Vừa chợp mắt, chị Hân lại có cảm giác như bị quả bóng đè lên ngực rồi khó thở. Quá lo lắng bởi tình trạng kéo dài khiến nhiều đêm mất ngủ, cô nhân viên văn phòng phải tìm đến các chuyên gia.
Tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (TP HCM), sau khi được kiểm tra bằng máy đa ký giấc ngủ, nữ bệnh nhân 28 tuổi được các bác sĩ xác định nhiều lần ngưng thở trong đêm. Hiện tượng "bị ma đè" của chị Hân chính là một trong những biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ.
Ngưng thở lúc ngủ là một trong những chứng có thể gây tử vong. Ảnh: Cao Lâm.
Theo lời kể của chị Hân, từ một tháng trở lại đây, không đêm nào chị ngủ trọn đêm, bởi cứ chợp mắt hoặc ngủ đến nửa đêm thì lại có cảm giác như bị một vật vô hình đè lên ngực.
"Tôi không thể thở được, cảm giác như bị chết ngạt. Tôi ú ớ, thậm chí có lúc đã mở mắt ra được nhưng vẫn không thể nào trở mình ngồi dậy để thoát khỏi tình trạng như có cái bóng vô hình giữ chặt. Thức dậy, toàn thân tôi toát mồ hôi", chị Hân nói.
Qua kiểm tra giấc ngủ bằng máy, các bác sĩ xác định, lúc vừa vào giấc ngủ, chị Hân thi thoảng loạn nhịp tim và lưu lượng khí bất bình thường. Bệnh nhân có nhiều thời điểm ngưng thở.
Một trường hợp khác, anh Tiến Luân, 34 tuổi, ngụ tại Tân Bình, TP HCM cũng tìm đến bệnh viện khám vì không thể có giấc ngủ ngon. Bệnh nhân cho hay, từ khi anh dọn về căn nhà mới mua lại của một người khác, cứ vào đầu hoặc cuối giấc ngủ là anh đều bị "cứng người".
"Cứ ngủ đến nửa đêm là tôi không sao nhúc nhích được, cứ cố vùng vẫy thì lại càng bị 'giữ chặt'. Thấy tôi ú ớ, bà xã nằm cạnh lay mãi tôi mới tỉnh. Nếu không kiểm tra giấc ngủ của mình, tôi đã không biết mình bị mệt mỏi khiến khó thở lúc ngủ mà cứ nghĩ căn nhà bị ma ám", anh Luân kể.
Không có cảm giác "bị đè" như anh Luân, chị Hân, nhiều người tìm đến bác sĩ tâm lý lại cho hay, họ thường xuyên mơ thấy mình bị rơi từ trên cao xuống vực, hoặc thấy bị ai đó bóp cổ, bị chó đuổi, rắn tấn công...
"Nghe lời mọi người bày, mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi phải lấy chùm chìa khóa, con dao, cây thánh giá hoặc tượng Phật đặt trên đầu nằm. Tuy nhiên không phải bao giờ cũng có kết quả", chị Huyền nhà ở quận 11 nói.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên - chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại TP HCM, khẳng định, hội chứng ngưng thở hoặc bất ổn nhịp tim trong khi ngủ chính nguyên nhân khiến người bệnh có cảm giác mình bị "đè".
"Người bị hội chứng ngưng thở lúc ngủ thường phải thức dậy nhiều lần trong đêm để cố gắng thở lại nhưng đến sáng thức dậy lại không nhớ gì về những việc xảy ra. Người ngủ cùng thường là người chứng kiến những lần ngộp thở trong đêm này", bác sĩ Huyên nói.
Hội chứng này làm cho bệnh nhân ngưng thở thường xuyên trong khi ngủ, gây xáo trộn cân bằng giữa oxy và CO2 trong máu. Não cảm nhận được sự giảm oxy và sự tăng CO2 này nên cho tín hiệu xuống để kích thích bệnh nhân thở lại và bệnh nhân thức giấc, đường thở mở ra lại để CO2 thoát ra ngoài và cho oxy vào. Các đợt thức giấc rất cần thiết để bệnh nhân thở trở lại và cứu sống bệnh nhân nhưng lại làm giấc ngủ bị gián đoạn nhiều lần.
Nguyên nhân dẫn đến chứng ngưng thở lúc ngủ thường do vòng cổ lớn (béo phì); lưỡi to, cằm lẹm, hàm dưới nhỏ, vẹo vách ngăn mũi, polyps, amidan to...
Giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Tới, trưởng khoa Kỹ thuật - Y sinh, trường ĐH Quốc tế TP HCM thì cho rằng, hiện tượng bị "cứng người", bị "đè", hoặc bị "ma đè" ngoài nguyên nhân hệ tim mạch, hệ hô hấp, thần kinh không tốt, bệnh nhân còn có thể đã hoạt động gắng sức trong ngày, bị stress, hoặc tư thế nằm không phù hợp.
Riêng trường hợp bị khó ngủ, bị "bóng đè" khi dọn đến nơi ở mới, theo tiến sĩ Tới có thể cơ thể dị ứng hoặc bị ngạt bởi do mùi sơn, mùi đồ đạc, hoặc mùi nấm mốc.
"Việc khắc phục bằng cách đặt dao kéo trên đầu nằm chỉ trấn an về mặt tâm lý. Điều quan trọng nhất là phải tìm nguyên nhân bằng cách đến bác sĩ khám hoặc trước mắt là nên đổi tư thế nằm. Các nghiên cứu về giấc ngủ cho thấy, nằm nghiêng là tư thế giúp con người có giấc ngủ ngon nhất", ông Tới nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.