(HNM) - Xác định Hà Giang là một trong những điểm “nóng” của cả nước về tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em (PNTE), chúng tôi đã tìm đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang vào một chiều tháng 3.
Ra Tết, tháng 3 ập về, hoa gạo nở đỏ dọc triền sông, bờ suối trang điểm cho những cung đường lên vùng cao. Những con chim sáo lúi húi rúc sâu vào những bông hoa gạo. Khi chúng vụt bay đi cũng là lúc có bông gạo rụng xuống đất. Mặt đất như ứa máu. Chiều xuống. Bóng những phụ nữ Mông, Dao, Tày, Nùng… với lù cở nặng măng, sắn, rau, củi trên vai nghiêng nghiêng in vào vách núi, cặm cụi về bản cùng canh cánh nỗi lo bị lừa gạt, bị bắt cóc...
Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang vừa bắt một đường dây mua bán phụ nữ và trẻ em. |
Về vùng "nóng"…
Xác định Hà Giang là một trong những điểm “nóng” của cả nước về tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em (PNTE), chúng tôi đã tìm đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang vào một chiều tháng 3. Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Phòng chống ma túy cho biết tình hình buôn bán PNTE trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực biên giới. Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận những vụ việc điển hình như ông bán cháu, bố mẹ bán con sau đó tạo hiện trường giả, lợi dụng đêm tối các đối tượng ở bên kia biên giới đột nhập vào nhà giết hại cả gia đình rồi cướp đi các cháu nhỏ, hay có trường hợp các đối tượng phục ở gần đường biên để cướp PNTE khi họ đi chợ, thăm thân hoặc lao động gần đường biên giới. "Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do lợi nhuận thu được từ buôn bán PNTE không kém gì lợi nhuận có được từ buôn bán, vận chuyển ma túy", Đại tá Châu nhận định. Các điểm “nóng” nhất là khu vực biên giới (KVBG) ở các huyện Yên Minh, Mèo Vạc và cửa khẩu Thanh Thủy.
Rời Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang, chúng tôi hướng về phía huyện Yên Minh để đến đồn Biên phòng Bạch Đích, nơi vừa phá xong vụ án bán người qua bên kia biên giới và giải cứu được một nạn nhân vị thành niên ngay sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Qua những khúc cua tay áo liên tục, chúng tôi vượt cao nguyên đá Đồng Văn, đến đồn Bạch Đích lúc gần một giờ chiều. Cổng đồn gài hờ, mấy con chó thấy người lạ sủa nhặng xị. Một lúc, anh lính trẻ mặc áo may ô, mặt còn rõ vẻ ngái ngủ xuất hiện yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ. Khi biết chúng tôi lên đồn để tìm hiểu về thực trạng buôn người, anh ta nói chỏng lỏn, "mời các anh quay lại đồn lúc gần 2 giờ để làm việc". Chúng tôi chợt băn khoăn: bộ đội biên phòng ngủ trưa như thế này liệu có bắt được bọn buôn người không?
Quay xuống chợ Bản Muồng cách đồn vài cây số, gọi cửa vài nhà, mãi rồi chúng tôi cũng kiếm được một quán bán hàng ăn sáng, giờ cũng đang ngủ trưa. Tự mua mỳ tôm, nổi lửa, bắc bếp, rồi tự rửa bát, rửa hành, chúng tôi cũng nấu được bữa trưa. Chúng tôi hè nhau lùa nhanh bát mỳ tôm nấu vội để còn kịp giờ trở lại làm việc với đồn biên phòng. 13 giờ 40 phút, cổng đồn Biên phòng Bạch Đích đã mở. Thượng tá Lại Thế Khoản, Chính trị viên cho biết, vì khu vực biên giới này đường mòn lối mở nhiều, người dân hai bên qua lại thường xuyên, những kẻ môi giới cấu kết với nhau để lừa người dân nên mấy năm trước tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn biến khá phức tạp. Cuộc sống quá khó khăn, trình độ dân trí thấp lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ lừa đảo dễ bề hoạt động.
Mấy năm trước, nhiều vụ giết người, bắt cóc trẻ em, lừa đảo phụ nữ mang sang bên kia biên giới để bán… khiến trật tự xã hội và an ninh biên giới phức tạp. Trước thực trạng đó, cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Bạch Đích đã mở nhiều chuyên án, phá nhiều vụ án nghiêm trọng. Một số đường dây buôn người bị chặt đứt, các băng nhóm tội phạm bị triệt phá nên tình hình đã lắng xuống. Để duy trì kết quả đạt được và cũng để phòng chống nạn buôn bán người qua biên giới, cán bộ, chiến sỹ của đồn đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc… tổ chức tuyên truyền tới tận các trường học và cụm dân cư. Đồng bào dân tộc cũng đã nhận thức rõ hơn về những thủ đoạn của bọn buôn bán người. Các em học sinh cũng nâng cao ý thức đề phòng khi thấy người lạ tiếp cận.
