(HNM) - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”, nếp sống văn minh trong việc cưới đang hình thành rõ nét, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội...
Cưới tập thể là hình thức tổ chức văn minh, đang ngày một phổ biến ở Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Nội dung xuyên suốt của Chỉ thị 11 là khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ chức lễ cưới trang trọng, tiết kiệm. Do đó, việc triển khai sâu rộng Chỉ thị 11 đã tạo chuyển biến lớn từ nhận thức tới hành động của nhiều cá nhân, gia đình và cộng đồng...
Vơi nỗi lo, giảm gánh nặng
Tháng 10 hằng năm là thời gian được nhiều cá nhân, gia đình lựa chọn tổ chức hôn lễ. Đang “mùa cao điểm”, nhưng không khó để nhận thấy, đa số đám cưới trên địa bàn Hà Nội được tổ chức đơn giản, trang trọng, vui tươi. Những đám cưới phô trương, xa hoa, lãng phí chỉ mang tính cá biệt. Đáng quý hơn, nhiều hôn lễ tổ chức gọn trong một ngày tại các nhà văn hóa của tổ dân phố, khu dân cư với sự chúc phúc của anh em, họ hàng, bà con làng, xóm.
Bà Nguyễn Thị Thanh, trú tại tổ dân phố 2, phường Việt Hưng (Long Biên) cho biết, Nhà văn hóa tổ dân phố 2, phường Long Biên là địa điểm tổ chức nhiều đám cưới. Khi tổ chức, các gia đình không bày nhiều cỗ, không mời khách hút thuốc lá, âm lượng loa đài không quá to, không quá giờ quy định. Thay vì cảm giác khó chịu do ồn ào, giờ đây, những gia đình sống gần nhà văn hóa sẵn sàng hỗ trợ gia chủ tổ chức sao cho chu đáo, vẹn toàn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai) phấn khởi: Từ khi thực hiện Chỉ thị 11, nếp sống văn minh đã lan tỏa về nông thôn. Nhờ giảm bớt số lượng mâm cỗ và các thủ tục rườm rà, trung bình mỗi đám cưới ở xã Ngọc Mỹ tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng. Tại phường Phú Lãm (Hà Đông), những đám cưới kéo dài từ 2 đến 3 ngày đã lùi vào dĩ vãng. “Những năm trước, nhiều gia đình tổ chức tiệc với quy mô hàng trăm mâm cỗ, mời cả họ, cả làng tham gia. Vì thế, sau đám cưới, không ít gia đình gánh nỗi lo trả nợ. Việc người dân thay đổi nhận thức và tự nguyện tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm là khó, nhưng đã làm được ở Phú Lãm” - ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND phường Phú Lãm khẳng định.
Chủ trương tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức hôn lễ vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm còn tác động đến lớp trẻ. Là một trong 18 cặp đôi tham gia “Ngày hạnh phúc” do Thành đoàn Hà Nội và Quận ủy Ba Đình tổ chức cuối tháng 4 năm 2017 tại Công viên Bách Thảo, chú rể Nguyễn Sỹ Hiếu và cô dâu Nguyễn Hải Yến, trú tại đường Nguyễn Trung Trực (Ba Đình) cho hay: “Khi chúng em bày tỏ nguyện vọng tham gia lễ cưới tập thể, bạn bè và hai bên gia đình đều ủng hộ. Khoảnh khắc nắm tay người bạn đời sánh bước cùng các cặp đôi khác, trước sự chúc phúc của nhiều người là kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời. Chúng em luôn trân trọng khoảnh khắc ấy để sống tốt hơn”. Theo lời cặp uyên ương này, nếu được tạo điều kiện, rất nhiều bạn trẻ sẽ tổ chức đám cưới tập thể, theo hình thức tiệc ngọt, tiệc trà.
Theo thống kê, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11, hơn 90% số đám cưới trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức theo nét văn hóa mới. Nhiều mô hình cưới theo nếp sống văn minh đã và đang hình thành tại các địa phương, được dư luận đồng tình hưởng ứng.
Một đám cưới tập thể tổ chức tại công viên Bách Thảo (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Lan tỏa nếp sống đẹp
Để nếp sống văn minh trong việc cưới hình thành và lan tỏa, nhiều địa phương đã đưa nội dung Chỉ thị 11 vào quy ước văn hóa và có nhiều giải pháp động viên, khuyến khích người dân thực hiện.
Phó Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết, 8/17 phường trên địa bàn quận đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy ước văn hóa của các tổ dân phố; các địa phương còn lại đang xây dựng. Trong quy ước mới, những nội dung cơ bản của Chỉ thị 11 như: Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong tổ chức cưới cho con hay bản thân; số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người; không tổ chức cưới nhiều lần; khuyến khích tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà, báo hỷ... được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Trên tinh thần đó, cá nhân, gia đình nào gương mẫu thực hiện sẽ được nêu gương, trường hợp nào vi phạm, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở hoặc xử phạt. Kết quả thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới cũng là tiêu chí quan trọng để các ngành, địa phương bình xét các danh hiệu văn hóa, phong trào thi đua.
Khuyến khích người dân tham gia, các xã Đại Thắng, Hồng Thái, Phú Túc, Vân Từ (Phú Xuyên) đã hỗ trợ các gia đình tổ chức cưới theo nếp sống văn minh tại nhà văn hóa thôn phần trang trí, âm thanh; có xã còn tặng mỗi gia đình 500 nghìn đồng. Ngược lại, gia đình nào vi phạm sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt tiền. Trên địa bàn huyện Thanh Trì, nhiều gia đình ở xã Yên Mỹ không nhận tiền mừng của các cụ cao tuổi. Nhân dân làng Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai có sáng kiến mời dự cưới qua loa truyền thanh, giúp gia đình có việc hỷ tiết kiệm được thời gian, công sức.
Tại khu vực miền núi huyện Ba Vì, đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì đã loại bỏ hoàn toàn tục thách cưới, tảo hôn, chỉ duy trì một số nghi lễ truyền thống. Việc ăn uống cũng được đơn giản hóa, tương tự lễ cưới của người Kinh. Xã Hồng Dương (Thanh Oai) và nhiều xã khác khu vực ngoại thành tổ chức khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp uyên ương. Trạm y tế lưu tên, tình trạng sức khỏe của các cặp vợ chồng trẻ vào sổ và theo dõi đến khi họ sinh con.
Một số tổ dân phố, thôn, xóm còn tổ chức cho các cặp uyên ương dâng hương tại nhà tưởng niệm liệt sĩ, trồng cây lưu niệm hoặc đóng góp vật liệu xây dựng đường giao thông. Nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên gương mẫu tổ chức cưới cho con hoặc bản thân theo hình thức tiệc ngọt, tiệc trà, được nhân dân đánh giá cao.
Những dẫn chứng kể trên phần nào cho thấy, sau 5 năm Chỉ thị 11 đi vào đời sống, đa số người dân đã thay đổi nhận thức, coi ngày cưới là ngày vui, không còn nặng nề chuyện lễ nghi, ăn uống như nhiều năm trước.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.