Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Cung đường vượt đỉnh Trường Sơn

Huy Thịnh| 07/03/2012 06:16

(HNM)

- LTS: Đường tuần tra biên giới, con đường bê tông dài tới hơn 14.000km dọc biên giới trên bộ, qua 25 tỉnh, giáp 3 nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia khi hoàn thành sẽ là con đường biên giới trên bộ dài vào loại nhất Đông Nam Á.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có mặt trên một số đoạn thi công khó khăn nhất tại biên giới miền Trung khi mùa xuân vừa về, cùng các cán bộ chiến sĩ công binh đón nắng ấm xuân hồng miền biên viễn trên những cung đường gian nan ấy. Ký sự dưới đây giúp bạn đọc hình dung phần nào sự gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng một 'Kỳ quan" đất nước thời bình.

Sau Rằm tháng Giêng, nhóm phóng viên Báo Hànộimới và Quân đội nhân dân tháp tùng Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Dự án Đường tuần tra biên giới thuộc Bộ Quốc phòng kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến đường này ở các tỉnh miền Trung. Đường dài khiến tôi mệt lử khi đêm đầu tiên nghỉ lại thị trấn nhỏ Na Mèo huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa. Trời lạnh, đêm không có điện, thị trấn biên giới ắng lặng đến mức chỉ nghe tiếng sương rơi tí tách ngoài hiên khiến tôi thao thức đến gần sáng mới chợp mắt được. Vậy mà 6 giờ kém 15, cả đoàn đã lên đường ngay sau khi điểm tâm món xôi nương rất ngon miệng.

Cung đường trong mây

Cung đường đầu tiên khá phẳng phiu, dù bụi, bởi chưa đổ bê tông bề mặt. Nơi đây thật gần nước bạn, bởi bằng mắt thường có thể thấy những mái nhà đặc trưng của người Lào. Song chỉ đi vài cây số, những khu dân cư cả hai nước đều hiếm hẳn. Bản duy nhất chúng tôi gặp trên đường là Cha Khót, xã Na Mèo nằm nhỏ tí dưới chân núi đang vào mùa gieo cấy.

Một đoạn đường đã hoàn thành. Ảnh: Quang Thái

Hết chặng đường bụi phẳng, non chục cây số sau chúng tôi phải xuống xe vì "mối nối" hai đoạn đang gặp khó khăn. Thiếu tướng Hoàng Kiền lắc đầu:

- "Hai năm đã đến 8 lần/Lần nào cũng phải dừng chân nơi này". Các anh biết không, địa thế hiểm trở bởi độ dốc núi đá quá lớn nên thi công thật chậm. Dù anh em rất nỗ lực, nhưng kết quả chưa đáp ứng tiến độ. Phải chọn phương án thích hợp cho đơn vị này thực hiện hiệu quả hơn.

Anh và các cán bộ thi công, khảo sát, thiết kế đứng ngay trên mép vực sâu ngắm nghía, giở bản vẽ bàn bạc, rồi anh quyết định cho phép đơn vị không làm kè chân vực nữa mà lấn taluy rồi làm rãnh thoát nước phía trong đường để thi công đoạn nối, giải quyết khâu chênh lệch cốt đường hai đoạn và làm cầu. Anh còn quyết định cho nghiền đá tại chỗ phục vụ thi công toàn tuyến sau khi nghe báo cáo trữ lượng đá nơi đây lên đến 70.000 khối, đủ để phục vụ cho nhiều đoạn trên tuyến, góp phần tiết kiệm kinh phí vận chuyển vật liệu.

