(HNMCT) - Hỏi: Xin bác sĩ cho biết lượng glucose trong máu là bao nhiêu thì được xác định là tiểu đường? Và có cách nào để kiểm soát lượng glucose trong máu? Đặng Mạnh Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội)
Đáp: Tiểu đường được chia thành 3 loại: Tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường rất đa dạng: Do di truyền, do thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh như lười vận động, thường xuyên dùng đồ ngọt, chất béo...
Chỉ số glucose của người bình thường nằm trong khoảng 90 - 130mg/dl (tương đương 5 - 7,2mmol/l) khi được đo trước bữa ăn, dưới 180mg/dl (tương đương 10mmol/l) sau ăn khoảng 1 - 2 giờ và khoảng 100 - 150mg/l (tương đương 6 - 8,3mmol/l) trước khi đi ngủ.
Rất nhiều người thắc mắc là lượng glucose trong máu ở mức nào thì được coi là mắc tiểu đường? Dưới đây là chỉ số cho thấy nồng độ glucose trong máu tăng cao do bệnh tiểu đường gây ra:
Chỉ số glucose trong máu bằng hoặc lớn hơn 126mg/dl (5 - 7,2mmol/l) đo được ở bệnh nhân khi đói. Chỉ số glucose trong máu sau khi ăn khoảng 2 giờ bằng hoặc lớn hơn 200mg/dl.
Nếu thực hiện đo ở một thời điểm bất kỳ trong ngày, chỉ số glucose trong máu bằng hoặc lớn hơn 200mg/dl. Trong trường hợp chỉ số glucose khi đói nằm trong khoảng 110 - 126mg/dl thì bệnh nhân sẽ được xếp vào nhóm bị rối loạn đường huyết lúc đói, hay còn gọi là giai đoạn tiền tiểu đường.
Với những trường hợp không xuất hiện một số triệu chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như tiểu nhiều, sút cân không rõ nguyên nhân, uống nước nhiều, ăn nhiều hơn..., bệnh nhân sẽ được chỉ định xét nghiệm ít nhất khoảng 2 lần và mỗi lần xét nghiệm cách nhau không quá 7 ngày để có kết quả xét nghiệm chính xác nhất.
Để kiểm soát bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra mức đường huyết tại nhà và thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế, đồng thời áp dụng chế độ ăn phù hợp với người bị bệnh tiểu đường: Ăn nhiều rau xanh, hạn chế chất béo, đồ ngọt và tinh bột... Ngoài ra, cần thường xuyên vận động, tập luyện để tăng cường sức khỏe, cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát đường huyết một cách tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.