(HNM) - Dưới vai trò trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bahrain đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Mỹ gọi đây là bước đột phá quan trọng giúp Trung Đông hòa bình hơn, trong khi một số quốc gia tại khu vực coi động thái này là sự đe dọa trực tiếp đến cuộc đấu tranh của người Palestine nhằm thành lập một quốc gia độc lập trên quê hương mình.
Bahrain đã trở thành quốc gia Arab thứ hai trong vòng một tháng qua thực hiện bình thường hóa quan hệ với Israel, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Quyết định trên được Tổng thống D.Trump công bố sau khi ông có cuộc điện đàm với Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tuy không thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng Israel và Bahrain vẫn duy trì những tiếp xúc trong thời gian qua. Kết nối ngoại giao chính thức được khởi động từ đầu những năm 2000, với việc Hoàng thái tử Salman bin Hamad Al-Khalifa gặp gỡ giới chức Israel bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới trong năm 2000 và 2003. Ngoại trưởng Israel và người đồng cấp Bahrain cũng có cuộc gặp song phương tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) trong năm 2007. Tiếp đến là cuộc gặp kín giữa Tổng thống Israel Shimon Peres và Quốc vương Bahrain ở New York bên lề một sự kiện tại Liên hợp quốc năm 2009. Tháng 6-2019, Bahrain đăng cai tổ chức hội nghị, giới thiệu bản kế hoạch kinh tế nằm trong tổng thể “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” do chính quyền Mỹ xây dựng.
Giống như thỏa thuận với UAE, cam kết Bahrain - Israel sẽ bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao, thương mại, an ninh và các mối quan hệ khác giữa hai nước. Bộ trưởng Bộ Thông tin Bahrain, Ali bin Muhammad Al-Rumaihi cho biết, thỏa thuận giữa Bahrain và Israel là một bước đi giúp chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel. Trong khi đó, Thủ tướng Israel B.Netanyahu nhấn mạnh, thỏa thuận đặc biệt với quốc gia nhỏ bé tại vùng Vịnh đánh dấu một "kỷ nguyên mới cho hòa bình".
Mặc dù Quốc vương Bahrain H.Al Khalifa khẳng định không rời xa quan điểm giải quyết vấn đề giữa Israel và Palestine phải dựa trên giải pháp hai nhà nước, nhưng quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel của Bahrain đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của Palestine và nhiều quốc gia trong khu vực. Giới lãnh đạo Palestine đánh giá bước đi của Bahrain là cực kỳ nguy hiểm vì đã tấn công mạnh mẽ vào Sáng kiến hòa bình Arab, những quyết định của các hội nghị thượng đỉnh Arab và Hồi giáo. Đồng thời, việc cho rằng những nhượng bộ gây thiệt hại đến cuộc đấu tranh của người Palestine sẽ không hỗ trợ cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ động thái này, coi đây là sự phản bội đối với sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine. Hai nước lo ngại thỏa thuận Bahrain - Israel sẽ gây nguy hiểm cho vị thế của người Palestine trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và xây dựng một nhà nước Palestine độc lập trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Về phía Mỹ, Tổng thống D.Trump hiện đang dựa vào những thành quả của chính sách đối ngoại để giành lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE công bố tháng trước đã nhận được sự khen ngợi của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Do đó, quyết định thiết lập quan hệ chính thức giữa Israel và Bahrain cũng sẽ cho ông D.Trump thêm một cơ hội để nhấn mạnh những dấu ấn ngoại giao của mình.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song việc xây dựng mối quan hệ bang giao là bước đi quan trọng của Israel và Bahrain. Hành động trên cũng cho thấy sự dịch chuyển trong quan hệ địa chính trị ở Trung Đông. Bên cạnh đó, việc đưa các nước Arab xích lại gần với đồng minh Israel cũng chứng minh Mỹ đang nỗ lực lấy lại vai trò tại khu vực quan trọng này sau một thời gian xoay trục sang châu Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.