Chúng tôi cùng vượt đoạn đường chưa thông bằng con đường nhỏ cheo leo phía trên miệng vực để sang đoạn tiếp theo. Chỉ dài 200 mét nhưng phải mất 20 phút chúng tôi mới vượt qua được, bởi phải bám cây, leo đá, đủ để tôi và anh Kiền cùng thi thoảng dừng lại nhắc tới những kỷ niệm vượt Trường Sơn ngày nào. Vừa nhanh nhẹn kéo tôi lên những tảng đá tai mèo, anh Kiền vừa cười: "Đường Trường Sơn xưa đi phía dưới tuy cheo leo không ít nhưng dù sao cũng đỡ hơn. Còn giờ đây, con đường này, nơi xa nhất cũng chỉ cách biên giới một cây số. Nên núi cao đến đâu, đường cũng phải men theo đến đấy. Nhiều nhà báo hỏi tôi, sao biên giới chỉ dài có hơn 4.500km mà con đường này lại sẽ dài đến 14.500 cây số là vì nó buộc phải men theo sườn núi bất kể cheo leo, thậm chí vươn cả lên tới "nóc nhà của dãy Trường Sơn" mà vài hôm nữa các anh sẽ được thấy tận mắt".

Quả vậy, khoảng cách giữa hai đoạn đường nối với nhau thật gần, nhưng phải ngoằn ngoèo uốn lượn theo những bình độ sườn non có độ dốc thích hợp, đôi chỗ phải làm cua tay áo khá gấp để giảm độ chênh cao của núi nhằm giúp xe có thể vượt qua dễ hơn, không tụt dốc. Tôi tỏ ý băn khoăn về việc thi công đoạn nối khó khăn vừa rồi thì anh Kiền cười: "Nhà báo yên tâm, công binh sẽ làm ngon khi có quyết định mới của tôi. Vài tuần nữa, mời anh lại đến để chứng kiến sự thông tuyến mà anh em quả quyết là sẽ thực hiện ngon lành". Nhân câu chuyện của chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, PV Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần cười với tôi: "Bác chưa biết Thủ trưởng Kiền từng là Tư lệnh binh chủng Công binh sao?" Sao mà tôi không biết kia chứ! Tướng Kiền nhập ngũ trước tôi 1 năm. Tôi từng là lính sư 325 giữ Quảng Trị. Anh từng là lính công binh làm đường Trường Sơn. Con đường binh nghiệp của anh kéo dài trong khi tôi ngắt quãng. Sau này, Hoàng Kiền còn có mặt trong những đơn vị công binh Hải quân xây dựng nhiều công trình trên biển đảo quê hương trong cương vị trung đoàn trưởng với nhiều câu chuyện về anh như giai thoại. Rồi với cương vị Tư lệnh Binh chủng Công binh, anh đã lăn lộn với không ít công trình quốc phòng. Gần đây nhất, sau bao nhiêu tháng ngày miệt mài khảo sát tuyến đường tuần tra biên giới, anh được Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy dự án con đường công phu này. Sau 5 năm, bằng sự kiên trì và sức mạnh chỉ Bộ đội Cụ Hồ mới có, khi lao vào thực hiện, các đơn vị công binh và công ty xây dựng quân đội đã đưa độ dài con đường tuần tra biên giới tới gần 2.000km vươn qua đèo cao, dốc đứng, vực sâu của nhiều tỉnh biên giới. Và như Thiếu tướng Hoàng Kiền cho hay, nó sẽ tiếp tục vươn dài như thiết kế theo dự định của Chính phủ.

