển khai thì phân công, giao việc rõ ràng, đặc biệt là cá thể hóa trách nhiệm gắn với thường xuyên giao ban, rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả; kịp thời động viên, khích lệ hoặc chấn chỉnh, đôn đốc.
Huyện Mê Linh là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, để có được sự nhất trí cao của nhân dân trong việc đồng thuận bàn giao mặt bằng triển khai dự án, bản thân Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện hầu như không tuần nào không có mặt ở cơ sở. Có những địa bàn, người dân chưa thông, trực tiếp Bí thư, Chủ tịch huyện xuống đối thoại, giải thích cặn kẽ.
Tinh thần đó được chính các đồng chí lãnh đạo đứng đầu thành phố nêu gương làm trước. Các đồng chí Thường trực Thành ủy hằng tuần đều xuống cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến dân cư. Chỉ tính riêng Dự án Vành đai 4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án ngay trong những ngày đầu năm 2023, chỉ trong vòng 20 ngày đã đi kiểm tra thực địa tại 5 quận, huyện với 9 điểm; gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân... Trước Tết nguyên đán, đồng chí cũng đã trực tiếp một ngày kiểm tra, làm việc với 6 huyện về công tác giải phóng mặt bằng; ngày hôm sau tiếp tục đi kiểm tra thực địa và làm việc với 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Điều đáng nói, với phong cách hành động thực chất, coi hiệu quả là trên hết, lãnh đạo thành phố đã nhiều lần cắt bớt phần hội họp để dành nhiều thời gian kiểm tra thực địa và tiếp xúc với người dân. Tinh thần đó được lan tỏa mạnh mẽ, ngay cả các ban Đảng Thành ủy và hệ thống ngành dọc xuống cấp ủy địa phương cũng vào cuộc một cách xông xáo, trách nhiệm.
Nhờ cách làm với phong cách đổi mới như vậy, đến nay, Hà Nội chắc chắn sẽ bàn giao từ trên 70% diện tích mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 vào tháng 6 tới và tổ chức khởi công dự án tại 4 điểm trên địa bàn vào ngày 30-6-2023.
Xuất phát từ chiều sâu đổi mới
Sự đổi mới phong cách hành động, phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong nửa đầu nhiệm kỳ chính là thành quả thực hiện mục tiêu Chương trình số 01-CTr/TU đặt ra: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đảng; đổi mới cơ chế hoạt động, phối hợp của các cơ quan Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội của thành phố với đổi mới phương thức, lề lối làm việc của các cấp ủy theo hướng gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; dựa vào dân để giám sát, kiểm tra hoạt động của cán bộ, đảng viên, trên cơ sở đó, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền”.
Ba năm nay, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo lấy chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; trong đó, kỷ cương, trách nhiệm là hàng đầu, còn hành động là yếu tố trung tâm. Để có phong cách hành động, Thành ủy chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, ban hành kế hoạch, quy định về luân chuyển cán bộ; bổ sung hoàn thiện 9 nội dung về đánh giá cán bộ chủ chốt thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý…
Đặc biệt, phong cách hành động của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở đã thể hiện rất rõ trong bối cảnh hơn 2 năm đại dịch Covid-19. Hầu như cán bộ chủ chốt các cấp đều gần dân, bám sát cơ sở. Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy dẫn đầu 15 đoàn công tác theo phân công địa bàn phụ trách thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo Thường trực Thành ủy yêu cầu: “Các đồng chí phải chủ động kiểm tra, xác định hiệu quả, dân an toàn là trên hết. Nơi nào lơ là, chủ quan thì chấn chỉnh ngay; chấn chỉnh mà không chuyển thì xem xét trách nhiệm bí thư, chủ tịch”.
Nhờ đó, Hà Nội vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19; đi đầu trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, duy trì và phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế, hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách, liên tục dẫn đầu cả nước về số thu trên địa bàn.
Cũng với phong cách hành động, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy Hà Nội triển khai nhanh và chất lượng các chủ trương quan trọng của trung ương. Đơn cử, Thành ủy Hà Nội là đơn vị đầu tiên của thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay sau chỉ đạo của Trung ương. Thành ủy Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021 bằng Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chỉ đạo ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và di tích văn hóa lịch sử với hơn 49.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo…
Có thể thấy, phong cách hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và các cấp ủy có đặc điểm chủ yếu là đề cao kỷ cương, trách nhiệm; đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lựa chọn việc có trọng tâm, trọng điểm. Phong cách này đề cao kiểm đếm, đánh giá chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo bằng sản phẩm; lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ.
Kinh nghiệm thực hiện, sự định hình của phong cách hành động là cơ sở để tin tưởng Chương trình số 01-CTr/TU tiếp tục phát huy vai trò cốt lõi, xương sống, tạo sức bật cho Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố thành công.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.