Tuy nhiên, những vụ buôn người vẫn diễn ra. Ngay sau Tết Nguyên đán, cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Bạch Đích đã phá thành công một vụ buôn bán trẻ em và đưa được nạn nhân trở về với gia đình an toàn. Trước khi chúng tôi tìm đến nhà nạn nhân mới được giải cứu, Thượng tá Lại Thế Khoản thông báo, đồn lại mới nhận được tin báo từ một người bị hại ở xã giáp biên và đang cho chiến sỹ đi xác minh tại Cán Tỷ. Rõ là tình trạng buôn người vẫn diễn ra phức tạp ở đây.
Nóng trên toàn tuyến biên giới
Tình hình buôn bán PNTE ở Hà Giang cũng phần nào phản ánh thực trạng này trên toàn tuyến biên giới phía bắc. Biên giới Việt - Trung đi qua 166 xã, phường, thị trấn của 30 huyện và hai thành phố của 7 tỉnh, có 6 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia, 24 cửa khẩu phụ và hàng trăm đường mòn, sông suối. Địa hình chủ yếu là núi cao, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, là địa bàn sinh sống của gần 20 dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của nhân dân chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu; dân cư hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời. Những năm gần đây, hoạt động xuất nhập cảnh, du lịch, thăm thân, giao thương giữa hai bên ngày càng tăng.
Phía ngoại biên đối diện thành phố Lào Cai là thị trấn Hà Khẩu, cầu nối giữa vùng Tây nam Trung Quốc với các tỉnh phía bắc Việt Nam. Đối diện với Lạng Sơn là Pò Chài, thị trấn Ái Điểm. Đối diện với Quảng Ninh là Đông Hưng, Phòng Thành. Đó là những trọng điểm kinh tế, thương mại, du lịch phát triển khá năng động, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ nhạy cảm. Đồng thời, thực tế mất cân bằng giới tính của nước bạn đã tạo áp lực, làm gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán người qua biên giới vì mục đích mại dâm và cưỡng ép hôn nhân trái pháp luật. Tệ nạn mại dâm đã và đang là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng mua bán PNTE ngày càng phức tạp.
Theo Cục Phòng chống ma túy (Bộ Tư lệnh BĐBP), hoạt động của tội phạm mua bán người, bắt cóc PNTE dọc biên giới Việt - Trung chiếm tới 65% số vụ bị bắt giữ trên các tuyến biên giới cả nước. Địa bàn trọng điểm là KVBG các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Hoạt động đáng lưu ý nhất là lừa bán PNTE cho các ổ mại dâm ở các đô thị giáp biên hoặc bán sâu vào nội địa nước bạn để cưỡng ép hôn nhân. Nhiều nạn nhân bị ép kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi ở vùng sâu, kinh tế khó khăn, có trường hợp phải đáp ứng nhu cầu tình dục cho nhiều người trong một gia đình. Đã có những dư luận thông tin bọn tội phạm mua bán người để lấy nội tạng, tuy chưa xác định được vụ việc cụ thể nhưng là những thông tin rất đáng chú ý vì nhiều nơi trên thế giới đã xảy ra tình trạng như vậy.
Tội phạm mua bán PNTE trên tuyến biên giới Việt - Trung vẫn gia tăng về số vụ và diễn biến phức tạp. Số vụ, số đối tượng, số nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận vẫn năm sau cao hơn năm trước. Năm 2009, lực lượng BĐBP xác lập 14 chuyên án, 14 kế hoạch nghiệp vụ; phát hiện, bắt giữ 70 đối tượng/48 vụ án; giải cứu, tiếp nhận 94 nạn nhân. Năm 2010, xác lập 15 chuyên án, 17 kế hoạch nghiệp vụ; phát hiện, bắt giữ 82 đối tượng/52 vụ; giải cứu, tiếp nhận 99 nạn nhân. Năm 2011, các con số lần lượt là: 19, 20; 94/66; 102. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, con số lần lượt là: 12, 24; 99/77; 103 (tăng 16,6% về số vụ và tăng 5,3% về số đối tượng bị bắt so với cả năm 2011).
Đặc biệt, hoạt động bắt cóc PNTE tăng đột biến từ năm 2009 tại KVBG các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Bọn tội phạm thông qua các mối quan hệ thân tộc, dân tộc để làm quen, tạo lòng tin, sau đó lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ em. Nhiều vụ chúng sử dụng vũ khí đe dọa, khống chế để bắt ngay tại nơi ở hoặc trên nương rẫy, khu vực hẻo lánh, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định an ninh, trật tự. Ngoài ra, tình trạng phụ nữ, trẻ em đi khỏi nơi cư trú chưa rõ nguyên nhân, tình trạng cha bán con, ông bán cháu qua biên giới dưới danh nghĩa gả chồng, cho tặng làm con nuôi cũng diễn biến phức tạp, khó quản lý.
Tình trạng mua bán PNTE đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, gây nhiều bức xúc trong dư luận, kéo theo là các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy. Hậu quả mà bọn tội phạm buôn bán PNTE gây ra cho xã hội rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, chà đạp nhân phẩm phụ nữ, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, tiềm ẩn yếu tố bất ổn về an ninh quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.