Trưa hôm ấy, khi chúng tôi vượt qua 40km đường đất đá trong sương mù thì lên một dốc đứng. Trời đột nhiên bừng sáng bởi mặt trời hiện ra chói lọi. Ấn tượng hơn là đỉnh núi nơi tôi đứng tuy còn chưa cao nhất nhưng đã vươn lên khỏi cánh đồng mây mịn như biển lụa dưới chân. Đây đó, những đỉnh núi phía xa với rừng nguyên sinh xanh mướt nhô lên tựa hồ những hòn đảo tuyệt đẹp. Thật không khác cảnh bồng lai của Tề Thiên xưa là bao. Cả đoàn dừng xe, tranh thủ chụp những kiểu ảnh nơi tiên cảnh không mấy khi có thể gặp trong đời. Thượng úy Quốc Thái, phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân lại có thêm trong bộ sưu tập ảnh phong phú của anh về con đường tuần tra biên giới những cảnh đẹp khúc đường miền Trung, ngoài những cảnh gian nan vất vả tận cùng khi các đơn vị công binh ta mở đường ở Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên… Thế mà chỉ huy các đơn vị công binh đi cùng đều cười méo mó: "Đen thế không biết. Khi Thủ trưởng đi kiểm tra thì trời lại nắng, Thật khó thanh minh cho những gian khổ thời tiết của anh em!" Tướng Kiền cười lớn: "Các cậu không phải thanh minh. Sao tớ không biết chứ. Hôm nay thật là một ngày đặc biệt. Nhắc anh em tranh thủ thời tiết tốt mà làm bù cho những ngày mưa. Mùa này rồi sẽ mưa dầm đấy. Xuân ấm lên rồi!".

Trên đoạn đường tựa như cổng trời ấy chúng tôi bắt gặp những đàn trâu của bà con dân tộc Mường đủng đỉnh leo dốc. Thì ra có đường, lên cao lại có những bãi cỏ ven thung, thuận lợi cho các hộ dân vùng cao chăn nuôi. Xem ra, sự tiện ích kinh tế - xã hội của con đường là đã thấy lập tức. Điều này được bộ đội biên phòng đồn 503 Yên Khương xác nhận khi các anh cho rằng hai năm nay mức sống của bà con nơi đây khá lên trông thấy.

Vượt đỉnh Trường Sơn

Đoạn đường tiếp theo của chúng tôi khó khăn hơn khi vào vùng núi đá dốc đứng huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Vì mưa nhiều, lắm đoạn đất lầy trơn, chúng tôi phải xuống xe bốc đá dăm tập kết sẵn ven đường để rải lót bánh, xe Land Cruser cài cầu mới vượt qua được. Khi bắt vào con đường 14 bê tông để lên đường tuần tra biên giới, tôi lấy làm ngạc nhiên vì đường bê tông mà bụi phủ dày, xe sau cách xe trước cả trăm mét mà vẫn phải đi thật chậm chờ bụi lắng mới thấy rõ đường. Thiếu tướng Hoàng Kiền giải thích: "Do phải phá đá mở đường, vách lại dựng đứng nên để đá rơi không làm vỡ mặt đường bê tông phía dưới, tôi cho anh em công binh Binh đoàn Trường Sơn rải đất mặt đường dày từ nửa mét trở lên. Đoạn nào xong, dọn đất đoạn ấy. Vì thế, đường cũ vẫn được bảo đảm bề mặt, dù có mất nhiều công hơn!". Ra thế! Thảo nào khi gặp Đại tá Phan Tiến Dũng, chỉ huy đoạn Na Ngao - Nậm Càn, tôi bày tỏ sự khâm phục tính cầu toàn của anh thì Dũng cười lỏn lẻn và chỉ Thiếu tướng Hoàng Kiền: "Bác ơi, đó là sáng kiến của Thủ trưởng Kiền và chúng em nghiêm chỉnh thực hiện. Chúng em gắng làm khúc này thật đẹp để xứng với vinh dự được giao thi công đoạn đường lên đỉnh Trường Sơn - cái tên gắn liền với truyền thống Binh đoàn đấy bác ạ!".

Đúng là đoạn đường này đang nằm trên đỉnh dãy Trường Sơn hùng vĩ bởi chỉ còn cách đỉnh Pu Vai Lai Leng cao 2.711 mét có vài cây số nữa thôi. Đường đến đây thật hiểm trở khôn tả: Anh em công binh phải đeo dây, thả người bên sườn núi đá để khoan, đục lỗ cho nổ mìn. Tôi chợt nhớ đến đoạn đường Việt Bắc, qua đỉnh Mã Pì Lèng năm nao khi việc thi công khi ấy cũng phải tiến hành gian nan tương tự. Tuy nhiên, giờ đây khi các đơn vị công binh thực hiện mở đường chủ yếu bằng các phương tiện cơ giới nên năng suất cao hơn nhiều và cũng vì thế các gói thầu do bộ đội công binh thực hiện có giá thành rẻ hơn so với đấu thầu.

