(HNMCT) - Hỏi: Bánh kẹo, nước ngọt đều là những món “khoái khẩu” của trẻ. Vào dịp lễ tết, con tôi thường xin mua rất nhiều bánh kẹo, nước ngọt. Xin hỏi bác sĩ, đồ ngọt có tác hại ra sao đến sức khỏe của trẻ? - Phan Thu Hương
Đáp: Đường là một trong những nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều đường trong một thời gian dài thì dễ mắc các bệnh nguy hiểm như đái tháo đường, béo phì, tim mạch…
Nghiên cứu cho thấy, ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng. Thực phẩm có đường như bánh, kẹo, nước ngọt không chỉ thay thế các nhóm thực phẩm thiết yếu như protein, trái cây, rau, sữa và ngũ cốc nguyên hạt, chúng còn làm cạn kiệt vitamin, ví dụ như vitamin B là loại tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose.
Trong khi đó, trẻ em đang tuổi lớn rất cần protein để phát triển cơ bắp và chất béo lành mạnh để hỗ trợ não và hệ thần kinh. Một đứa trẻ thường xuyên uống nước ngọt thay vì sữa thì dễ thiếu canxi vốn cần thiết cho răng và xương chắc khỏe.
Ngoài việc ngăn ngừa lâu dài bệnh đái tháo đường và bệnh tim, việc tránh ăn quá nhiều đường cũng giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng của trẻ. Tình trạng sâu răng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi trẻ thường xuyên ăn thức ăn và đồ uống có đường.
Thay vì nạp vào lượng calo rỗng từ đường, trẻ em cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các thực phẩm cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Khi trẻ được ăn đầy đủ chất với các thực phẩm lành mạnh, trẻ sẽ ít ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là bánh, kẹo, nước ngọt.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng
Viện Dinh dưỡng Quốc gia
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.