Bữa cơm ở bình độ 2.400 mét nơi sườn Pu Vai khiến tôi cảm phục những người lính thời bình: Cơm sậm sật do không chín. Đại tá Dũng phân trần: "Nhà báo thông cảm. Ở độ cao này, nước chỉ sôi ở nhiệt độ trên dưới 90 nên cơm sống là chuyện bình thường. Thi thoảng anh em đổi được gạo của bà con người Mông thì bữa ấy cơm ngon. Song việc đổi gạo không dễ dàng. Đành cáo lỗi Thủ trưởng và các bác vậy!". Chỉ tay vào đống ti vi và đồ điện tử xếp một góc lán, anh Dũng cười: "Do nhiều sương mù và mưa, đồ điện tử phải sửa chữa và thay cho anh em liên tục. Đành vất vả thôi các bác ạ!" Chúng tôi cùng cười nhưng lòng lại đầy ắp sự thương yêu cảm phục những người lính mở đường hồn nhiên mà quả cảm.

Chỉ đến khi đứng ở bờ vực cao chất ngất, dù đột nhiên có ngày nắng như hôm nay, chúng tôi mới thấy mọi hình dung về sự gian khổ vẫn chưa tiếp cận được thực tế ở nơi cao nhất dãy Trường Sơn hùng vĩ này. Còn 300 mét lên cao nữa là chạm nóc Trường Sơn, nhưng con đường sẽ phải dài thêm hàng chục cây số nữa. Theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, vất vả gian truân trên những cung đường Tây Bắc, Tây Nguyên là không kém nhưng khắc phục chưa khó bằng nơi đây. Dải đất miền Trung do hẹp nên rất dốc. Đã thế, địa chất vùng này lại rất yếu, kết cấu đất đá rời rạc, khiến sự sạt lở luôn diễn ra. Cung đường qua đồn biên phòng 553 Châu Khê có đoạn chỉ 10km mà phải làm 5 cầu liên tiếp, trong đó có chiếc dài cả trăm mét. Lại nữa, thời tiết miền Trung vô cùng khắc nghiệt không hề dễ cho thi công chút nào. Sự giải phóng mặt bằng cũng lại chẳng hề đơn giản hơn mọi vùng nên tiến độ có phần chưa như ý. Những khó khăn đặc biệt ấy được Tướng Hoàng Kiền đề cập và chia sẻ với chỉ huy các công trường trên tuyến này trong buổi giao ban khu vực. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh đến việc phải đẩy nhanh tiến độ các đoạn trước mùa mưa lũ bằng sự huy động tối đa phương tiện và nhân lực từng đơn vị. Ông cũng chỉ thị các chỉ huy công trường tuyến Châu Khê nghiên cứu sớm trả lại mặt đường giao thông liên xã, sau khi mượn đoạn này phục vụ thi công toàn tuyến vừa để đáp nghĩa, vừa giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Đêm trước khi rời tuyến đường miền Trung, Thiếu tướng Hoàng Kiền và chúng tôi có dịp bập bùng lửa trại với anh em công binh Lữ đoàn 249, được chứng kiến cảnh nguyên Tư lệnh Công binh hòa nước suối ly rượu ngọt ngào vùng cao và đốt lửa tâm tình với cán bộ chiến sĩ cũ của mình đến khuya trong tiếng đàn ghi ta đệm cho tiếng ca vang rừng đại ngàn mùa xuân những hành khúc một thời ra trận. Và, rừng núi ơi, Trường Sơn ơi, hôm nay ta lại có dịp đến bên Người được đổ mồ hôi cho đường tuần tra biên giới kéo dài, nối dài mãi dọc theo biên cương hùng vĩ của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Cung đường vượt đỉnh Trường Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.